(QBĐT) - Xác định vai trò quan trọng của làng nghề truyền thống trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, những năm qua, huyện Lệ Thủy đã có nhiều nỗ lực trong việc khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống trên địa bàn.
Lệ Thủy hiện có 5 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, gồm: làng nghề nón lá Quy Hậu (Liên Thủy), làng nghề chổi đót Lệ Bình (Mai Thủy), làng nghề chiếu cói An Xá (Lộc Thủy), làng nghề mộc mỹ nghệ, đan lát Xuân Bồ (Xuân Thủy) và làng nghề rượu Tuy Lộc (Lộc Thủy). Những năm gần đây, doanh thu bình quân một làng nghề ở Lệ Thủy đạt trên 1,5 tỷ đồng/năm, thu hút trên 1.842 lao động tham gia với mức thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng.
Làng An Xá (xã Lộc Thủy) có nghề truyền thống chiếu cói nổi tiếng. Năm 2008, làng nghề được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Như các làng nghề khác, nghề làm chiếu cói ở An Xá cũng có lúc gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu, thiếu đổi mới trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các sản phẩm làm ra mẫu mã còn đơn điệu và chất lượng chưa cao.
Để giải quyết tình trạng trên, lãnh đạo địa phương đã cấp đất cho người dân để mở rộng diện tích trồng cây nguyên liệu. Đồng thời, năm 2010, HTX làng nghề chiếu cói An Xá được thành lập và mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Sản xuất nón lá Quy Hậu. |
Anh Trần Hữu Hùng, trưởng thôn An Xá cho biết, tính đến nay, làng An Xá có khoảng 418 hộ với gần 1.526 nhân khẩu, trong đó hơn 37 hộ tham gia nghề sản xuất chiếu cói. Địa phương cũng đã mở rộng diện tích trồng cói, từ 4 ha lên 7 ha, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho HTX. Qua đó, làng nghề giải quyết việc làm thường xuyên cho 160 lao động, doanh thu năm 2017 đạt 1,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 11,8 triệu đồng/lao động/năm .
Nằm ven theo sông Kiến Giang, làng Quy Hậu (xã Liên Thủy) được người dân và du khách biết đến với sản phẩm nón lá nổi tiếng về độ bền và đẹp. Làng được công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2008. Nhiều năm trở lại đây, trong khi không ít nghề truyền thống bị mai một thì nghề làm nón lá ở làng Quy Hậu vẫn tiếp tục phát triển, giúp hàng trăm hộ dân địa phương thoát nghèo và có cuộc sống khá giả.
Riêng năm 2017, có 1.600 hộ tham gia làm nón, doanh thu đạt 18 tỷ đồng, mang lại thu nhập 11,3 triệu đồng/ lao động/năm. Bà Đinh Thị Tiệc, làng Quy Hậu, xã Liên Thủy cho biết, đây là nghề đòi hỏi sự khéo tay và kiên trì nên tham gia làm nghề chủ yếu là phụ nữ.
Cứ vào lúc nông nhàn, khi công việc đồng áng đã xong, người dân ở đây mới làm nón. Tùy vào từng loại nón, như: nón dừa hay nón lá..., thời gian để làm ra một chiếc nón sẽ khác nhau và mức giá cũng khác nhau. Bình thường mỗi người làm được từ 2 - 3 chiếc nón/ngày, trừ chi phí lãi được 50 – 60 nghìn.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Thủy cho biết, nhằm mở rộng và phát triển làng nghề truyền thống, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã đã có nhiều định hướng kêu gọi hỗ trợ về vốn vay từ các nguồn lực, phối hợp với Trung tâm dạy nghề từ tỉnh đến huyện mở các lớp tập huấn làm phong phú mẫu mã sản phẩm, nâng cao tay nghề đan nón lá cho bà con.
Theo ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, để duy trì, phát triển làng nghề, bên cạnh các chính sách ưu đãi của tỉnh, huyện Lệ Thủy đã tăng cường chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá đúng thực trạng phát triển làng nghề để có những giải pháp phù hợp.
Đồng thời, Lệ Thủy tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các cơ sở đầu tư trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, quảng bá sản phẩm... giúp các làng nghề nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để ưu tiên vốn sản xuất cho người làm nghề nhằm khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh nói chung và các làng nghề, làng có nghề nói riêng.
Phạm Hà