.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15-7-1949 - 15-7-2019):

Quảng Ninh-Nơi mở màn cao trào "Quảng Bình quật khởi"

.
08:38, Thứ Hai, 15/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Ngày 19-5-1949, tại Kim Bảng (Tuyên Hóa), Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ II khai mạc. Tháng 6-1949, Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Ninh lần thứ III tại Đá Một, chiến khu Bến Tiêm (xã Trường Sơn, Quảng Ninh) đã quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II, tập trung bàn kế hoạch đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ trên địa bàn huyện. Quyết tâm “hạ sơn”, cán bộ, đảng viên, du kích ở chiến khu đều về đồng bằng bám nắm cơ sở, phát triển lực lượng kháng chiến tại chỗ, sẵn sàng chờ lệnh.
 
Được tỉnh tăng cường cán bộ lãnh đạo vào chỉ đạo hai huyện phía nam và các đơn vị bộ đội chủ lực, từ huyện đến các xã, các tổ du kích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến. Nhiều quần chúng tích cực đã tham gia hoạt động hăng hái và đã được kết nạp vào Đảng.
 
Để thúc đẩy phong trào kháng chiến ở đồng bằng, Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định thực hiện “Tuần lễ tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công”, lấy ngày 15-7-1949 làm ngày “Quảng Bình quật khởi”, hướng hoạt động chủ yếu là Quảng Ninh và Lệ Thủy.
 
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được tỉnh cử vào cùng Bí thư hai huyện trực tiếp chỉ đạo phong trào. Nhiệm vụ trước mắt là tích cực bao vây đồn địch, phá tề, trừ gian, lên án bè lũ tay sai bù nhìn Vĩnh Thụy; kêu gọi nhân dân vùng dậy đấu tranh quyết liệt với địch, hưởng ứng tổng bãi thị bao vây kinh tế địch; đẩy mạnh chiến tranh du kích, kết hợp những trận đánh kiểu mẫu của bộ đội chính quy tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch.
 
Cuối tháng 6-1949, tiểu đoàn 274 của Trung đoàn 18 về hoạt động trên địa bàn huyện Quảng Ninh. Công tác chuẩn bị tiến tới ngày “Quảng Bình quật khởi” hết sức khẩn trương. Theo kế hoạch, bộ đội chủ lực có lực lượng du kích tại địa bàn dẫn đường, có nội ứng, tấn công sở chỉ huy hành quân của quân Pháp đóng ở đồn Mỹ Trung (Gia Ninh), giáng đòn bất ngờ vào đầu não kẻ thù, làm cho binh lính địch hoảng loạn, gây tiếng vang để phát lệnh “Quảng Bình quật khởi”. Ở hầu hết các làng trên địa bàn vùng giữa và vùng nam của huyện Quảng Ninh, du kích các làng đã chuẩn bị sẵn sàng với khí thế quật khởi.
 
Nửa đêm ngày 15-7-1949, Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 274 cùng du kích Gia Ninh tấn công đồn Mỹ Trung. Do nội ứng bị lộ, bộ đội nhanh chóng đột nhập giết chết một tên lính Pháp, cướp súng và một số quân dụng, rút về Quảng Xá. Nhận tin báo từ Mỹ Trung, ngay trong đêm, lãnh đạo huyện Quảng Ninh quyết định lấy khu B Võ-Duy-Hàm làm trung tâm phong trào, chọn Hiển Lộc nổi trống phát lệnh.
 
