.

Ấm tình nghĩa trũng

.
08:53, Chủ Nhật, 26/05/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Như một giá trị tốt đẹp được truyền từ đời này sang thế hệ khác, tại các làng quê, truyền thống cúng bái, hương khói hàng năm cho những linh hồn vô danh tại các nghĩa trũng, khu công mộ của làng luôn luôn được lưu giữ. Dẫu lễ cúng không phải mâm cao, cỗ đầy nhưng thể hiện tấm lòng thành kính với những người đã khuất. Bởi, người làng tin rằng nghĩa cử chân tình ấy sẽ là ngọn lửa sưởi ấm những linh hồn vô danh bất hạnh. 
 
Về Cao Lao Hạ thăm nghĩa trũng Cồn Cui
 
Rằm tháng 3, trời chưa kịp tỏ, dòng người đã vội vã nối nhau ra giữa Cồn Cui giữa làng. Với người Cao Lao Hạ xưa (nay là xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch), tiết thanh minh 15-3 âm lịch hàng năm luôn là dịp đặc biệt.
 
Sự kiện ấy của làng như sợi dây vô hình níu những bước chân xa xứ trở về quê hương, bỏ lại sau lưng những chộn rộn cơm áo, những chật vật của cuộc mưu sinh. 
 
Cồn Cui làng Cao Lao Hạ nằm trên một khu đất tương đối rộng, ở giữa cánh đồng làng ngào ngạt thơm hương lúa non, bao quanh là bức tường bê tông. Đi vào cửa, qua bức bình phong là đền thờ được xây bằng đá, quét vôi, dùng làm nơi tế lễ.
 
Là một trong hai lễ lớn nhất trong năm của làng, nên tiết thanh minh 15-3 âm lịch của làng Cao Lao Hạ luôn đông vui, rộn ràng.
 
Từ sáng sớm, dân làng đã có mặt ở nghĩa trũng Cồn Cui, đông đúc nhưng không xô bồ. Mâm cỗ được sửa soạn tươm tất dâng lên hương án để cúng âm hồn, cúng cho những vong hồn bơ vơ, những người chết trong trận mạc, chết vô danh, chết đường, chết chợ.
Nghi lễ cúng rằm tháng 3 âm lịch tại nghĩa trũng Cồn Cui (Hạ Trạch, Bố Trạch).
Nghi lễ cúng rằm tháng 3 âm lịch tại nghĩa trũng Cồn Cui (Hạ Trạch, Bố Trạch).
Người làng Cao Lao Hạ chẳng rõ nghĩa trũng Cồn Cui được xây dựng từ bao giờ. Họ chỉ biết rằng, mỗi thế hệ người làng lớn lên, ngoài nghĩa trang tổ tiên, họ còn có truyền thống chăm chút hương khói cho nghĩa trũng giữa làng.
 
Qua hai cuộc chiến tranh, bom đạn tàn phá, đến năm 2002, dân làng góp công sức, tiền của đầu tư xây dựng khu thờ tự này với mong muốn quy tụ những ngôi mộ vô chủ.
 
Đến nay, cùng với sự đóng góp của con em địa phương, nghĩa trũng Cồn Cui được xây dựng, tôn tạo đẹp đẽ, khang trang, thuận tiện cho dân làng qua lại thắp hương, cúng tế.
 
Trở về quê hương vào đúng dịp lễ cúng nghĩa trũng Cồn Cui, ông Lưu Quý Thông, Hội trưởng Hội đồng hương xã Hạ Trạch tại thành phố Đồng Hới tự hào bảo: “Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau rằng dù làm gì thì làm nhưng cứ đến dịp này thì ai nấy cũng sắp xếp công việc để được trở về quê, thắp hương cho những người lập làng, những oan hồn, vô chủ được tập kết ở làng, coi như một sự tri ân, vừa để cầu cho làng được bình yên, dân làng ở mọi miền đất nước làm ăn yên ổn, phát đạt. Và người làng cũng nhắc nhớ nhau rằng đây là việc nhân nghĩa cần được lưu giữ qua nhiều thế hệ".
 
Ân nghĩa giữa đời
 
Đi dọc các miền quê ở Quảng Bình, vẫn còn đó nhiều làng quê còn giữ lại truyền thống tốt đẹp: thờ cúng cho những vong hồn bơ vơ.
 
