.

Hành trình 30 năm vượt khó "trồng người"

.
08:14, Thứ Tư, 17/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Tròn 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Bình đã nỗ lực vượt lên bao gian khó, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trồng người”. 30 năm, lòng nhiệt huyết, yêu nghề của các thế hệ nhà giáo đã viết nên những thành tích đáng phấn khởi, tự hào, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà vững bước đi lên trên hành trình đổi mới và phát triển.
 
Nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội
 
Giám đốc Sở GD-ĐT Đinh Quý Nhân trao đổi: Trải qua 30 năm, sự nghiệp GD-ĐT Quảng Bình phát triển toàn diện, đồng bộ trên các mặt, từ quy mô, chất lượng đến điều kiện dạy và học; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và chương trình kiên cố hóa trường, lớp học. Đội ngũ nhà giáo từng bước được bổ sung về số lượng và nâng cao chất lượng. Mạng lưới cơ sở giáo dục (CSGD) đã được mở rộng đến khắp các xã, phường, số lượng học sinh (HS), sinh viên (SV) tăng trưởng rõ rệt. Công tác xã hội hóa (XHH) giáo dục được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng xã hội học tập.
 
Nhớ lại ngày đầu tỉnh nhà trở về địa giới cũ, toàn tỉnh chỉ có 405 trường và CSGD, 3 trường trung cấp, với 141.869 HS, SV. Đến năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 618 trường và CSGD, 1 trường đại học (ĐH), 2 trường cao đẳng (CĐ), 5 trường trung cấp, đào tạo nghề và hàng chục trung tâm tin học, ngoại ngữ, tư vấn du học... với hơn 227.000 HS, SV, tăng 4,5% so với năm 2010. Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm, kịp thời có các chế độ, chính sách hỗ trợ HS vùng dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng xa... nên con em các dân tộc đều có người học ĐH, CĐ và các trường dạy nghề; tỷ lệ huy động HS THPT là người DTTS đạt 19,87%. Nhờ đó, công tác phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ (XMC) của Quảng Bình đã đạt được những kết quả tích cực: cuối năm 2018 có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn XMC mức độ 1 trở lên (trong đó, 157/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn XMC mức độ 2); tỉnh được công nhận đạt chuẩn XMC mức độ 2. Tỉnh đạt chuẩn PCGD mầm non (MN) cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn PCGD tiểu học (TH) mức độ 2 và đạt PCGD THCS mức độ 1.
 
Đặc biệt, cùng với việc nâng cao chất lượng đại trà, từ năm 1989 đến nay, toàn ngành GD-ĐT Quảng Bình đã không ngừng đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi, HS năng khiếu. Chất lượng mũi nhọn của tỉnh có nhiều tiến bộ rõ rệt qua từng năm học, số lượng HS giỏi cấp quốc gia đạt tỷ lệ cao, đã có HS đạt giải khu vực và vươn tầm quốc tế. Tiêu biểu có các em: Trần Đức Long (HS Trường THPT Đào Duy Từ đoạt giải ba quốc tế môn Sinh học); Đặng Ngọc Thanh (HS Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, đoạt huy chương bạc Olympic Toán quốc tế). Đặc biệt, trong hai năm liên tục (2016 và 2017), em Nguyễn Thế Quỳnh, HS Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp đoạt 2 huy chương bạc Olympic Vật lý châu Á và 2 huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế.
Em Nguyễn Thế Quỳnh đoạt 2 HCB Olympic Vật lý châu Á và 2 HCV Olympic Vật lý quốc tế, thành tích cao nhất của HS Quảng Bình trong 30 năm tỉnh nhà trở về địa giới cũ.
Em Nguyễn Thế Quỳnh (người ôm bó hoa) đoạt 2 HCB Olympic Vật lý châu Á và 2 HCV Olympic Vật lý quốc tế, thành tích cao nhất của HS Quảng Bình trong 30 năm tỉnh nhà trở về địa giới cũ.
Bên cạnh đó, giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề đã cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Tỉnh đã nâng cấp Trường CĐ Sư phạm lên thành Trường ĐH Quảng Bình và đầu tư mở rộng theo hướng đa ngành; nâng cấp 2 trường trung cấp lên thành 2 trường CĐ. Mạng lưới các trường dạy nghề, trung tâm giáo dục-dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm, giới thiệu việc làm phát triển rộng khắp, với hàng chục mã ngành đào tạo, hàng chục ngành nghề khác nhau... Toàn ngành đã đào tạo được hàng chục nghìn HS, SV các trình độ từ ĐH, CĐ, trung cấp nghề, tăng gấp hàng chục lần so với năm đầu tái lập tỉnh và đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của xã hội.
 
Đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
 
Cùng với sự phát triển của quy mô mạng lưới trường lớp, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục cơ bản đủ về số lượng, tâm huyết với nghề, có năng lực chuyên môn đáp ứng ngày càng cao yêu cầu, nhiệm vụ mới. Nếu như năm học 1990-1991, toàn tỉnh có 4.846 giáo viên (3.042 giáo viên cấp I, 1.434 giáo viên cấp II; 370 giáo viên cấp III), thì đến nay, toàn ngành đã có 19.365 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo; trình độ trên chuẩn không ngừng được nâng cao, trong đó MN 91,1%, TH 97,1%, THCS 89,8%, THPT 19,5%.
 
Bên cạnh đó, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; chú trọng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2018, tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 76,45%; phòng học bộ môn đạt 82,34%; các phòng chức năng, thư viện, thiết bị, thí nghiệm thực hành đạt 71%; 100% các trường phổ thông có thư viện, 100% các trường học có máy vi tính, 100% các trường THCS, THPT có phòng dạy tin học; 65% trường TH, THCS có phòng dạy ngoại ngữ, có phòng dạy tin học. Hầu hết các trường MN đều được trang cấp thiết bị đồ dùng, đồ chơi đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu giáo dục trẻ... Trường ĐH Quảng Bình và các trường CĐ, trung cấp cũng được đầu tư trang thiết bị hiện đại, từng bước đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
 
Phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết 29
 
Có thể khẳng định, sau 30 năm, ngành GD-ĐT Quảng Bình đã có một "vóc dáng" mới: quy mô, mạng lưới trường lớp phát triển; trang thiết bị từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại; chất lượng HS, SV ngày càng được nâng cao; đội ngũ nhà giáo vững về chuyên môn, tâm huyết với nghề...
 
Giám đốc Sở GD-ĐT Đinh Quý Nhân chia sẻ, phát huy những thành tích đã đạt được, toàn ngành tiếp tục phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH. Ngành GD-ĐT Quảng Bình phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, XHH và hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ nhà giáo, CBQL đủ số lượng, đạt chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
 
Toàn ngành sẽ chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; duy trì, ổn định công tác PCGD, XMC và xây dựng trường chuẩn quốc gia; quan tâm chất lượng giáo dục mũi nhọn, bảo đảm chất lượng giáo dục đại trà; phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh XHH để thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học... Bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người.
 
Đặc biệt, ngành sẽ tập trung thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục; quyết tâm thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo tinh thần giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức-trí-thể-mỹ; phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi HS và xây dựng trường học hạnh phúc.
30 năm phấn đấu thi đua "dạy tốt, học tốt", hàng trăm tập thể, cá nhân đã được các cấp khen thưởng, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý. Trong đó, ngành GD-ĐT Quảng Bình được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba. Trường tiểu học Đồng Phú (TP. Đồng Hới) được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Em Nguyễn Thế Quỳnh, học sinh Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp đoạt 2 huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Toàn ngành có 53 nhà giáo được công nhận là "Nhà giáo ưu tú", 1 nhà giáo được công nhận "Nhà giáo nhân dân".
 

 

Nội Hà
,