.

Du lịch Minh Hóa: Tiềm năng chờ đánh thức!

.
10:44, Thứ Ba, 24/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Minh Hóa may mắn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh, cùng những giá trị văn hóa, lịch sử, con người đặc trưng, phong phú. Tiềm năng du lịch của Minh Hóa được ví như “nàng công chúangủ trong rừng" chờ nhà đầu tư, khách du lịch đến đánh thức...

Có thể phát triển nhiều loại hình du lịch

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia du lịch, ở Quảng Bình, tiềm năng du lịch của Minh Hóa chỉ đứng sau Bố Trạch và có thể phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng, như: du lịch khám phá, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch tâm linh…

Đoàn làm phim
Đoàn làm phim "Kong: Skull Island" đến Minh Hóa để tìm cảnh quay và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây.

Minh Hóa có hệ thống núi đá vôi đồ sộ bao quanh làng mạc, cánh đồng tạo thành những thung lũng đẹp tuyệt sắc, nên nhiều người còn ví nơi đây như một Vịnh Hạ Long trên cạn. Minh Hóa còn có những hang động rất đẹp với hệ thống thạch nhũ, dòng sông ngầm, như: hệ thống hang động Tú Làn ở xã Tân Hóa; hang Rục Mòn và hồ Yên Phú ở xã Hóa Tiến; nhiều hang động ở các xã Thượng Hóa, Hóa Phúc…

Hệ thống núi đá vôi cùng với địa hình rừng núi ở Minh Hóa còn tạo nên những khe suối có dòng chảy rất đẹp, nước trong và mát, như: Thác Mơ ở xã Hóa Hợp; thác Bụt, suối nước Mộc ở xã Yên Hóa; thác Nước Rụng ở xã Dân Hóa…

Là mảnh đất có chiều dài lịch sử, Minh Hóa là chiến khu cách mạng trong suốt các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Trong phong trào Cần Vương, Minh Hóa là một trong những căn cứ quan trọng. Tại eo Lập Cập (xã Hóa Sơn) đã diễn ra những cuộc chiến đấu quyết liệt để bảo vệ vua Hàm Nghi, đây được cho là nơi cất giấu kho báu của nhà vua trong thời gian đó.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Minh Hóa có 2 tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam đi qua là tuyến đường Hồ Chí Minh và đường 12A với hàng chục di tích lịch sử cấp Quốc gia, như: đèo Đá Đẽo ở xã Thượng Hóa; ngầm Khe Rinh, hang Sân khấu ở xã Trung Hóa; cụm hang động, nơi đóng quân của Binh trạm 12 ở xã Hóa Tiến; ngã ba Khe Ve ở xã Hóa Thanh.

Đặc biệt, trên đường 12A qua xã Dân Hóa có 5 di tích lịch sử Quốc gia gồm: Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại đồi Cha Quang, tượng đài chiến thắng Bãi Dinh, Cổng Trời, trận địa Nguyễn Viết Xuân và tượng đài chiến thắng Cha Lo…Đây không chỉ là những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng mà cũng là tiềm năng to lớn để phát triển loại hình du lịch lịch sử về nguồn.

Ngoài ra, Minh Hóa còn có Hội Rằm tháng Ba truyền thống, là một trong hai lễ hội lớn cấp tỉnh được tổ chức hàng năm. Hiện nay, lễ hội được huyện Minh Hóa tổ chức thành Tuần lễ Văn hóa-Thể thao và Du lịch để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời “kích cầu” phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, nhắc đến Minh Hóa, không thể không nhắc đến các làn điệu dân ca truyền thống, đậm chất nhân văn làm say đắm lòng người, như: hò thuốc cá, hát sắc bùa, ca trù…. Rồi ngôn ngữ tiếng Nguồn cũng đang được xem như là “đặc sản” văn hóa mà chỉ có ở Minh Hóa mới có.

Minh Hóa còn là nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống như người Rục ở Thượng Hóa được xem là một trong 10 tộc người bí ẩn nhất thể giới; người Mày, người Khùa ở xã Dân Hóa, Trọng Hóa với những đặc trưng văn hóa riêng có, đủ sức lôi cuốn du khách, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Ẩm thực ở Minh Hóa cũng đa dạng, có nhiều món ngon, như: bồi, ốc đực, cá mát, mật ong rừng, rượu đoác, rau tớn…

Với những tiềm năng lớn như vậy, tuy nhiên, việc đầu tư và khai thác du lịch ở Minh Hóa vẫn còn rất nhiều hạn chế. Nhiều tiềm năng du lịch ở đây vẫn còn đang “ngủ yên”, chưa được đánh thức.

