.

Sách giáo khoa cho năm học mới: Gánh nặng sách tham khảo

.
09:18, Thứ Tư, 31/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Năm học mới 2019-2020 sắp bắt đầu, việc chuẩn bị sách giáo khoa (SGK), đồ dùng học tập cho con em tới trường đang là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh trong toàn tỉnh. Cùng với việc tăng giá SGK, thì việc “loạn” sách tham khảo, nhất là ở cấp tiểu học đang thực sự là gánh nặng cho các gia đình học sinh.
 
“Loạn” sách tham khảo
 
Đến thời điểm này, nhiều trường học trên địa bàn toàn tỉnh đã hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp. Tuy chưa hết kỳ nghỉ hè, nhưng một số trường đã cho học sinh (HS) lớp 1 đến trường học để tập làm quen với nền nếp trước khi bước vào khai giảng năm học mới. Cùng với đó thì các bộ SGK cũng được chuẩn bị cho các em tới trường. Tuy nhiên, khi trả tiền cho những bộ sách của HS tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5, nhiều bậc phụ huynh đã choáng váng...
 
Qua tìm hiểu, giá thành mỗi bộ sách tùy theo sự lựa chọn của các trường và mỗi địa bàn huyện, thị xã, thành phố cũng có sự khác nhau, mức dao động từ 400-700 nghìn đồng, thậm chí, có những trường chọn bộ sách lên đến gần 800 nghìn đồng (trung bình mỗi bộ sách từ 25 đến trên 40 cuốn và đa phần là sách tham khảo).
Học sinh lớp 1 phải  "cõng " bộ SGK khủng đến trường.
Học sinh lớp 1 phải "cõng" bộ SGK khủng đến trường.
Đơn cử như bộ sách của học sinh lớp 1, trung bình từ 25 đến 40 cuốn, trong đó có nhiều cuốn quá sức và không cần thiết như: Toán nâng cao, Hướng dẫn em tự ôn luyện Toán, Hướng dẫn em tự ôn luyện Tiếng Việt, Sống đẹp, Bài tập đạo đức, Bài tập nhạc… cùng rất nhiều các loại vở luyện viết khác…; hay như cuốn Vở tập vẽ (mặc dù theo chương trình quy định, toàn tỉnh học theo phương pháp Đan Mạch sẽ không học cuốn này nhưng vẫn được đưa vào bộ sách bắt phụ huynh phải mua).
 
Trao đổi với các bậc phụ huynh, nhiều người cho rằng, đối với HS mới chập chững bước vào lớp 1, nhà trường không nên đòi hỏi quá cao, gia đình chỉ mong các em đọc được, viết được đã là thành công của thầy cô giáo. Vì thực tế, các em chưa đọc được và cũng chưa thể hiểu hết được những cuốn sách tham khảo mà các em phải cõng trên lưng. Điều này làm những gia đình nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn mang thêm gánh nặng, bởi ngoài tiền sách vở, còn tiền áo quần đồng phục và tiền nộp học đầu năm cho các em HS.
 
Có hay không sự độc quyền phát hành sách
 
Qua trao đổi, một số trưởng phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường tiểu học cho hay: Khi chuẩn bị kết thúc năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT đã có Công văn số 980 (ngày 13-5-2019) và Công văn số 1054 (ngày 20-5-2019) trực tiếp hướng dẫn sách, tài liệu cho HS tiểu học năm học 2019-2020 gửi về các phòng GD-ĐT và các phòng tiếp tục chuyển cho các trường để thông báo cho cha mẹ HS tại buổi họp phụ huynh cuối năm.
Những chú thích không đúng khi giới thiệu về các danh lam, thắng cảnh của Quảng Bình trong bộ Vỡ luyện viết của Sở GD-ĐT.
Những chú thích không đúng khi giới thiệu về các danh lam, thắng cảnh của Quảng Bình trong bộ Vở luyện viết của Sở GD-ĐT.
Tại Công văn số 980 của Sở GD-ĐT chỉ rõ đích danh đơn vị cung cấp SGK cùng với các loại sách tham khảo như chúng tôi phản ánh. Vì Sở GD-ĐT cho rằng đơn vị này là đối tác độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) “chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời sách và các sản phẩm giáo dục của NXB GDVN” để phụ huynh “tránh mua phải sách in lậu, sách giả trên thị trường”.
 
