.

Quảng Ninh: Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với nông dân

.
07:45, Thứ Ba, 04/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Những năm qua, Trạm Khuyến nông huyện Quảng Ninh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp. Đồng thời, trạm triển khai nhiều mô hình khuyến nông nhằm giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng địa phương.
 
Măng tây là loại cây ngoại nhập, là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, cho thu nhập ổn định nên gần đây đang được phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước. Ở tỉnh ta, Trạm Khuyến nông huyện Quảng Ninh đã quyết định lựa chọn cây măng tây để trồng thử nghiệm tại 3 hộ gia đình ở hai xã Hải Ninh và Vĩnh Ninh với ba loại đất khác nhau, gồm: đất thịt, đất thịt nhẹ và đất cát, nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế của loài cây này. Sau 6 tháng trồng, hiện cây đang sinh trưởng và phát triển rất tốt, ra chồi nhanh, khỏe và liên tục. Tuy nhiên, để thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, sau 9 tháng, khi thân cây mẹ khỏe mạnh, bà con mới được thu hoạch mầm măng.
 
Anh Trần Văn Trung, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quảng Ninh cho biết, măng tây được xem như một dạng thực phẩm chức năng có hàm lượng đạm, protit, vitamin cao, lại có giá trị về dược liệu. Với những ưu việt đó, nên giá trị kinh tế của măng tây vượt trội so với các loại rau khác, hiện theo giá thị trường, bình quân măng tây có giá 70.000-80.000/kg.
 
Ưu điểm lớn nhất của măng tây là một lần trồng có thể cho thu hoạch trên 10 năm và thời gian càng lâu thì năng suất càng tăng. Hiện trạm cùng 3 hộ nông dân trồng thử nghiệm, nếu hiệu quả, sẽ mở lớp tập huấn, khuyến khích người dân đưa loại cây trồng này vào sản xuất, thay thế một số loài cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp. 
Mô hình cây măng tây hứa hẹn mang lại hiệu quả cao cho nông dân Quảng Ninh.
Mô hình cây măng tây hứa hẹn mang lại hiệu quả cao cho nông dân Quảng Ninh.
Ngoài cây măng tây, Trạm Khuyến nông Quảng Ninh cũng đang thử nghiệm trồng cây cà gai leo nhằm đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Đây là loại thảo dược quý, dùng chữa trị các bệnh về viêm gan, giải độc, giải rượu, chống xơ gan, hạ men gan…, lại rất dễ uống nên rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nguyên liệu vẫn chủ yếu dựa vào thu hái ngoài tự nhiên. Vì vậy, việc đưa các cây trồng dược liệu như cà gai leo vào trồng sẽ giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập ổn định.
 
Tháng 4 vừa qua, đơn vị đã tiến hành cấp giống và vật tư phân bón cho 3 hộ ở xã Lương Ninh thực hiện mô hình trên diện tích 2.500m2. Đến nay, sau 4 tháng trồng và chăm sóc, cây đang phát triển tốt, ít sâu bệnh, đang chuẩn bị cho thu hoạch. Với kết quả ban đầu, có thể khẳng định rằng, đây là loại cây dễ trồng, thích nghi với nhiều loại khí hậu và nhiều loại đất, thời gian thu hoạch ngắn, giá trị kinh tế cao.
 
Khi thực hiện thí điểm các mô hình, nông dân được tự triển khai, áp dụng trên chính mảnh đất của mình; được theo dõi, đánh giá và so sánh giữa sản xuất truyền thống với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, nên việc tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật của bà con thuận lợi hơn.
 
Nhiều mô hình thử nghiệm hiệu quả được người dân học hỏi và nhân rộng, như: mô hình nuôi cá chẽm thương phẩm ở xã Duy Ninh, mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ ở xã Vạn Ninh, mô hình trồng giống cỏ VA06 để chăn nuôi bò…
 
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Trạm Khuyến nông huyện Quảng Ninh đã triển khai và thực hiện được 5 mô hình, gồm: phối thử nghiệm giống bò 3B hướng thịt tại hai xã Hiền Ninh, Vạn Ninh; thử nghiệm giống lúa mới NA6; mô hình nuôi gà ác thương phẩm; thử nghiệm cây măng tâyvà thử nghiệm cây cà gai leo...
 
Với phương châm “cầm tay, chỉ việc”, giúp nông dân lựa chọn cây, con thích hợp, chăm sóc đạt hiệu quả cao, Trạm Khuyến nông huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và chuyển giao kỹ thuật đến người dân thông qua các lớp tập huấn, hội thảo. Nội dung tập huấn tập trung vào kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương và một số biện pháp phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức được 6 lớp tập huấn với 300 lượt người tham gia.
 
Với kết quả ban đầu tương đối khả quan, các mô hình trên của đơn vị đang được người dân tin tưởng và áp dụng, thể hiện hướng đi đúng và tích cực của công tác khuyến nông. Để nhân rộng các mô hình này, thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện Quảng Ninh tiếp tục theo dõi, đánh giá kết quả khách quan, xử lý các vấn đề phát sinh và đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với nông dân, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con.
 
Thanh Hoa
,