.

Thầy giáo dạy Toán chia sẻ bí quyết làm bài thi trung học phổ thông

.
08:24, Thứ Ba, 25/06/2019 (GMT+7)
Là một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy bộ môn Toán, trước khi kỳ thi quốc gia năm 2019 sẽ bắt đầu từ ngày mai, 25/6, thầy Lê Anh Tuấn (giáo viên Toán, Hệ thống Giáo dục HOCMAI) đã chia sẻ một số kinh nghiệm, từ việc chuẩn bị vật dụng, kiến thức và mẹo nhỏ khi làm bài thi, giúp các thí sinh đạt điểm cao.
Thầy Lê Anh Tuấn, giáo viên Toán, Hệ thống Giáo dục HOCMAI. (Ảnh: P.V/Vietnam+)
Thầy Lê Anh Tuấn, giáo viên Toán, Hệ thống Giáo dục HOCMAI. (Ảnh: P.V/Vietnam+)
Theo thầy Anh Tuấn, để chuẩn bị tốt cho môn thi Toán, học sinh cần chuẩn bị vật dụng phòng thi liên quan như: Giấy báo dự thi, chứng minh nhân dân, 2 bút mực, 2 bút chì gỗ, gọt và tẩy bút chì, thước kẻ các loại, và máy tính cầm tay.
 
Đặc biệt, học sinh cần để tinh thần cực kỳ thoải mái trước khi vào phòng thi. Sau khi thi xong môn Văn, học sinh nghỉ ngơi khoảng 30 phút, lấy môn Toán ra đọc lại 1 hoặc 2 lượt các khái niệm, công thức cơ bản cần nhớ (chủ yếu của lớp 12).
 
Bắt đầu vào phòng thi, học sinh cần thực hiện chiến lược “khiếm khuyết toàn diện” - tức là không bàn luận với bạn bè cùng phòng về môn Toán sẽ thi cái gì và không suy nghĩ gì về môn thi để tạo tâm lý thoải mãi.
 
Khi cán bộ coi thi bắt đầu phát đề, học sinh hãy nhắm mắt, hít thở sâu, lẩm nhẩm hát 1 bài hát mình yêu thích. Đây là thời điểm quan trọng nhất ảnh hưởng đến tâm lý và kết quả bài thi, nếu tâm lý lúc này ổn định, không run sợ thì đầu óc sẽ không bị “loạn,” ắt sẽ làm bài tốt.
 
Khi đọc vào đề thi, nếu học sinh cảm thấy câu nào cảm thấy có hướng giải liền thì làm ngay, tránh tâm lý mới bước vào giờ thi nhìn vào câu chưa có hướng giải dễ gây mất bình tĩnh về mặt tâm lý, ảnh hưởng đến kết quả làm bài.
 
Cách giải quyết đề thi tốt nhất là làm từ trên xuống dưới, không được nhảy câu. Dễ thì làm luôn, thấy khó thì khoanh lại và làm câu ngay sau đó, không dừng quá 3 phút trước 1 câu hỏi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm... (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm... (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thầy Anh Tuấn cũng nhận định, trong đề thi, chỉ có khoảng 3 câu thực sự rất khó và khiến thí sinh nản lòng khi làm bài, còn lại 7 câu vẫn là các câu hỏi khó nhưng vẫn là trong khả năng làm được của các em học sinh có lực học tiệm cận giỏi.
 
Vì vậy nếu gặp câu khó quá thì học sinh hãy dừng câu đó lại và nhảy sang làm câu tiếp theo. Trong 10 câu cuối, học sinh cần nắm thật vững kiến thức thì chắc chắn vẫn sẽ giải tốt được khá nhiều câu hỏi phần này.
 
Thông thường, nội dung các câu hỏi khó thường giàn đều ở 7 chương của sách giáo khoa Toán 12 (4 chương giải tích, 3 chương hình), mỗi chương thường có 1 câu, có chương có 2 câu, ngoài ra còn có thể gặp câu khó ở phần xác suất, dãy số, hình học không gian lớp 11 hoặc các bài toán liên quan thực tế.
 
Chính vì đề thi quét các câu hỏi khó hầu như hết các chương nên học sinh bắt buộc phải nắm vững hết kiến thức và cách tư duy những bài toán nâng cao thì mới giải quyết được tốt phần này.
 
“Các em hãy làm thật cẩn thận 40 câu đầu, làm đâu chắc đó trước khi nghĩ đến các câu phía sau. Ăn chắc 8 điểm trước khi nghĩ điểm cao hơn, đừng để những sai lầm ở các câu dễ khiến giấc mơ của các em lỡ dở,” thầy Anh Tuấn khuyến nghị.
 
Theo P.V (Vietnam+)
,