Tuy nhiên, trước sự phản ứng của các đơn vị cung cấp SGK, các nhà sách, quầy sách tại các địa phương, Sở GD-ĐT đã “chữa cháy” bằng Công văn số 1054. Văn bản này không chỉ đích danh đơn vị cung cấp độc quyền SGK nhưng vẫn “kế thừa” văn bản trước bằng một loạt sách tham khảo giá thành đắt gấp đôi, gấp ba lần SGK bắt phụ huynh phải chi tiền mua.
 
Mặc dù trong công văn hướng dẫn Sở GD-ĐT yêu cầu, tất cả các loại sách, tài liệu đều do NXB GDVN phát hành và được Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT thẩm định, tập huấn chuyên môn trong toàn tỉnh; tuy nhiên, đơn vị cung ứng đã đưa vào một số đầu sách không phải của NXB GDVN và độc quyền phát hành. 
Cùng một bức ảnh là “thác Thiên Hà trong động Thiên Đường”, nhưng có 2 chú thích khác nhau: ở cuốn luyện viết lớp 3, tập 2 thì chú thích là động Thiên Đường; nhưng ở cuốn luyện viết lớp 4, tập 1 lại chú thích là hang Sơn Đoòng. Đặc biệt, ở cuốn luyện viết lớp 2, tập 1 ở bìa cuối in 1 bức ảnh lớn về khung cảnh không phải ở Quảng Bình nhưng được chú thích “bãi biển Nhật Lệ”

“Mặc dù ở tỉnh ta, NXB GDVN lựa chọn 2 công ty: CP Sách-Thiết bị giáo dục Quảng Bình và TNHH Sách-Văn hóa Thời đại là đối tác phát hành. Tuy nhiên, với việc ưu ái của Sở GD-ĐT, Công ty CP Sách-Thiết bị giáo dục Quảng Bình được độc quyền phát hành một số đầu sách tham khảo đã tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường sách của tỉnh. Và đặc biệt, việc đưa các loại sách tham khảo có giá thành cao đã tạo thêm gánh nặng kinh tế cho người dân địa phương. Tôi cũng như nhiều người đều có chung băn khoăn, liệu có lợi ích nhóm trong phát hành sách? Mỗi năm học, việc lãng phí, tiêu tốn hàng tỷ đồng từ các loại sách tham khảo này đều đổ lên đầu phụ huynh HS…” - ông Lê Minh Tý, chủ một cửa hàng sách lâu năm ở Bố Trạch bày tỏ.
 
Bà Trần Thị Sáu, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Đồng Hới nêu quan điểm, HS chỉ cần học hết bài trong SGK và phụ huynh chỉ cần mua các loại sách theo hướng dẫn của NXB GDVN ở bìa cuối cùng của mỗi cuốn SGK là đủ cho chương trình học. Còn thời gian, các nhà trường nên chú trọng giáo dục kỹ năng sống và tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho HS; không nên đưa vào quá nhiều các loại sách tham khảo, tạo gánh nặng cho phụ huynh và áp lực cho giáo viên (GV) và HS, nhất là ở bậc tiểu học.
 