Nỗ lực đánh thức tiềm năng du lịch

Năm 2011, với ý tưởng tạo ra một sản phẩm du lịch mới, Công ty Chua Me Đất (Oxalis) bắt đầu khai thác tuyến du lịch mạo hiểm khám phá hệ thống hang động Tú Làn. Đến năm 2016, sau sự kiện đoàn làm phim đến từ kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood đến Minh Hóa để thực hiện một số cảnh quay quan trọng cho bộ phim bom tấn: “Kong: Skull Island”, có thêm Công ty TNHH TM và DV Đất Xanh đưa vào khai thác thử nghiệm tuyến du lịch “Khám phá thiên nhiên Hóa Sơn-hang Rục Mòn”, trong đó điểm phim trường “Kong: Skull Island” tại thôn Yên Phú (Trung Hóa) là một điểm nhấn của tuyến…

Và cho đến thời điểm này, cũng mới chỉ có 2 địa điểm trên của Minh Hóa được đưa vào khai thác du lịch một cách chuyên nghiệp, thu hút được lượng khách lớn. Ngoài ra, hàng năm cũng có một số lượng khách đến với Minh Hóa qua Hội Rằm tháng Ba, thăm lại chiến trường xưa trên đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 12A. Tuy nhiên, số lượng khách đến với Minh Hóa vẫn còn rất ít so với tiềm năng.

Để đánh thức và thúc đẩy du lịch phát triển, thời gian qua, huyện Minh Hóa đã chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại những nơi có tiềm năng du lịch; quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các nét văn hóa truyền thống gắn liền với xây dựng làng, bản văn hóa làm tiền đề tốt để du lịch văn hóa - lễ hội có bước đột phá. Ngoài ra, hàng năm huyện Minh Hóa còn phối hợp với Sở Du lịch tổ chức các hội nghị, gặp mặt, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào đầu tư phát triển du lịch ở Minh Hóa.

Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, huyện đang nỗ lực để biến tiềm năng du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, giúp huyện thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2020. Hiện nay, huyện đang đề nghị cấp có thẩm quyền cho chủ trương xây dựng quy hoạch phát triển du lịch, đẩy mạnh việc xúc tiến, tạo môi trường thuận lợi để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn.

Khung cảnh thanh bình của nông thôn Minh Hóa hứa hẹn hấp dẫn khách du lịch
Khung cảnh thanh bình của nông thôn Minh Hóa hứa hẹn hấp dẫn khách du lịch

Huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi tư duy, tự ý thức bảo vệ môi trường vì thế mạnh của du lịch Minh Hóa là các khu rừng nguyên sinh tự nhiên, các hang động và di tích lịch sử nên phù hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống để sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và du lịch; đầu tư để hình thành các bản làng làm du lịch nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Đồng thời, Minh Hóa định hướng và chỉ đạo để người dân tập trung sản xuất các loại hàng hóa có tính đặc trưng, các sản phẩm ẩm thực của địa phương để phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong tương lai; vận động người dân tham gia làm du lịch theo mô hình homestay để từng bước hình thành phong trào phát triển du lịch, dịch vụ…

Nói về phát triển du lịch của huyện Minh Hóa, ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, tiềm năng du lịch của Minh Hóa là rất lớn, tuy nhiên hiện vẫn đang là “nàng công chúa” ngủ trong rừng đang chờ nhà đầu tư, khách du lịch là “hoàng tử” đến đánh thức. “Để tiềm năng du lịch Minh Hóa thực sự được đánh thức, theo tôi ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, cần có sự tham gia tích cực của chính người dân sở tại.

Vì vậy, huyện cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân tự làm du lịch bằng việc đón khách vào sinh hoạt, sinh sống trong nhà, tạo điều kiện cho khách du lịch cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất và tìm hiểu văn hóa ở địa phương. Người dân cũng cần phải thay đổi nhận thức, nhìn nhận đúng đắn hơn về du lịch bằng việc tự bảo tồn bản sắc văn hóa, làm tốt công tác bảo vệ rừng, tự trau dồi kiến thức bản địa, trình độ ngoại ngữ và đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ để phục vụ cho du lịch…”, ông Kỳ chia sẻ.

Phan Phương


 

,