Tại nhà anh Nguyễn Mậu Chất, tiếng trống mở màn “Quảng Bình quật khởi” loan truyền khắp trong vùng. Các làng nối tiếp nổi trống mõ, thanh la, não bạt, tù và. Lửa đốt điếm canh ở các làng trong vùng rừng rực cháy. Địch ở các đồn khiếp sợ co cụm cố thủ. Mờ sáng ngày 16-7-1949, cờ đỏ sao vàng tung bay trên ngọn cây cao ở miếu Ông Mỵ (Hiển Lộc), báo hiệu chính quyền cách mạng đang làm chủ ngay giữa Trung Châu. 
Di tích cây đa-Tiếng bom Lộc Long, một trong những biểu tượng mở màm cho cao trào Quảng Bình quật khởi trên đất Quảng Ninh  Ảnh: A.T
Di tích cây đa-Tiếng bom Lộc Long, một trong những biểu tượng mở màm cho cao trào Quảng Bình quật khởi trên đất Quảng Ninh Ảnh: A.T
Từ đồn Mỹ Trung, địch tổ chức một lực lượng đông với trang bị hiện đại có pháo binh yểm trợ tiến đánh làng Quảng Xá, nơi bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích tập kết sau đêm bao vây đồn Mỹ Trung. Trận Quảng Xá ngày 16-7-1949 là trận hợp đồng tác chiến giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, chặn đứng lực lượng phản kích của địch, cổ vũ phong trào “Quảng Bình quật khởi” ở tả ngạn Kiến Giang.
 
Đêm 15-7-1949, du kích vây đồn Xuân Dục, dùng rơm đốt hàng rào, phóng bom uy hiếp lính đồn. Đêm 16-7, du kích đốt điếm canh ở Phúc Long.
 
Ngày 17-7, đồn Xuân Dục cho quân vòng lên Phúc Long, vòng về Lộc Long, đột kích làng có phong trào du kích mạnh tổ chức rào làng chiến đấu. Thực hiện chỉ đạo của huyện: “Du kích xã phải tổ chức một trận đánh thắng giòn giã để tạo đà cho phong trào chiến tranh du kích”, du kích Trường Ninh, chủ yếu là du kích Lộc Long đã gài bom phục kích sẵn sàng đánh địch. Lính đồn Xuân Dục do tên đồn trưởng trực tiếp chỉ huy tiến vào phá cổng làng.
 
Đồng chí Nguyễn Quang Khiếu dũng cảm chờ địch tụ tập phá hàng rào, giật nổ quả bom gần gốc đa trước cổng. Bom nổ, nhiều tên địch bị thương. Du kích đồng loạt ném lựu đạn. Chúng hoảng sợ kéo nhau chạy. Tên đồn trưởng sau đó bị chết.
 
Tiếng trống Hiển Lộc, trận chống địch phản kích ở Quảng Xá, tiếng bom Lộc Long trở thành biểu tượng hào hùng mở màn cao trào “Quảng Bình quật khởi” trên đất Quảng Ninh. Khí thế quật khởi đã áp đảo quân Pháp và tay sai. Hệ thống đồn bốt đồng bằng phía tây hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy lần lượt bị đánh sập đã mở ra vùng tự do rộng lớn.
 
Các cơ quan lãnh đạo đã rời chiến khu về đồng bằng chỉ đạo kháng chiến, tạo nên bước chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ, nhảy vọt trong công cuộc kháng chiến kiến quốc. Thế trận của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ trên địa bàn Quảng Bình từ phòng ngự đến cầm cự và chuyển mạnh sang tổng phản công.
 
Âm vang “Quảng Bình quật khởi” đã khơi dậy “tinh thần ngày 15-7-1949 bất diệt”, góp phần cùng cả nước “Giáng một trận dập đầu quỷ dữ/Sáng nghìn năm lịch sử Điện Biên”, đem lại thắng lợi tại Hội nghị Giơnevơ, miền Bắc Việt Nam đã giành được hòa bình.
 
Chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, tháng 9-1960, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã phát động thi đua “Quảng Bình quật khởi” với khẩu hiệu “Tinh thần ngày 15-7-1949 bất diệt ” để động viên quân dân toàn tỉnh thi đua lập thành tích trong công cuộc xây dựng quê hương trên con đường đi lên CNXH.
 
Tháng 7-1989, tỉnh Quảng Bình tái lập. Ngày 15-7-1989, 40 năm ngày "Quảng Bình quật khởi", đã trở thành ngày hội của nhân dân Quảng Bình đón chào sự kiện tỉnh nhà tái lập. 70 năm phát động cao trào “Quảng Bình quật khởi” đã để lại bài học về phát động phong trào cách mạng, khơi dậy sức mạnh, sự sáng tạo của toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân của tỉnh nhà trong công cuộc xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp văn minh.
 
Trần Văn Chường
,