.

Những nhà giáo tận tâm "trồng người"

.
08:45, Thứ Năm, 07/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Bình hiện có trên 19.300 cán bộ, giáo viên, trong đó, có hơn 15.800 nữ nhà giáo, chiếm tỷ lệ trên 81%. Trong sự phát triển chung của ngành GD-ĐT tỉnh nhà có sự góp công rất lớn của đội ngũ nữ nhà giáo. Họ luôn gương mẫu đi đầu trong hoạt động chuyên môn, các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của ngành, góp phần quan trọng thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bài viết này là những tâm sự của một số nữ nhà giáo nhiệt tâm với nghề mà phóng viên ghi lại nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.

‘‘Dạy văn cũng là dạy người...”

Đó là tâm sự của cô giáo Võ Thị Cẩm Lệ, Phó hiệu trưởng Trường THCS Đồng Mỹ (TP. Đồng Hới). Là một nhà giáo, cô luôn khắc ghi lời Bác Hồ căn dặn: “Nghề dạy học trước hết phải đem cả con người và cuộc đời của mình ra mà dạy sau đó mới dùng lời để dạy”. Nhân cách chính là phương tiện giáo dục quan trọng nhất của người thầy; thầy cô giáo dù giỏi đến mấy nhưng có vấn đề về đạo đức, xã hội không bao giờ thừa nhận.

Các nữ nhà giáo không chỉ tận tâm trong dạy học...
Các nữ nhà giáo không chỉ tận tâm trong dạy học...

Với suy nghĩ đó, cô đã luôn cố gắng gìn giữ, trau dồi bản thân, lựa chọn cho mình phương châm “sống chậm lại...”, để không quá rời xa những giá trị truyền thống, để có thể cảm nhận, chia sẻ với mọi người, lắng nghe và thấu hiểu các em học sinh (HS); để giữ cho lòng mình an yên, không quá so đo thiệt hơn, những mặt trái của cuộc đời ngoài kia khó có cơ hội len vào trong bài giảng, để bản thân tự tin hơn khi nói với học trò về những điều tốt đẹp.

Trong dạy học nói chung và dạy Văn nói riêng, việc truyền cảm hứng cho người học là hết sức quan trọng. Trong xu thế chung của xã hội hiện nay, để các em yêu thích học Văn không phải chuyện dễ dàng. Nếu người thầy không thực sự say mê, không thấm thía được cái hay, cái đẹp của văn chương, không có khả năng dẫn dắt thì không thể làm cho HS rung động được.

"Bởi vậy, dù đã đứng trên bục giảng hơn ba mươi năm, nhưng chưa khi nào tôi ngừng đặt câu hỏi: Làm thế nào để HS chờ đón giờ dạy của mình? Vì vậy, dù bận rộn đến mấy, tôi cũng luôn thu xếp thời gian để nghiên cứu bài trước mỗi giờ lên lớp: hình dung các tình huống, suy nghĩ các vấn đề, chắt chiu từng chút kiến thức, trau chuốt cho từng lời giảng; kiên trì rèn từng kỹ năng, hướng dẫn các em con đường tự học; hỗ trợ những tài liệu quý hiếm, gợi ý những chương trình nên xem, những quyển sách nên đọc; rồi cách ghi chép, tích lũy...; dành thời gian thích đáng để chấm chữa bài, cân nhắc từng lời nhận xét; giáo án năm sau soạn phải mới hơn năm trước để không nhàm chán và nhẹ nhàng, hiệu quả hơn. Do đặc trưng riêng của bộ môn, tôi luôn có sự cân nhắc khi sử dụng các phương tiện và phương pháp dạy học hiện đại… Với tôi, phương pháp tốt nhất đó là sự linh hoạt của người thầy.

Với học trò, tôi không quá áp lực về thành tích. Điều mà tôi mong mỏi, đó là các em vào đời, trở thành những con người “đọc thông, viết thạo” theo đúng nghĩa, biết hướng thiện và phân biệt phải trái đúng sai; rồi đến lượt mình, các em lại tiếp tục dắt dẫn cho thế hệ sau đi đúng hướng.", cô giáo Võ Thị Cẩm Lệ chia sẻ.

‘‘Đổi mới trong dạy học cần tư duy đột phá và sáng tạo của người thầy”

Cô giáo Trịnh Thị Hằng, Tổ trưởng chuyên môn, Trường THPT Tuyên Hóa cho hay: Người thầy có tư duy đột phá và sáng tạo là luôn làm mới và biết cách làm mới kiến thức cho mình, nhằm đem đến cho HS những giờ học lý thú, bổ ích và hiệu quả.

Trong những năm qua, bản thân cô luôn trau dồi, cập nhật kiến thức, trong các giờ dạy học tiếng Anh; đồng thời đổi mới trong dạy và học bằng tư duy đột phá, đưa nhiều ý tưởng sáng tạo vào tiết dạy, nhằm gây hứng thú cho HS, tạo cơ hội cho HS phát triển năng lực cá nhân và năng lực hoạt động nhóm, cặp một cách tốt nhất.

Với suy nghĩ, nhà trường và lớp học chính là xã hội thu nhỏ; vì thế, trong các tiết dạy, cô đã tự thiết kế thêm các hoạt động giúp HS hóa thân thành những vai diễn như nhà kinh doanh, kỹ sư, bác sỹ, ca sỹ, người nổi tiếng; hay giúp HS thực hành giải quyết các vấn đề nóng, nổi cộm trong xã hội... và những hoạt động đó đã được HS hưởng ứng một cách tích cực, hiệu quả.

