.
Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2018):

Mây tre đan Vân Sơn và hành trình khẳng định thương hiệu

.
09:21, Chủ Nhật, 10/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Được thành lập từ năm 2013, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp mây tre đan đang "sống dở, chết dở" thì hợp tác xã (HTX) mây tre đan Vân Sơn lại nhanh chóng phát triển và dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường cả nước. Thành công của HTX Vân Sơn không chỉ mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nghèo địa phương, mà còn tạo luồng sinh khí mới cho nền kinh tế tập thể vốn èo uột của huyện miền núi rẻo cao Tuyên Hóa.

Bán rừng lập HTX

Nằm sát dưới chân núi, lại không tiện đường giao thông nhưng khi đến thôn Kim Trung, xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) hỏi thăm HTX Vân Sơn, người dân nơi đây không ngần ngại dẫn đường chúng tôi vào tận khu vực nhà xưởng.

HTX Vân Sơn giải quyết cho hàng chục lao động tại địa phương.
HTX Vân Sơn giải quyết cho hàng chục lao động tại địa phương.

Ông Lê Viết Sơn (SN 1947), giám đốc HTX mây tre đan Vân Sơn vốn là giảng viên Trường trung cấp Lâm nghiệp Trung ương I ( tỉnh Lạng Sơn). Năm 1983, ông chuyển về công tác tại ngành Kiểm lâm huyện Tuyên Minh và nghỉ hưu vào năm 1997. Sau khi nghỉ hưu, ông Sơn cũng như nhiều hộ gia đình khác ở Kim Hóa, ngoài mấy sào ruộng cằn cỗi vùng núi thì lựa chọn duy nhất là phát triển rừng trồng để tăng thu nhập.

Tuy nhiên với người được coi là có "học thức nhất làng", ông Sơn luôn trăn trở làm thế nào để khai thác tiềm năng sẵn có tại địa phương, tìm hướng phát triển kinh tế gia đình và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Năm 2005, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Hoá. Trong thời gian công tác tại đây, ông luôn tìm mọi cách để kết nối mở các lớp đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau cho người dân. Trong đó, có 2 lớp kỹ thuật đan lát thủ công (dòng mây tre đan) với 58 học viên là có triển vọng nhất, nếu được đào tạo bài bản hơn sẽ trở thành những người thợ mây xiên lành nghề, hơn nữa nguồn nguyên liệu mây xiên ở vùng núi Tuyên Hóoá lại có sẵn.

Những năm sau đó, ông Sơn đi các làng nghề cũng như HTX, doanh nghiệp sản xuất mây tre đan khắp cả nước học hỏi và tìm các vùng chuyên cung cấp nguyên liệu để bắt mối. Năm 2012, Luật HTX ra đời với nhiều ưu đãi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, để khuyến khích người dân gắn bó với mô hình kinh tế tập thể, ông Sơn càng quyết tâm thực hiện ý tưởng xây dựng HTX của mình. Khi đem ý tưởng bàn bạc với gia đình, từ vợ con đến người thân đều một mực ngăn cản, bởi với họ đây là một việc quá mới mẻ trong khi ông tuổi đã cao.

Ông Sơn tâm sự, "Phải mất mấy tháng mới thuyết phục được vợ và các con để triển khai ý tưởng. Giờ nghĩ lại vẫn thấy mình liều thật, mình đã có tuổi nếu thất bại thì khó mà làm lại được". Ngay sau đó, ông Sơn dồn hết tiền bạc hai vợ chồng tích góp mấy chục năm, đồng thời gọi người xuất bán gần chục ha keo tràm nhưng không dùng số tiền đó để tái trồng rừng màđề xuất Trung tâm dạy nghề huyện mở lớp mây tre đan nâng cao và chọn được 32 học viên.

Mừng thay, những sản phẩm của khóa học được ông đem đi các làng nghề truyền thống gửi bán và được thị trường chấp nhận. Năm 2013, HTX mây tre đan Vân Sơn được thành lập bất chấp nhiều ánh mắt nghi ngại của người dân cho đến lãnh đạo địa phương...

