.

Hiệu quả từ mô hình nuôi chim trĩ thương phẩm

.
16:32, Thứ Hai, 05/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Nhằm góp phần bổ sung giống vật nuôi mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã thực hiện mô hình nuôi chim trĩ thương phẩm. Mô hình đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá cao và định hướng nhân rộng ra toàn tỉnh.
 
Thịt chim trĩ từ lâu được coi là đặc sản vì hương vị thơm ngon đặc trưng, rất được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt, nó được các nhà khoa học dinh dưỡng trên thế giới đánh giá cao, là một thực phẩm an toàn, bổ dưỡng. Trong y học cổ truyền, thịt chim trĩ là vị thuốc chữa trị một số bệnh như thiếu máu, suy nhược sau sinh, sa tử cung, dạ dày, dùng làm thức ăn tăng cường sức khỏe cho người già, hồi phục sức khỏe sau bệnh, dùng cho trẻ em suy dinh dưỡng, nam yếu sinh lý...
 
Chim trĩ có đặc điểm rất riêng là có bộ đuôi dài và nhỏ, bộ lông có nhiều màu sắc đẹp, toàn bộ cơ thể của nó được tạo nên bởi những màu sắc khác nhau, rất đẹp mắt. Chính vì vậy, từ lâu, chim trĩ được coi là loài chim đẹp trong tự nhiên và là chim cảnh hấp dẫn. Ngoài việc nuôi làm thương phẩm, chim trĩ còn được nuôi làm cảnh, có giá trị kinh tế và thẩm mỹ cao.
 
Hiện nay, trên địa bàn Quảng Bình có một số hộ dân đã tự tìm hiểu và nuôi thử chim trĩ, bước đầu cho thấy chim trĩ tương đối thích hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương, tỷ lệ sống, tăng trọng tương đối cao. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu thực phẩm gia đình, đã có sản phẩm bán ra thị trường và được thị trường chấp nhận. 
 Qua mô hình cho thấy chim trĩ tương đối thích hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu ở tỉnh ta, tỷ lệ sống và tăng trọng tương đối cao.
Qua mô hình cho thấy chim trĩ tương đối thích hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu ở tỉnh ta, tỷ lệ sống và tăng trọng tương đối cao.
Tuy nhiên, việc chăn nuôi chim trĩ còn manh mún, tự phát nên chưa lựa chọn được con giống phù hợp, có chất lượng và chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật tiên tiến nên hiệu quả chưa cao. Quy trình nuôi dưỡng theo kinh nghiệm, chưa bảo đảm quy chuẩn; số lượng chim trĩ xuất chuồng chưa nhiều nên chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn đến thu mua; thịt chim trĩ thương phẩm chủ yếu đang cung ứng cho các nhà hàng trong địa bàn nên mức độ tiêu thụ chưa lớn.
 
Xuất phát từ đánh giá, tổng hợp về kinh nghiệm, kỹ thuật và nhu cầu nuôi chim trĩ ở tỉnh ta, mô hình nuôi thử nghiệm chim trĩ đã được Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tiến hành. Một trong những mục tiêu quan trọng của đề tài là nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển chăn nuôi chim trĩ thương phẩm nhằm phổ biến, nhân rộng kết quả mô hình cho nông dân để chăn nuôi quy mô lớn nhằm cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho xã hội, mở ra một hướng sản xuất mới trong nông nghiệp, giải quyết việc làm và thu nhập cho nông dân tại địa phương.
 
Trong quá trình triển khai, mặc dù trong điều kiện không thuận lợi về thời tiết, chim giống phải nhập từ nơi khác về (tỉnh Đồng Nai), quy trình chăn nuôi thử nghiệm chưa được chuẩn hóa nhưng qua thời gian nuôi, tỷ lệ sống của chim trĩ đạt được khá cao, đạt 95,45% trong đợt 1 và 96,84% trong đợt 2. Qua quá trình theo dõi, khả năng sinh trưởng, phát triển của chim trĩ nuôi ở tỉnh ta khá tốt, tương đương với chim trĩ nuôi ở các địa phương khác (chim trống đạt khối lượng trung bình là 1,250kg, chim mái đạt 0,9kg).
 
Về mặt kỹ thuật đã được đúc rút từ kết quả nghiên cứu, chim trĩ nuôi lấy thịt nên xuất bán từ 16-17 tuần tuổi là phù hợp nhất, không nên nuôi kéo dài vì lúc này chim tăng trọng chậm mà chi phí thức ăn cao, hiệu quả kinh tế sẽ thấp. Đặc biệt, ở giai đoạn này, chim tiêu tốn thức ăn rất lớn, nếu không đáp ứng được nhu cầu thì chúng sẽ cắn xé nhau, con nào yếu có thể sẽ bị cắn chết. Về tiêu thụ, khi được thị trường đón nhận, với giá bán tương đương như các địa phương khác (320.000 đồng/kg) thì việc nuôi chim trĩ ở tỉnh ta đưa lại hiệu quả kinh tế khá cao so với các loại gia cầm khác.
 
Ông Mai Văn Tịnh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cho biết: Việc xây dựng mô hình chăn nuôi chim trĩ sẽ tạo thêm giống vật nuôi mới cho sự phát triển của ngành chăn nuôi địa phương. Không chỉ có giá thành cao hơn các loại gia cầm khác mà loài chim này rất dễ nuôi, ngoài thức ăn chính thì các loài rau, cỏ, chim đều ăn được. Sau khi mô hình thành công, đã có một số người chăn nuôi đến tham quan, học tập và mua giống về thử nghiệm.
 
Mặc dù thử nghiệm thành công nhưng để mô hình được phổ biến, còn rất nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, theo dõi và thử nghiệm dưới góc độ nuôi công nghiệp, như: khảo nghiệm, chọn giống nuôi thích hợp; khảo nghiệm công thức của thức ăn phù hợp, theo dõi bệnh và cách thức phòng bệnh, chữa bệnh cho chim; thị trường tiêu thụ…Đặc biệt, trung tâm tiếp tục thử nghiệm mô hình nuôi chim trĩ sinh sản nhằm cung ứng giống cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh.
 
T. Hoa
,