(QBĐT) - Thời gian qua, Điện lực Lệ Thủy luôn quan tâm thực hiện giảm tỷ lệ tổn thất điện năng (TTĐN) trên lưới điện, xem đây như một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Riêng quý 1-2018, Điện lực Lệ Thủy thực hiện chỉ tiêu giảm TTĐN đạt tỷ lệ 8,75%, vượt kế hoạch giao 0,32%.
Theo ông Phạm Anh Văn, Phó Giám đốc Phụ trách Điện lực Lệ Thủy, ngay từ đầu năm, đơn vị đã tính toán và phân tích tình trạng của hệ thống điện và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm TTĐN. Cụ thể, đơn vị lập tổ chỉ đạo giảm TTĐN, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân chịu trách nhiệm quản lý.
Tiếp đó, đơn vị giao chỉ tiêu đến từng tổ, đội để công nhân quản lý các đường dây và trạm biến áp (TBA) thực hiện. Định kỳ hàng tháng, trên cơ sở số liệu thực hiện, các tổ chỉ đạo giảm TTĐN họp đánh giá, phân tích, kiểm điểm trách nhiệm để tất cả cán bộ, công nhân viên đều phải tích cực tham gia vào các giải pháp giảm TTĐN tại đơn vị.
Đối với các giải pháp về kỹ thuật, Điện lực Lệ Thủy đã khai thác hiệu quả các công trình đầu tư xây dựng và sửa chữa lớn hoàn thành đưa vào sử dụng, như: chống quá tải, giảm TTĐN lưới điện khu vực phía Bắc, phía Nam huyện Lệ Thủy trong năm 2017; lắp đặt tụ bù hạ thế; thay máy biến áp kém chất lượng; các công trình sửa chữa lớn thay thế dây trần trung, hạ thế kém chất lượng…, nhờ đó, đã góp phần giảm TTĐN trên lưới điện.
Phát quang bảo đảm hành lang lưới điện là một trong những giải pháp làm giảm tổn thất điện năng của Điện lực Lệ Thủy. |
Đặc biệt, khi nâng dung lượng máy biến áp, Điện lực Lệ Thủy chú trọng nâng tiết diện dây dẫn để phù hợp với công suất; tính toán lắp đặt tụ bù trung, hạ áp phù hợp với công suất truyền tải của các đường dây và phụ tải sản xuất; thực hiện hoán chuyển các máy biến áp non tải, đầy tải một cách hợp lý, không để các máy biến áp phụ tải vận hành tải lệch pha.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, công tác vệ sinh, xử lý tiếp xúc lưới điện trung, hạ áp và trạm biến áp, bảo đảm phương thức vận hành tối ưu, vận hành hợp lý máy biến áp, không để non tải hoặc quá tải cục bộ cũng đã được Điện lực Lệ Thủy rất quan tâm. Đặc biệt, đơn vị đã vận hành tối ưu các cụm tụ bù trung, hạ áp để bù công suất phản kháng máy biến áp vào mùa nắng nóng.
Từ đầu năm đến nay, Điện lực Lệ Thủy đã hoàn thành việc cài đặt lại các cụm tụ bù hạ áp, các cụm bù được tính toán lắp đặt ở tâm phụ tải, tiêu thụ nhiều công suất phản kháng, bảo đảm điện áp tại các nút trong lưới điện được duy trì ổn định. Điện lực Lệ Thủy cũng đã đã thường xuyên xử lý kịp thời các cụm bù hỏng, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động liên quan đến công tác vận hành lưới điện.
Cũng theo ông Văn, công tác kiểm tra định kỳ, quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật lưới điện, như: phát quang hành lang tuyến, xử lý các tồn tại, xử lý tiếp xúc tại các vị trí mối nối trên lưới hạ thế, thực hiện kiểm tra bảo dưỡng được Điện lực Lệ Thủy quan tâm và thực hiện triệt để, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành. Việc kiểm soát nhiệt độ mối nối tiếp xúc cũng luôn được chú trọng.
Đến thời điểm này, đơn vị đã đo và kiểm soát nhiệt độ của hơn 300 mối nối điểm tiếp xúc và sẽ tiếp tục kiểm soát 100% mối nối từ trạm biến áp 110KV đến áp tô mát xuất tuyến của các trạm biến áp phụ tải. Đặc biệt, đơn vị đã rà soát và kiểm soát 100% mối nối của các trạm biến áp có tổn thất đang còn cao do kỹ thuật.
Trong công tác cân pha san tải hoán chuyển máy biến áp, Điện lực Lệ Thủy chủ động theo dõi và thực hiện ngay khi có biến động của phụ tải nhằm vận hành lưới điện theo phương thức cơ bản tối ưu. Công tác sửa chữa thường xuyên tại đơn vị được chú trọng từ bước kiểm tra, lập biên bản, tổng hợp, xét duyệt và triển khai được thực hiện bài bản và bảo đảm tiến độ. Điện lực Lệ Thủy luôn kịp thời thay thế vật tư, sửa chữa tại các vị trí trọng yếu, nhất là các vị trí có nguy cơ TTĐN.
Để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh điện trong thời gian tới, ông Phạm Anh Văn cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ sản lượng điện sử dụng hàng tháng, đặc biệt là các khách hàng có sản lượng lớn, khách hàng mua điện qua trạm biến áp chuyên dùng. Các trạm biến áp chuyên dùng đều đã được lắp đặt thiết bị đo xa nên rất thuận tiện trong việc theo dõi sản lượng, công suất, sự cố hệ thống đo đếm. Việc đưa phần mềm “Chương trình kiểm tra sử dụng điện” vào áp dụng đã góp phần tăng hiệu quả việc kiểm soát sản lượng sử dụng của khách hàng, đặc biệt là các khách hàng có sản lượng lớn và biến động.
Với quyết tâm và nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, Điện lực Lệ Thủy nỗ lực phấn đấu để đạt được chỉ tiêu giảm TTĐN năm 2018 do PC Quảng Bình giao, góp phần hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Nguyễn Hoàng