.

Cuộc hồi sinh của người Mã Liềng

.
08:57, Chủ Nhật, 07/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Sống du canh, du cư dọc theo dãy Giăng Màn của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, người Mã Liềng chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm để sinh tồn. Đói rét, bệnh tật và những cuộc hôn nhân cận huyết, có thời điểm, tộc người Mã Liềng đã đứng bên bờ vực tuyệt chủng... Nhưng từ khi được vận động sống định canh định cư, người Mã Liềng đã bắt đầu hồi sinh...
 
Từ hang đá về bản
 
Hiện nay, tộc người Mã Liềng có hơn 100 hộ với gần 600 nhân khẩu sống tập trung chủ yếu tại các bản Kè, Cáo, Chuối và bản Cà Xen thuộc hai xã Lâm Hóa, Thanh Hóa của huyện Tuyên Hóa. Những năm 90 của thế kỷ XX, người Mã Liềng sống trong các hang đá hay những nhà sàn lợp lá cọ cheo leo trên dãy núi Giăng Màn.
Người Mã Liềng đã biết chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thu nhập.
Người Mã Liềng đã biết chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thu nhập.
"Sống trên các sườn núi được chừng 2, 3 mùa rẫy, đất đai nghèo kiệt là mọi người lại kéo nhau bỏ đi chỗ khác tiếp tục khai hoang. Cuộc sống chỉ dựa vào mấy vạt ngô, sắn và săn bắt muông thú nên cái đói, cái rét cứ đeo bám dai dẳng, người Mã Liềng ăn, ngủ chủ yếu trong những hang đá. Ngày đó, hầu hết bà con từ già tới trẻ không ai biết lấy cái chữ trong đầu.", chị Phạm Thị Lâm, Trưởng bản Cáo chia sẻ.
 
Năm 1989, tái lập tỉnh và một năm sau đó, khi huyện Minh Hóa tách ra từ huyện Tuyên Hóa về địa giới cũ, cuộc sống của người Mã Liềng được các cấp chính quyền quan tâm hơn.
 
Từ năm 1993, Nhà nước triển khai thực hiện chương trình định canh định cư, nhiều hạng mục công trình như: nhà ở, trường học, trạm y tế... được xây dựng nhằm vận động người Mã Liềng rời núi ra định cư ở các khu vực dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Thế nhưng, để người Mã Liềng vốn đã quen với núi rừng, ra định canh, định cư tại chỗ không phải chuyện dễ dàng.
 
Chị Phạm Thị Lâm nhớ lại, khi đoàn cán bộ của huyện vào tận núi để vận động bà con, gia đình chị là một trong những hộ tiên phong về bản. Sau đó, cha của chị, ông Phạm Sơn (đã mất) được cử làm trưởng bản Cáo (tên bản được đặt theo vùng núi mà bà con sinh sống trước đây-PV).
 
"Nhà ở được Nhà nước xây, đồng bào được cán bộ dạy chữ, dạy cách trồng cây lương thực, đau ốm được phát thuốc nhưng chỉ một thời gian sau, các hộ gia đình đều lần lượt bỏ bản về lại các hang núi khi trước. Bởi lối sống nay đây mai đó trên các dãy núi đã ăn vào tiềm thức bà con, phần vì nhà ở được xây không có các giá trị truyền thống của người Mã Liềng như nhà 2 cầu thang, buồng thiêng, nơi đặt bàn thờ tổ tiên...", chị Lâm cho hay.
 
Đến cuối năm 1998, cả bản Cáo chỉ còn 3 hộ, hầu hết đều đã chuyển ngược vào vào núi, trở lại với cuộc sống săn bắt, hái lượm. Một đoàn cán bộ các cấp lại tiếp tục khăn gói vào núi, tìm đến từng hang đá vận động bà con ra bản. Lần này, chị Lâm cùng cha ở lại cả tháng trời để thuyết phục bà con.
 
Đến cuối năm 1999, bản Cáo đã có 14 hộ. Ở các bản Chuối, Kè, các hộ người Mã Liềng cũng bắt đầu lục tục kéo nhau ra định cư. Những ngôi nhà được Nhà nước xây cất cũng được thiết kế theo mẫu nhà sàn truyền thống để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của bà con.
 
