.
Kỉ niệm 70 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949 - 15/7/2019):

Đình Kim Bảng và hang lèn Cây Quýt với "Quảng Bình quật khởi"

.
08:56, Chủ Nhật, 14/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Di tích lịch sử cách mạng đình Kim Bảng và hang lèn Cây Quýt thuộc thôn Kim Bảng, xã Minh Hóa (huyện Minh Hóa). Di tích gắn liền với những sự kiện lịch sử sôi động, hào hùng của tỉnh Quảng Bình và của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
 
Nơi đây đã diễn ra sự kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ 2 vào ngày 19-5-1949. Từ Nghị quyết Đại hội đã dấy lên phong trào "Quảng Bình quật khởi”, mở ra một bước ngoặt lịch sử cực kì quan trọng đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Quảng Bình.
 
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Minh Hóa có vị trí chiến lược quan trọng, là căn cứ địa cách mạng của tỉnh Quảng Bình, là nơi đứng chân của phong trào “Quảng Bình quật khởi”.
 
Xã Minh Hóa và thôn Kim Bảng là vùng tự do, là chiến khu cách mạng của tỉnh trong những năm đầu kháng chiến. Vị trí địa lý ở đây thuận lợi về quân sự và giao liên, nằm giữa thung lũng xung quanh được bao bọc nhiều đồi núi hiểm trở. Nhân dân ở đây giàu truyền thống cách mạng, một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ…
 
Đó là những yếu tố, điều kiện hết sức quan trọng bảo đảm cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 2 diễn ra tại đình Kim Bảng và hang lèn Cây Quýt.
 
Năm 1948, ở Quảng Bình cũng như nhiều địa phương trong cả nước, giặc Pháp thực hiện nhiều âm, mưu thủ đoạn mới. Chúng ra sức càn quét, khủng bố hòng dập tắt phong trào kháng chiến của nhân dân ta.
 
Chúng ráo riết thực hiện chính sách “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “Dùng người Việt đánh người Việt”; ra sức vơ vét, cướp của, bắt quân dịch phục vụ cho chiến tranh xâm lược, nhất là đối với hai huyện phía nam là Quảng Ninh và Lệ Thủy.
 
Đầu năm 1949, hoạt động quân sự phá tề, trừ gian đã hỗ trợ mạnh mẽ cho phong trào nổi dậy đấu tranh của quần chúng ở vùng sau lưng địch. Các tổ chức cơ sở đảng, tổ chức quần chúng được mở rộng. Nhân dân hướng về kháng chiến. Tại vùng sau lưng địch, chiến tranh du kích phát triển mạnh.
 
Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, tạo nên sức mạnh liên kết đẩy phong trào chiến tranh du kích lên một bước mới, ngày 20 -2 -1949, Bộ Tư lệnh Liên khu quyết định thống nhất lại chiến trường Quảng Bình.
Đình Kim Bảng và hang lèn Cây Quýt với “Quảng Bình quật khởi”
Đình Kim Bảng và hang lèn Cây Quýt với “Quảng Bình quật khởi”.
Ngày 19-4-1949, Bộ Tư lệnh Liên khu 4 ra quyết định thành lập Trung đoàn 18, được tổ chức trọng thể tại Còi, xã Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa).
 
Cuộc kháng chiến của nhân dân Quảng Bình cũng như nhân dân cả nước trưởng thành nhanh chóng, phong trào chiến tranh du kích phát triển rộng khắp. Khu vực miền Trung, bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, sau khi chiếm trọn vùng đồng bằng ven biển, địch đã đẩy được toàn bộ cán bộ ta lên miền núi trung du.
 
Bình-Trị-Thiên trở thành chiến trường giằng co quyết liệt giữa ta và địch. Địch tiến hành đánh phá một cách toàn diện trên tất cả các mặt quân sự, chính trị, kinh tế.
 
Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng từ ngày 25 đến ngày 28-1-1949, quán triệt tinh thần “phải bám lấy dân để kháng chiến”. Đảng bộ huyện Bố Trạch, Quảng Trạch được sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh đã kịp thời bám cơ sở, dần dần đưa phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh.
 
Hai huyện phía nam tỉnh là Quảng Ninh, Lệ Thủy vẫn còn gặp nhiều khó khăn và đang là hậu phương của địch. Trong bối cảnh đó, ngày 19-5-1949, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ 2 được triệu tập tại đình Kim Bảng.
 
Đại hội có 60 đại biểu thay mặt hơn 4.698 đảng viên trong toàn tỉnh. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ mới gồm 20 đồng chí, do đồng chí Võ Thúc Đồng làm Bí thư.
 
Đại hội kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Quảng Bình do Đại hội lần thứ 1, tháng 8-1948 đề ra.
 
Đại hội chỉ rõ nguyên nhân địch vẫn khống chế hai huyện phía nam, chưa nhận rõ vị trí quan trọng của Quảng Ninh và Lệ Thủy; phê phán tư tưởng cầu an, ngại khó, ngại khổ của một số cán bộ, đảng viên và chủ trương tăng cường những đồng chí có kinh nghiệm từ cơ sở lên tỉnh kịp thời bổ sung cho chiến trường hai huyện phía nam của tỉnh. Đại hội nêu khẩu hiệu hành động: “Miền Nam mạnh là Quảng Bình mạnh”, “Rời chiến khu thực hiện hạ sơn, bám dân, bám làng hoạt động”. Đặc biệt, Đại hội quyết định phát động cao trào kháng chiến mang tên “Quảng Bình quật khởi”.
 
Đại hội Đảng bộ Quảng Bình lần thứ 2 tại đình Kim Bảng là sự kiện lịch sử tiêu biểu vô cùng quan trọng trong diễn trình lịch sử của tỉnh nhà. Nghị quyết của Đại hội đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng ở Quảng Bình, đưa phong trào kháng chiến tiến lên đúng hướng.
 
Từ đây, Quảng Bình bước sang một trang sử mới, giành đất, giành dân, làm chủ quê hương, dồn thực dân Pháp và tay sai vào thế bị động phòng ngự. Nhân dân Kim Bảng, nhân dân Minh Hóa đã không tiếc máu xương phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng.
 
Với khẩu hiệu 3 không (không nghe, không thấy, không biết), dân làng Kim Bảng đã bảo vệ an toàn Đại hội Đảng bộ Quảng Bình lần thứ 2.
 
Di tích lịch sử cách mạng đình làng Kim Bảng và hang lèn Cây Quýt được xếp hạng cấp tỉnh theo Quyết định số 1088/QĐ-UBTTDL ngày 9-7-1999 của UBND tỉnh Quảng Bình. Đình Kim Bảng, hang lèn Cây Quýt với “Quảng Bình quật khởi", ngày 15-7, đã trở thành ngày truyền thống lịch sử của Quảng Bình, trở thành phong trào thi đua vượt qua thử thách trong suốt chặng đường kháng chiến của nhân dân ta.
 
Trải qua chiến tranh, thời gian và khí hậu khắc nghiệt, đình Kim Bảng bị hủy hoại chỉ còn nền đất. Năm 2004, đình được phục hồi và tu bổ, tôn tạo, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ.
 
Đã 70 năm trôi qua, nhưng tinh thần "Quảng Bình quật khởi” từ đình Kim Bảng, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 2 đã trở thành truyền thống, động lực, hành trang để Quảng Bình vượt qua khó khăn, vươn lên giành nhiều thắng lợi trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương và hội nhập quốc tế.
 
Tạ Đình Hà
,