Biến nông dân thành thợ thủ công

Lực lượng lao động nòng cốt của HTX chính là 32 học viên, những người nông dân đúng nghĩa chập chững tập làm thợ thủ công đan lát.

Ông Sơn chia sẻ, "Bà con mình sẵn tính cần cù, chịu khó nhưng những tháng đầu tiên sản phẩm làm ra chưa được bắt mắt, trong khi sản phẩm mây tre đan rất kén chọn khách hàng. Bởi vậy, thời gian đầu thành lập HTX tôi chỉ liên hệ với các cở sở sản xuất hàng mỹ nghệ ở Hà Nội để cung cấp nguyên liệu thô đã qua gia công, sau đó hợp đồng mời thợ giỏi vào dạy lại cho thợ của mình. Những người nhanh nhẹn, khéo tay cũng được chọn gửi đi các làng nghề để học tập thêm kỹ thuật đan lát".

Đến nay 32 lao động của HTX xã Vân Sơn vốn chỉ quen tay cuốc, tay cày giờ đã trở thành những thợ thủ công lão luyện đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. Những mặt sản phẩm mây tre đan Vân Sơn nhập cho các đối tác được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Sau mấy năm vào làm việc, chị Hoàng Thị Mai (30 tuổi) đã được mệnh danh là "đôi tay vàng" của HTX Vân Sơn. Xuất thân cũng con nhà nông, nhưng khi qua các lớp đào tạo nghề của huyện, tỉnh rồi chịu khó đi các làng nghề phía Bắc học hỏi, giờ đây ngoài tay nghề khéo léo, chị Mai còn tự mình thiết kế các mẫu hàng mới có độ tinh xảo cao để xuất ra thị trường.

Sản phẩm mây tre đan Vân Sơn có thị trường tiêu thụ rộng khắp cả nước.
Sản phẩm mây tre đan Vân Sơn có thị trường tiêu thụ rộng khắp cả nước.

Năm 2014, chị Mai đã sáng tạo ra bộ sản phẩm mây tre đan bao gồm ấm giữ nhiệt, bát sen có cánh, bát mộc, cơi trầu và gương treo tường, chị được UBND tỉnh trao danh hiệu người thợ giỏi. Chị Mai tâm sự, "trước đây theo học nghề là để tạo thu nhập cho gia đình, nhưng bây giờ đó còn là niềm đam mê thể hiện sự sáng tạo của bản thân".

Sau mấy năm đi vào hoạt động, quy mô nhà xưởng cũng như thiết bị máy móc của HTX Vân Sơn đã mở rộng hơn nhiều. Sản phẩm mây tre đan Vân Sơn đã tìm được chỗ đứng trên thị trường và dần khẳng định thương hiệu. Thị trường tiêu thụ cũng được trải dài từ Hà Nội vào tận vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Điều đáng nói là thu nhập của người lao động ở HTX không ngừng tăng lên, hiện nay bình quân thu nhập đạt trên 54 triệu đồng/người/năm. Hàng năm, HTX Vân Sơn cũng phối hợp với các địa phương trong huyện và mở rộng sang huyện Minh Hóa tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, qua đó tạo tiền đề thành lập các tổ hợp tác liên kết cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Sơn chia sẻ: "Mây tre đan là dòng sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường nhưng đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật cũng như mẫu mã phải liên tục đổi mới. Để tạo được thương hiệu và chỗ đứng bền vững trên thị trường còn rất nhiều điều phải làm tuy nhiên với những nỗ lực hiện tại, tôi hy vọng trong một tương lai không xa sản phẩm mây tre đan Vân Sơn không chỉ dừng lại ở cung cấp sản phẩm cho các đối tác trong nước, mà trực tiếp xuất khẩu ra thị trường nước ngoài".

X.Phú

 

,