.

Lệ Thủy: Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

.
07:24, Thứ Bảy, 15/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục-đào tạo Lệ Thủy được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chăm lo một cách toàn diện, đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện… Nhờ đó, chất lượng giáo dục của huyện Lệ Thủy từng bước được khẳng định và luôn nằm ở tốp đầu của ngành GD-ĐT tỉnh nhà.
 
Ở Lệ Thủy, hệ thống giáo dục các cấp học từ mầm non đến THPT được mở rộng, mạng lưới các trường học mầm non, tiểu học (TH), THCS phát triển rộng khắp đến các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số… với nhiều loại hình trường lớp phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh (HS) ở các lứa tuổi.
 
Hệ thống trường lớp từng bước được đầu tư mở rộng theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa về cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ dạy học…
 
Bà Ninh Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy trao đổi, chúng tôi xác định để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trước hết cần tập trung bảo đảm chất lượng giáo dục.
 
Đây là nhiệm vụ trung tâm, số 1 của các nhà trường từ MN đến THPT. Xét về mặt hồ sơ, có thể yên tâm nói rằng, chất lượng giáo dục đang ở mức cao, tuy nhiên, trên thực tế, ở một số trường, một số vùng, chất lượng thực chất chưa tương xứng với chất lượng trong hồ sơ.
 
Vì vậy, chất lượng giáo dục mà Lệ Thủy đang hướng tới là chất lượng thực chất. Để làm được điều đó, huyện xác định, phải có cả một quá trình lâu dài, liên tục và bảo đảm tính kế thừa, đòi hỏi quyết tâm cao cũng như sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. 
 
Vì vậy, huyện Lệ Thủy đã kiên trì thực hiện các giải pháp bảo đảm chất lượng thực chất trong một thời gian khá dài; trong đó, tập trung xây dựng về đội ngũ, cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị dạy học và môi trường giáo dục.
Đại diện lãnh đạo huyện Lệ Thủy trao thưởng cho học sinh xuất sắc năm học 2018-2019.
Đại diện lãnh đạo huyện Lệ Thủy trao thưởng cho học sinh xuất sắc năm học 2018-2019.
Ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy cho biết: "Hiện tại, các trường học trên địa bàn huyện có 100% giáo viên (GV) đạt chuẩn, trong đó phần lớn là trên chuẩn; đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), GV, nhân viên luôn nhận thức sâu sắc rằng: làm chất lượng thực chất vừa là trách nhiệm của mình vừa là làm cho chính mình, là sự khẳng định năng lực và nhân cách, đạo đức nghề nghiệp của mỗi nhà giáo.
 
Bên cạnh đó, CSVC, thiết bị dạy học trong những năm qua đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, về cơ bản đã đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ dạy và học. Đồng thời, để bảo đảm chất lượng giáo dục, chúng tôi đã đưa ra những định hướng phát triển theo xu hướng hiện đại, xây dựng môi trường giáo dục bảo đảm thực sự khách quan và công bằng."
 
Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo Phòng GD-ĐTxây dựng cơ chế giám sát, gắn chất lượng thực chất với đánh giá, xếp loại nhà trường, xếp loại quản lý; tổ chức nghiêm túc việc chuyển giao chất lượng giữa các lớp, giữa các cấp; “nghiệm thu chất lượng” đối với các trường vùng sâu, vùng xa, các trường có HS dân tộc thiểu số và mạnh dạn tổ chức đánh giá ngoài.
 
Trong việc tổ chức đánh giá ngoài, tiến hành đánh giá môn tiếng Anh đối với bậc TH và đánh giá ngoài học sinh lớp 9. Giải pháp này đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, làm tiền đề cho việc giữ vững chất lượng học sinh THPT.
 
Đồng thời, để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 29, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp trọng tâm, như: tăng cường đào tạo bổ sung theo hình thức đồng bộ hóa để hạn chế việc dạy chéo môn nên đã giải quyết được tình trạng GV dạy chéo môn ở các đơn vị trường học; tích cực làm tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ, chỉ đạo cải thiện điều kiện dạy học một cách có chủ đích; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phong trào dạy tốt, học tốt trong các đơn vị trường học; phát huy tốt vai trò nòng cốt của hội đồng chuyên môn các cấp học, môn học.
Trường tiểu học Mai Thủy đã được đầu tư xây dựng bể bơi để dạy bơi, phòng, chống đuối nước cho học sinh trong trường và vùng phụ cận.
Trường tiểu học Mai Thủy đã được đầu tư xây dựng bể bơi để dạy bơi, phòng, chống đuối nước cho học sinh trong trường và vùng phụ cận.

