.

Lặng lẽ tỏa sáng giữa đời thường

.
14:29, Chủ Nhật, 05/05/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Ở tuổi xưa nay hiếm, nhiều người đã nghỉ ngơi tận hưởng những giây phút thanh thản tuổi già, nhưng cựu chiến binh Bạch Doãn Nụng, xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) vẫn miệt mài hỗ trợ, giúp đỡ nhiều đồng đội làm hồ sơ để được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước, nhằm vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.
 
Ký ức oai hùng
 
Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi cũng gặp được ông Bạch Doãn Nụng. Công việc “vác tù và hàng tổng” cũng chiếm mất khá nhiều thời gian của người cựu chiến binh. Ông bắt đầu câu chuyện bằng việc giới thiệu về những kỷ vật mà mình rất trân quý như: tấm ảnh Bác Hồ, bao nilon đựng gạo, chiếc bi đông và cái bát đã cũ mà ngày xưa ông và đồng đội đã cùng chia nhau từng chén cơm, củ sắn.
 
Ông kể, quê ông ở thôn Phú Việt, xã Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy). Bố ông mất khi ông mới 9 tuổi, một mình mẹ bươn chải nuôi ông ăn học. Ngày đó nhà nghèo nhưng ông lại học rất giỏi và là một trong những học sinh được huyện Lệ Thủy gửi lên học cấp 3 tại huyện Minh Hóa. Trong lúc chiến tranh ác liệt, với mong muốn được cống hiến sức trẻ cho đất nước, ông đã làm đơn tự nguyện đi chiến trường.
 
"Sau khi tham gia các khóa huấn luyện, đầu năm 1970, chúng tôi vào chiến trường theo diện đi B dài hạn. Lúc đầu, tiểu đoàn có 400 người, nhưng sau khi kiểm tra sức khỏe thì còn 380 người, sau đó lấy tên là tiểu đoàn D70”, ông Nụng kể.
Ông Bạch Doãn Nụng, xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) đã giúp đỡ làm hồ sơ hưởng chế độ cho rất nhiều đồng đội.
Ông Bạch Doãn Nụng, xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) đã giúp đỡ làm hồ sơ hưởng chế độ cho rất nhiều đồng đội.
Tiểu đoàn D70 được phân công nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa phục vụ chiến đấu với các công việc, như: giao liên, gùi hàng hóa, chuyển thương binh, đưa bộ đội vào chiến trường miền Nam, thả gạo đường sông...
 
Chiến tranh ác liệt, ông và đồng đội phần lớn ở trong rừng và luôn tuân thủ theo nguyên tắc: đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng. Buổi tối, đi gùi hàng, đưa bộ đội vào chiến trường, ông và đồng đội phải bắt con đom đóm dán phía sau lưng để đi chứ không được dùng đèn pin.
 
Tiểu đoàn D70 ở giữa biên giới Việt-Lào, nhưng chủ yếu ở phía nước bạn Lào rồi hàng ngày đi bộ xuyên rừng qua địa phận Việt Nam hoạt động. “Máy bay lúc nào cũng rà trên đầu, chúng tôi chỉ biết sống từng giờ, không biết lúc nào hy sinh. Nhưng anh em chúng tôi không chút sợ hãi, lúc nào cũng lạc quan, sống với nhau rất tình cảm”, ông Nụng tâm sự.
 
Đợt đi B năm ấy có 18 đồng đội của ông vĩnh viễn ở lại chiến trường, ông cũng suýt mất mạng vì đất đá vùi dập trong một đợt ném bom bắn phá ác liệt của địch. Với những đóng góp của mình, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều bằng khen, huân chương, huy chương. Tiểu đoàn D70 cũng được Chủ tịch nước tặng huân chương, Chủ tịch Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tặng huân chương, huy chương.
 
Hết lòng vì đồng đội
 
Sau giải phóng, ông Nụng về làm việc tại Sở Thông tin văn hóa Bình-Trị-Thiên, rồi làm Trưởng phòng Trung tâm Văn hóa huyện A lưới (Thừa Thiên-Huế), sau đó làm Chánh văn phòng UBND huyện A Lưới. Khi về hưu, ông sinh sống cùng con cháu tại xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới). Cơ duyên dẫn ông đến với việc bỏ công đi tìm tài liệu làm thủ tục giúp cho đồng đội được hưởng chế độ bắt đầu từ việc tìm hiểu thông tin để làm chế độ chính sách cho bản thân.
 
Sau một thời gian, ông được Nhà nước cho hưởng chế độ thương binh và chất độc da cam theo quy định. Tuy nhiên, ông biết còn rất nhiều đồng đội khác cùng đơn vị cũ vẫn chưa làm được chế độ và cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. “Tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm giúp những đồng đội cũ. Họ cũng đã hy sinh quá nhiều nên giờ họ xứng đáng được hưởng những chế độ theo quy định”, ông nói.
 
Việc đầu tiên ông làm là đến Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh để tìm kiếm tất cả những giấy tờ liên quan đến Tiểu đoàn D70.  Ông bỏ tiền túi ra phô tô nhiều tài liệu cất lại để đồng đội ai cần làm hồ sơ thì ông hỗ trợ. Nhưng không phải ai cũng có thể tự mình tìm ra cách hoàn thiện đủ hồ sơ theo quy định.
 
Nhiều đồng đội đã tìm đến tận nhà nhờ ông làm giúp hồ sơ. “Để làm hoàn chỉnh một bộ hồ sơ không phải đơn giản. Muốn nắm rõ thông tin, tôi trực tiếp lên các phòng chuyên môn của UBND thành phố tìm hiểu rồi theo chỉ dẫn đi đến từng địa phương, ban, ngành có liên quan để bổ sung các loại giấy tờ cần thiết. Nhiều lúc, tôi mất gần cả tháng trời để đi tìm hiểu tư liệu giúp đồng đội”, ông kể.
 
Sợ nhiều người không biết thông tin để làm, ông tìm đến nhà từng đồng đội để hỏi. Ai chưa làm được chế độ thì ông sẽ hướng dẫn cách làm. Qua nhiều thông tin,biết được một số đồng đội đi vào miền Nam sinh sống, ông lại mày mò tìm cách liên lạc rồi hướng dẫn cho từng người cách làm hồ sơ.
 
Chỉ trong một thời gian ngắn, riêng trên địa bàn tỉnh đã có hơn 50 đồng đội được ông hỗ trợ tận tình làm chế độ và đến nay đã được hưởng những chế độ như ông.“Tôi làm việc này là vì tình cảm, vì nghĩa tình của những người lính đã từng vào sinh ra tử cùng nhau. Nhiều đồng đội có cuộc sống còn rất khó khăn, tôi chỉ muốn phần nào giúp đỡ được đồng đội của mình”, ông Nụng cho hay.
 
Ông Trần Xuân Hùng, xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới) cho hay, ông cũng từng tham gia đi chiến trường B nhưng không may bị mất giấy tờ. Nhờ có ông Nụng nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn làm hồ sơ, ông đã được hưởng chế độ.
 
“Đối với những người đã vào sinh ra tử như chúng tôi, việc làm chế độ không phải chỉ vì tiền mà đó còn là sự ghi nhận của chính quyền đối với những người đã từng cống hiến tuổi xuân cho đất nước. Nhờ có ông Nụng, rất nhiều đồng đội của tôi đã làm được chế độ thương binh, chất độc da cam”, ông Hùng chia sẻ.
 
Lan Chi
,