Vậy nên, những nghĩa trũng, khu công mộ của các làng vẫn tồn tại qua nhiều thế hệ, bất chấp thời gian và sự tàn phá của chiến tranh. Cùng với nghĩa trũng Cồn Cui ở làng Cao Lao Hạ, tại làng Văn La (Lương Ninh, Quảng Ninh) cũng có một nghĩa trũng đặc biệt, nơi quy tập hơn 1.000 ngôi mộ vô chủ, không người thân thích.
 
Theo ông Lê Trọng Duận, người làng Văn La, làng quê này có một quy ước bất thành văn rằng ba năm liền, những ngôi mộ không có người chăm sóc, thăm viếng, không ai chạp mộ thường xuyên thì đến ngày tảo mộ, làng sẽ chi phí làm thủ tục cho việc cất bốc, di dời và tập kết các ngôi mộ đó vào nghĩa trũng của làng.
 
“Việc này sẽ theo ba bước, ban đầu, sẽ thông báo cho dân làng, họ hàng các dòng tộc và cả người ngoài làng khi đi tảo mộ, nếu phát hiện những ngôi mộ nhiều năm không có ai chăm lo vun đắp, làm cỏ, phát cây thì báo cho làng biết. Bước tiếp là làng tổ chức cắm thẻ, đánh dấu các mộ sẽ di dời về nghĩa trũng. Sau một năm, nếu không có người nhà đến nhận thì ngôi mộ đó sẽ được cất bốc.
 
Trong năm thứ 3, cũng là bước cuối cùng là sáng 24 tháng chạp, hương lý trong làng giao cho từng tổ đinh tráng các hòm gỗ hoặc tiểu sành, hương hoa, giấy ngũ sắc... thực hiện cất bốc số mồ đã được kiểm kê”, ông Duận cho biết thêm.
 
Tại làng Kim Nại (An Ninh, Quảng Ninh)-một trong “Bát danh hương” của đất Quảng Bình-cũng còn giữ lại khu công mộ khá bề thế của làng để thờ tự những ngôi mộ vô chủ. Đó là một khu nghĩa trang hình chữ nhật, diện tích khoảng 3.200m2. Hơn 700 ngôi mộ được táng ở ba bậc cao thấp khác nhau theo thế đất.
 
Mộ được táng có hàng, có lối ngang dọc, thẳng tắp, đều nhau. Đó là những linh hồn vô thừa nhận, những người vô gia cư, những người tuyệt tự, cả những bộ hài cốt thu nhận được trong quá trình cải tạo, mở rộng đất.
 
Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, bao bom đạn dội xuống mảnh đất này nhưng khu công mộ vẫn không hề hấn gì, vẹn nguyên cho đến hôm nay. Qua nhiều bận, khu mộ đã được người làng Kim Nại đóng góp kinh phí để tu sửa, chỉnh trang.
 
Hàng năm, mỗi dịp lễ, tết, hay vào tiết thanh minh, người làng Kim Nại lại tổ chức vệ sinh, tu bổ các ngôi mộ bị xói mòn đất dẫu chẳng rõ chủ nhân của những ngôi mộ đã phủ màu thời gian ấy là ai, quê quán nơi đâu.
 
Người vùng biển chôn cất và hương khói cho những số phận bất hạnh trong những nghĩa trang bên chân sóng, như người Bảo Ninh (Đồng Hới) vẫn ngày ngày chăm chút cho âm hồn tự và nghĩa trang oan hồn với hơn 120 ngôi mộ của những người trôi dạt vào bờ biển.
 
Người vùng đồng bằng lại xây dựng những nghĩa trũng đặc biệt này ngay giữa cánh đồng làng. Họ trân trọng nơi chốn nằm lại của những con người vô thờ tự như trân trọng chính mảnh đất yên nghỉ của tổ tiên mình.
 
Với họ, hiếu kính với người đã khuất không chỉ là việc làm nhân nghĩa giữa đời mà còn truyền lại cho con cháu bài học về sự sẻ chia, tình yêu thương với những số phận bất hạnh giữa cuộc đời này.
 
Ngọc Minh
,