Bộ sách luyện viết địa phương nhiều sai sót
 
Trong công văn hướng dẫn của Sở GD-ĐT có rất nhiều đầu sách phụ huynh cần phải mua, trong đó đáng chú ý là bộ Vở luyện viết chữ đẹp của Sở GD-ĐT có nhiều vấn đề cần bàn. Trước hết, với việc độc quyền in, độc quyền phát hành nên giá thành rất cao (12.000 đồng/cuốn) so với vở tập viết cùng loại của NXB GDVN (chỉ 2.900 đồng/cuốn). Thứ nữa là cùng một giấy phép xuất bản được cấp từ năm 2018, nhưng bộ vở luyện viết này có 2 mức giá khác nhau in ở bìa cuối là 10.500 đồng và 12.000 đồng, nên nhiều phụ huynh hoang mang không biết đâu là sách thật và đâu là sách nối bản… Cũng theo phản ánh, chất lượng giấy của cuốn vở này không bảo đảm, khó viết chữ, nên GV phải dùng vở ô ly để luyện chữ cho HS. Điều đáng nói thêm ở bộ luyện viết này là nội dung cũng như hình ảnh có nhiều sai sót, đã được GV, phụ huynh phản ánh từ năm học 2018-2019 nhưng vẫn không được chỉnh sửa. 
Và những sai sót được chỉnh sửa rất phản cảm.
Và những sai sót được chỉnh sửa rất phản cảm.
Được biết, thời gian qua, ngoài cuốn tài liệu Giáo dục địa phương, Sở GD-ĐT đã biên soạn bộ Vở luyện viết chữ đẹp để giới thiệu về các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, món ăn mang hương vị của quê hương Quảng Bình. Tuy nhiên, từ bộ vở luyện viết này, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực sử học cho rằng, khi biên soạn lịch sử, để cho HS ghi nhớ cần phải chính xác, dễ hiểu để tránh sự hiểu nhầm.
 
Ví như ở cuốn luyện viết lớp 5, tập 2, trang 8 giới thiệu về di tích lịch sử “Cha Lo-Cổng Trời” không chính xác. Bởi trên thực tế đây là hai di tích hoàn toàn khác nhau nằm trong hệ thống đường 12A chiến lược của những năm đánh Mỹ và “Cổng Trời” đã được xếp hạng di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia. Hay hình ảnh minh họa ở các trang bìa không đúng, cùng một bức ảnh là “thác Thiên Hà trong động Thiên Đường”, nhưng có 2 chú thích khác nhau: ở cuốn luyện viết lớp 3, tập 2 thì chú thích là động Thiên Đường; nhưng ở cuốn luyện viết lớp 4, tập 1 lại chú thích là hang Sơn Đoòng. Đặc biệt, ở cuốn luyện viết lớp 2, tập 1 ở bìa cuối in 1 bức ảnh lớn về khung cảnh không phải ở Quảng Bình nhưng được chú thích “bãi biển Nhật Lệ”. Đến năm học này, dù đã bị phản ứng nhiều, nhưng nhà phân phối độc quyền vẫn không thu hồi mà chỉnh sửa một cách thô sơ và phản cảm, đã cho tẩy xóa dòng chú thích “bãi biển Nhật Lệ” và bức ảnh không còn chú thích, để cho học sinh tự đoán…
 
Năm học 2016-2017, Báo Quảng Bình đã có bài “Vấn nạn sách tham khảo”, phản ánh việc các nhà trường bắt ép phụ huynh HS mua sách tham khảo không cần thiết, gây lãng phí tiền của nhân dân. Ngay sau đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Sở GD-ĐT kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời, không tạo thêm gánh nặng cho người dân. Tuy nhiên, từ năm ngoái và nhất là chuẩn bị vào năm học mới 2019-2020 tình trạng này lại tái diễn mạnh hơ
 
Cũng trên Báo Quảng Bình, đầu năm học 2018-2019, trong bài “Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục: Năm thứ ba Quảng Bình Triển khai đại trà” đã nêu ý kiến của nhiều GV đề nghị Sở GD-ĐT không yêu cầu dạy theo sách bài tập thực hành Tiếng Việt lớp 1-CNGD (3 tập) vì quá nặng đối với HS và GV. Tuy nhiên, năm học này, trong công văn hướng dẫn của Sở GD-ĐT vẫn tiếp tục đưa vào, cùng với các cuốn sách Em tự ôn luyện Toán, Em tự ôn luyện Tiếng Việt… thực sự là áp lực cho GV và HS lớp 1.
Nội Hà
,