.

Nơi ghi dấu sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 trên đất Quảng Bình

.
08:56, Thứ Năm, 23/05/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình luôn là địa bàn mà Bộ Tư lệnh 559 chọn làm “đại bản doanh”. Từ những ngày đầu mở tuyến ở Làng Ho cho đến ngày thống nhất đất nước, do yêu cầu nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh đã di chuyển và đứng chân hầu khắp đông tây Trường Sơn. Những địa điểm, những tên làng, tên đất Quảng Bình đã thân thuộc và gắn với Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 như: Hóa Tiến, Đại Trạch, Cự Nẫm, Cù Lạc, Hiền Ninh, Thạch Bàn...
Bia di tích ngã tư Thạch Bàn.
Bia di tích ngã tư Thạch Bàn.
Năm 2013, những địa điểm đóng quân của Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 ở Quảng Bình đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, nhằm ghi dấu và tri ân những đóng góp của Bộ Tư lệnh 559, quân và dân địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong khuôn khổ bài viết này, xin giới thiệu một số địa danh in đậm dấu ấn của Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559-Bộ đội Trường Sơn trên đất Quảng Bình:
 
Hang Hóa Tiến (xã Hóa Tiến, huyện Minh Hóa): tháng 4-1965, Bộ Tư lệnh 559 đã chọn các hang động tại xã Hóa Tiến, Hóa Thanh, thuộc huyện Minh Hóa (khu vực Khe Ve), nằm trên tuyến vận tải chiến lược đường 12A, 15A và là những hang động kín đáo, an toàn, bảo đảm đủ chỗ cho cả trung đoàn trú quân và thuận lợi cho việc cất giấu hàng hóa, làm nơi đặt Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh, binh trạm và các kho hàng, kho xăng dầu.
 
Ở nơi đây Bộ Tư lệnh 559 đã có những cuộc họp quan trọng đầu tiên của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh 559, chuẩn bị công tác vận chuyển và nhiệm vụ đánh địch, ngăn chặn không quân, đẩy mạnh vận tải bằng cơ giới sang tuyến phía tây qua Lào, mở chiến dịch vận chuyển mùa khô 1965-1966, thực hiện nhiệm vụ chi viện lớn cho các chiến trường.
 
Từ sở chỉ huy này, Bộ Tư lệnh 559 đã kiên cường bám trụ vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để chỉ đạo vận chuyển hàng hóa, chuyển quân, chuyển thương binh...
 
Thôn Cổ Hiền (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh): từ cuối năm 1972-1973 Bộ Tư lệnh Trường Sơn di chuyển từ Hóa Tiến về đóng quân tại địa bàn xã Hiền Ninh. Sở dĩ Hiền Ninh được chọn đặt sở chỉ huy vì nơi đây có ngã 3 sông lớn với bến phà trọng điểm Long Đại, có tuyến quốc lộ 15A vận tải hàng vào chiến trường miền Nam.
 
Tại thôn Cổ Hiền, Trung đoàn 99-Bộ đội Trường Sơn đã phối hợp cùng nhân dân Hiền Ninh xây dựng hội trường lợp bằng lá cọ và cải tạo nâng cấp đường từ đường 15A qua xã Hiền Ninh vào Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559.
 
Từ sở chỉ huy tại Hiền Ninh, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã chỉ đạo tình hình thực tế của giai đoạn này, vừa vận chuyển nhân lực, vật lực, vừa phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
 
Để giải quyết kịp thời công tác vận chuyển chi viện chiến lược, Bộ Tư lệnh khẩn cấp điều động 2 trung đoàn công binh mở đường vòng tránh trên 2 trục đường Quốc lộ 1A và 15A, bảo đảm các công trình vượt sông Gianh và sông Long Đại; điều 3 tiểu đoàn cao xạ thiện chiến ra bảo vệ hậu phương chiến dịch, giao cho F571 phụ trách tiếp nhận hàng của hậu phương, huy động nhân lực gạo, thóc, phương tiện vận tải của nhân dân Quảng Bình, tổ chức các chuyến chuyển tiếp dọc các sông Gianh, Long Đại...
 