Huyện tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm phòng học mượn, phòng học tạm; tổ chức tốt việc xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp-thân thiện-hiệu quả qua từng năm học ở tất cả các đơn vị trường học.

Đến nay 100% số trường học đã kết nối internet và có website riêng, hoạt động hiệu quả; 100% trường có phòng học được trang bị màn hình tivi 51 inch.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã kịp thời bố trí kinh phí để ưu tiên cho việc củng cố, trang bị mới phòng học ngoại ngữ. Cùng với nguồn kinh phí của địa phương, các đơn vị đã tích cực, chủ động huy động tổng hợp các nguồn lực khác để xây dựng bể tập bơi nhằm góp phần nâng cao thể lực và phòng tránh đuối nước cho HS.

Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ GV tiếng Anh qua các hình thức bồi dưỡng, như: gửi GV vào Trường quốc tế Wallstreet học; phối hợp với Trung tâm khảo thí quốc tế EUC-Huế mở lớp bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế; mở lớp nâng cao kỹ năng nghe nói và mời GV bản ngữ giảng dạy.
 
Thời gian qua, đã tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng năng lực tiếng Anh cho gần 500 cán bộ, giáo viên cốt cán và huyện cũng đang tiếp tục chỉ đạo công tác bồi dưỡng tiếng Anh trong thời gian tới.
 
Cùng với đầu tư CSVC, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, chất lượng đại trà HS, Lệ Thủy cũng đã chú trọng khuyến khích hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG), HS năng khiếu; tổ chức chu đáo, khoa học các hội thi, hội khỏe, các giải thể thao… tạo được sự hứng khởi, say mê học tập, rèn luyện trong GV và HS, góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các trường học.
 
Theo đó, phong trào bồi dưỡng HSG ở Lệ Thủy đã lan tỏa mạnh mẽ đến các đơn vị vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Vì vậy, số lượng HS được tham gia bồi dưỡng ở các cấp học tăng mạnh, đặc biệt là HS cấp THCS (số HS THCS thi HSG cấp huyện chiếm khoảng gần 20% tổng số HS). HSG các môn văn hóa của huyện đã có sự tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số lượng qua từng năm học ở các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia.
 
Riêng trong năm học 2018-2019, tham gia các cuộc thi, HS Lệ Thủy luôn đứng tốp đầu của tỉnh từ cấp TH đến THPT. Cụ thể, ở giải cấp cấp tỉnh, đạt 251 giải (trong đó có 23 giải nhất, 35 giải nhì, 92 giải ba, 101 giải khuyến khích).
 
Trong đó, cấp TH xếp thứ nhất toàn tỉnh cuộc thi Tài năng tiếng Anh (OTE). Cấp THCS, thi HSG tỉnh 9 môn văn hóa lớp 9 có 51/54 em đạt giải, chiếm tỉ lệ 94,4% xếp thứ nhất toàn tỉnh về số lượng HS đạt giải và đây cũng là năm học Lệ Thủy có tỷ lệ HS đạt giải cao nhất. Đội tuyển Tin học trẻ Lệ Thủy tiếp tục giữ vị trí nhất toàn đoàn trong nhiều năm liên tục.
 
Cấp quốc gia đạt 2 giải khuyến khích (1 giải môn tin học của HS Trường THCS Liên Thủy; 1 giải môn địa lý HS Trường THPT Lệ Thủy).
 
Đặc biệt, có em Lê Văn Thái Sơn HS lớp 5 Trường TH Đại Phong, đạt giải nhất cuộc thi Tài năng tiếng Anh cấp tỉnh và giành giải Trạng nguyên tiếng Anh xuất sắc nhất toàn quốc với suất học bổng học tại Trường TH School trị giá 1,5 tỷ đồng.  
 
“Từ thực tiễn áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện và qua kết quả đạt được trong các năm học vừa qua, để tiếp tục ổn định và phát triển bền vững, GD-ĐT Lệ Thủy rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư trang bị phòng học ngoại ngữ và các trang thiết bị dạy học hiện đại; có cơ chế để hỗ trợ, thu hút nhiều GV nước ngoài dạy tiếng Anh về giảng dạy tại các đơn vị công lập trong tỉnh. Và đặc biệt tỉnh cần có giải pháp đồng bộ hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố kiểm soát chặt chẽ chất lượng của từng cấp học trong đó lấy việc bảo đảm chất lượng thực chất làm một trong những thước đo quan trọng để đánh giá phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.” - bà Ninh Thị Hòa chia sẻ.
 
Nội Hà
,