.

Bộ Giáo dục - đào tạo sẽ bỏ học bạ, sổ điểm giấy

.
09:15, Thứ Ba, 30/07/2019 (GMT+7)
Học bạ, sổ điểm giấy, những giấy tờ xác nhận thông tin của học sinh sẽ được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) bỏ vì đã 'số hóa' được cơ sở dữ liệu.
Học bạ giấy sẽ không cần thiết vì đã có cơ sở dữ liệu số - Ảnh tư liệu: TTO
Học bạ giấy sẽ không cần thiết vì đã có cơ sở dữ liệu số - Ảnh tư liệu: TTO
Tại buổi làm việc của tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử chiều 29-7, ông Nguyễn Sơn Hải - cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT, cho biết bộ đã xây dựng được cơ sở dữ liệu của ngành.
 
Cụ thể, bộ đã thu thập được 53.000 dữ liệu của các trường từ bậc học mầm non đến PTTH, trung tâm giáo dục thường xuyên, gần 500 trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp...
 
Cùng với đó là dữ liệu của khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên, có đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, kết quả học tập... và 1,5 triệu hồ sơ của các nhà giáo.
 
"Bộ GD-ĐT đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu và đang làm các bước phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ cho các chính sách quản lý ngành trong thời gian tới", ông Sơn cho hay.
 
Việc loại bỏ các giấy tờ như học bạ, sổ điểm giấy hoặc những vấn đề khác sẽ được Bộ GD-ĐT thực hiện trong khi cắt giảm các thủ tục hành chính.
 
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ cắt giảm các thủ tục, trong đó, các thủ tục liên quan đến dữ liệu đã được số hóa sẽ được cắt bỏ.
 
Theo ông Hải, đã có cơ sở dữ liệu số rồi thì các giấy tờ như sổ điểm, học bạ... sẽ không cần thiết. Việc cắt giảm các thủ tục liên quan đến các loại giấy tờ này là đương nhiên.
 
"Chúng ta đã có dữ liệu số rồi, không cần văn bản giấy nữa. Sau này sổ điểm, học bạ… những giấy tờ xác nhận về kết quả học tập, thông tin học sinh... trong nhà trường chúng tôi hoàn toàn có thể thực hiện qua môi trường mạng", ông Hải nói.
 
Về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, ông Hải cho hay bộ đã sử dụng hệ thống quản lý văn bản điện tử E-office và triển khai tới hơn 300 trường đại học, 63 sở GD-ĐT trong cả nước.
 
Các trường đại học này và các sở GD-ĐT khi trao đổi văn bản với bộ hoàn toàn bằng văn bản điện tử. Cơ quan bộ đã cấp hơn 400 chữ ký số tới từng chuyên viên.
 
Từ 1-8, hệ thống văn bản của bộ từ khâu trình đến khâu ban hành đã thực hiện trên hệ thống. Từng chuyên viên sẽ phải ký vào dự thảo, kể cả ký "nháy" vì mẫu chữ ký số cũng đã đăng ký cả chữ ký nháy cho các chuyên viên.
 
Theo VŨ TUẤN (Tuổi trẻ)
,