Bộ đội Trường Sơn đã góp phần tích cực vào thắng lợi của quân và dân ta trong năm 1972 trên khắp các chiến trường miền Nam, làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam ngày 27-1-1973.
 
Trong thời gian Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 đóng tại xã Hiền Ninh, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội đã đến thăm và trực tiếp giao nhiệm vụ. Đặc biệt, vào dịp đón xuân Quý Sửu năm 1973, quân và dân tỉnh Quảng Bình và Bộ đội Trường Sơn vinh dự được đón đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào thăm, động viên quân dân tỉnh Quảng Bình và Bộ đội Trường Sơn.
 
Nhằm thống nhất tư tưởng, hành động, động viện, cổ vũ cán bộ, chiến sỹ Trường Sơn, tạo đà thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đảng ủy Bộ Tư lệnh quyết định tổ chức hội nghị quân chính, sau đó là Đại hội mừng công khai mạc vào ngày 7-3-1973 tại hội trường Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn ở xã Hiền Ninh. Đại hội đã vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào dự.
 
Cũng trong tháng 3-1973, Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận lệnh Chính phủ, Bộ Quốc phòng đón tiếp Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanuc cùng Hoàng hậu từ Trung Quốc sang Hà Nội và vượt Trường Sơn về thăm vùng giải phóng Campuchia. Theo thể thức đón tiếp nguyên thủ quốc gia, tại đây, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã tổ chức đón đưa Quốc trưởng và Hoàng hậu tận tình chu đáo, bảo đảm an toàn trong những ngày lưu lại ở chặng đường cuối trước khi về Tổ quốc.
 
Mặc dù, thời gian Bộ Tư lệnh Trường Sơn đặt Chỉ huy sở tại xã Hiền Ninh chỉ trong 8 tháng, nhưng chính trong thời gian này, Bộ đội Trường Sơn đã đề ra những quyết sách quan trọng đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn của địch nhằm phá hoại Hiệp định Pari và mở đường vận tải cơ bản, thực hiện xuất sắc công cuộc chỉ viện cho tất cả các chiến trường.
 
Nơi đây, còn minh chứng cho tình cảm gắn kết quân dân giữa nhân dân Hiền Ninh nói riêng, Quảng Bình nói chung với bộ đội Trường Sơn, sẻ chia những khó khăn, thiếu thốn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt để tạo nên sức mạnh cùng cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng.
 
Ngã tư Thạch Bàn (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy): Để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, tháng 7-1973, Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn chuyển về Thạch Bàn, xã Phú Thủy (nay là xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy).
 
Đây là nơi ghi dấu về những chiến công oanh liệt của hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, TNXP đã tham gia mở đường và chiến đấu kiên cường để giữ vững mạch máu giao thông, vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Trong những năm từ 1968-1973, Thạch Bàn là nơi thường xuyên bị không quân, hải quân Mỹ tập trung đánh phá ác liệt. Đây là điểm đầu của đường 16, con đường chiến lược nằm sát giới tuyến quân sự, trực tiếp và ngắn nhất để chi viện cho chiến trường Trị Thiên.
 
Ngã tư Thạch Bàn còn là điểm xuất phát của tuyến đường Thạch Bàn-Khe Hó, là một trong những tuyến đường đầu tiên của Đoàn 559. Ngã tư Thạch Bàn cũng là nơi đóng quân trong nhiều năm liền của đơn vị ô tô vận tải của Bộ đội Trường Sơn, nơi đặt Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn từ tháng 7-1973.
 
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng huyền thoại về đường Hồ Chí Minh và những đóng góp của Bộ Tư lệnh 559-Bộ đội Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn mãi mãi ngời sáng trong trang sử oanh liệt của dân tộc ta như một thiên anh hùng ca bất tử, tô thắm truyền thống đánh giặc giữ nước của QĐNDVN anh hùng. Đặc biệt, các di tích lịch sử nơi ghi dấu những sự kiện tiêu biểu là những minh chứng quan trọng, khẳng định quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của quân và dân ta.
 
Hoài Hương
,