Hơn thế nữa, cô đã áp dụng nhiều phương pháp mới như: hợp tác nhóm, kỹ thuật “mảnh ghép”, nhìn tranh đoán chữ, kỹ thuật động não, sơ đồ tư duy… đã đưa học sinh đến với sự chủ động, sáng tạo, logic, khoa học, để hình thành những kỹ năng cơ bản tạo lối sống tích cực, sự tự tin, đem lại hiệu quả cao cho HS trong học tập, giúp các em sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với bạn bè trong lớp học và trải nghiệm thực tế.

Ngoài tư duy đột phá và sáng tạo của người thầy thì sự sáng tạo của trò rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định tạo nên sự thành công trong đổi mới dạy học theo hướng phát huy năng lực toàn diện của HS. Với những ý tưởng đổi mới và cách dẫn dắt khéo léo của người thầy trong dạy học, HS ngày càng phát huy tối đa tính sáng tạo của mình và luôn luôn chủ động giải quyết các vấn đề đã được đặt ra trong bài học.

Từ đó, HS say mê hơn trong học tập và tích cực hơn trong tương tác với giáo viên. Trong các tiết dạy học tiếng Anh của cô, HS thực hiện các hoạt động rất sáng tạo, đóng các vai diễn một cách hồn nhiên, chơi các trò chơi thú vị.

Cô Trịnh Thị Hằng cho biết: "Đặc biệt, trong những năm qua, tôi đã cùng tổ ngoại ngữ và các em HS thực hiện các buổi sinh hoạt CLB tiếng Anh và sinh hoạt ngoại khóa sinh động, sáng tạo. Nhờ vậy, tuy là một ngôi trường miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng HS Trường THPT Tuyên Hóa đã tự tin tham gia các cuộc thi tài năng tiếng Anh, đạt 3 giải nhì, 1 giải ba và đạt giải cao trong các kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh."

Có thể nói, đổi mới, sáng tạo trong dạy và học là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Vì vậy, cô luôn mong muốn mỗi một giáo viên hãy mạnh dạn thực hiện đổi mới trong dạy và học để tạo ra những thế hệ tương lại năng động, sáng tạo cho quê hương, đất nước.

“Vượt khó đưa cái chữ đến với bản làng xa xôi...”

Cô giáo Đinh Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoá Thanh trao đổi: Trong những năm gần đây giáo dục Minh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, mạng lưới trường lớp ổn định và phát triển hợp lý; giáo dục dân tộc ngày càng được chú trọng đúng mức; chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên đáp ứng mục tiêu bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai. Để có những bước phát triển vượt bậc đó, đội ngũ nữ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục Minh Hóa đóng một vai trò quan trọng.

Với riêng bản thân cô, là một nữ cán bộ quản lý có hơn 23 năm gắn bó với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Minh Hóa, cô luôn cùng với đồng nghiệp cố gắng động viên nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ.

Trong các năm từ 2007-2016, cô được phân công nhận nhiệm vụ tại Trường mầm non Hóa Sơn thuộc xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn. Trường có 3 điểm trường, phần lớn là con em tộc người Sách. Tận mắt chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của các cháu, sau nhiều đêm trăn trở, cô đã nung nấu quyết tâm làm điều gì đó để các cháu có chỗ học tập tốt hơn.

... mà còn sôi nổi, nhiệt tình trong các phong trào thể thao của ngành.
... mà còn sôi nổi, nhiệt tình trong các phong trào thể thao của ngành.

Cùng với sự nỗ lực, sáng tạo của tập thể sư phạm trong cách nghĩ, trong tham mưu và trong cách làm…, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, cả 3 điểm trường đã được cải tạo, xây dựng có khuôn viên rộng rãi, trường lớp xanh, sạch, đẹp; chất lượng giáo dục trẻ ngày một nâng lên; đặc biệt, trường đã tổ chức được bán trú cho trẻ.

Năm học 2014-2015 và 2015-2016, nhà trường đạt Tập thể lao động tiên tiến; đạt giải nhì cấp tỉnh cuộc thi “Xây dựng môi trường xanh sạch đẹp”..., tạo được niềm tin trong cấp ủy đảng, chính quyền, phụ huynh và nhân dân trên địa bàn.

Năm học 2016-2017, cô Đinh Thị Ngọc Lan lại tiếp tục theo sự phân công nhận công tác tại Trường mầm non Hóa Thanh. Trường thuộc xã vùng sâu vùng xa, tuy đã được quan tâm đầu tư, song vẫn chưa đáp ứng được cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ một cách toàn diện. Không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, hàng năm, cô chọn một nội dung để quyết tâm thực hiện, đặc biệt trong xây dựng cảnh quan, trường lớp, chất lượng giáo dục.

Năm học 2017-2018, hưởng ứng cuộc thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, bằng sự năng động, sáng tạo của cô và tập thể giáo viên, trường đã huy động sự giúp sức của phụ huynh đến khe suối nhặt đá cuội đem về để thay đổi cảnh quan, tạo điểm nhấn của ngôi trường.

Từ những viên đá cuội được cấu tạo với các hình thù tự nhiên, qua những bàn tay khéo léo của các cô giáo đã tô vẽ lên những hình ảnh phong phú, sống động, giúp các cháu hứng thú hơn trong mọi hoạt động. Kết quả, trường đã đạt giải nhì cấp huyện và giải khuyến khích cấp tỉnh. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, trường đã đạt Tập thể lao động xuất sắc, được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Nội Hà
 

,