Già làng Cao Dụng ở bản Kè nhớ lại, hồi đó địa điểm lập bản được chính bà con lựa chọn. Nhà ở cũng được xây dựng theo phong tục của người Mã Liềng. Dân bản ai cũng phấn khởi, dần dần, những hộ ở sâu trong núi cũng kéo nhau ra sống ở bản.
 
Tự chủ phát triển kinh tế
 
Già làng Cao Dụng cho biết, khi được vận động về định cư ở bản, cán bộ hứa sẽ làm nhà, con em được học cái chữ, còn được chỉ cách làm kinh tế như người miền xuôi. Ai cũng nửa tin nửa ngờ, ngay như già cũng thế. Về định cư ở bản rồi, nhà ở được Nhà nước xây, thời gian đầu, cái ăn hoàn toàn phụ thuộc nguồn gạo hỗ trợ của Chính phủ. Nhưng rồi con em được các thầy cô giáo đến vận động đi học chữ, chính quyền xã cũng dạy cách trồng lúa nước, cách trồng cây, xen canh lương thực ngay trên chính những nương rẫy của mình. Bà con bắt đầu tin và học theo.
 
Ông Cao Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa cho biết, thời gian đầu, cán bộ xã phải bắt tay chỉ việc với hy vọng không chỉ giúp dân bản xóa bỏ được tập quán sống dựa vào rừng mà còn giúp họ từng bước định canh, định cư, ổn định cuộc sống. Hiện nay, người dân đã cơ bản chuyển từ lối sống du canh du cư sang định canh định cư.
Người Mã Liềng nhận đất, nhận rừng để phát triển kinh tế.
Người Mã Liềng nhận đất, nhận rừng để phát triển kinh tế.
Những năm gần đây, nhờ sự trợ giúp từ các chương trình dự án và của các cấp chính quyền, người Mã Liềng ở huyện Tuyên Hóa đã quen dần với cuộc sống hiện đại, họ vẫn sống nhờ rừng nhưng theo một cách chủ động và làm chủ rừng... Năm 2013, UBND tỉnh đã thu hồi hơn 700 ha đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ giao cho UBND xã Lâm Hóa để xét và cấp đất cho người dân Mã Liềng.
 
Qua 5 năm triển khai đã cho thấy trồng rừng mang lại hiệu quả rất lớn, bình quân mỗi hộ có từ 0,5 đến 3 ha rừng trồng. Người mã Liềng đã tiếp cận được quyền sử dụng tài nguyên đất rừng và có điều kiện để phát triển kinh tế nhờ trồng rừng, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, nhận thức của bà con trong việc bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao. Hiện tại, có nhiều diện tích rừng trồng đã được bà con thu hoạch bán và đã có thu nhập.
 
Cũng như nhiều hộ gia đình khác, gia đình chị Cao Thị Vân ở bản Kè cũng được giao đất trồng rừng. Hiện, gia đình chị có gần 2 vạn cây keo chuẩn bị thu hoạch. Chị Vân cho biết: "Đất rừng được Nhà nước cấp, có sổ đỏ. Cây giống, cách trồng, chăm sóc cũng được các cán bộ xã và các dự án hỗ trợ, hướng dẫn. Bà con ai cũng phấn khởi lắm".
 
Bên cạnh trồng các rừng keo, tràm xen canh ngô, lạc, bà con Mã Liềng còn biết cách trồng xen vào các khu rừng tự nhiên hàng vạn cây gỗ quý như vàng tim, lim, táu. Điều này không chỉ góp phần quan trọng trong việc tái tạo và bảo vệ rừng đầu nguồn mà còn giúp người dân tăng thêm thu nhập, bảo đảm sinh kế.
 
Gần 30 năm rời hang đá về định cư ở bản, cuộc sống của người Mã Liềng đã bước sang một trang mới. Từ chỗ len lỏi trong rừng kiếm kế sinh nhai giờ đây, người Mã Liềng đã học được cách sản xuất, phát triển kinh tế, dần bắt nhịp được với cuộc sống hiện đại...
 
X.Phú-N.Hải
,