.

Vị tướng gắn với huyền thoại đường Trường Sơn

.
10:10, Thứ Năm, 11/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 4-4-2019, cả nước lại đau lòng vĩnh biệt một vị tướng mà tên ông và những cống hiến của ông với Tổ quốc gắn liền với con đường Trường Sơn huyền thoại. Trung tướng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên đã ra đi ở tuổi 96.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong một lần làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong một lần làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Ông từng kể với anh em cán bộ chiến sĩ rằng: Trong hai năm 1965-1966,  ông có bốn lần thay đổi công tác. Có thời điểm nhận việc, vừa nhập cuộc đã chuyển công tác khác. Trong cái biến động đó, khó có thể làm được một điều gì cho thật "ra tấm ra miếng".

Tuy vậy, với ông gần như có một sự ngoại biệt. Bởi vì những lần thay đổi công tác: Chính ủy Quân khu 4, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận 565, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương…, mọi hoạt động của ông đều nằm trong "vòng xoáy" đông - tây Trường Sơn ở chính vùng "cán xoong", mà tâm điểm là nhiệm vụ tổ chức, bảo đảm chi viện chiến trường, chống chiến tranh ngăn chặn của địch.

Những gì mà ông cùng đồng chí, đồng đội làm được trong hai năm ấy lại là những bước đệm, bước tạo đà cho "cú nhảy" quyết định vào Trường Sơn. Cuối tháng 12-1966, ông được điều vào làm Tư lệnh Đoàn 559 - bộ đội Trường Sơn, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển tuyến đường huyền thoại, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp gắn bó, chỉ huy, không chỉ hoàn thành tuyến đường vận chuyển quân lương, vũ khí, khí tài chiến tranh mà còn hoàn thiện đường ống dẫn xăng, dầu từ Bãi Cháy (Quảng Ninh) vào tận Nam Bộ chi viện cho chiến trường lớn miền Nam.

Trực tiếp “nếm mật, nằm gai” ngoài trận tuyến, có mặt trong khói đạn, trên những cung đường sạt lún vì mưa rừng Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khi thì hội ý Bộ Tư lệnh đưa ra những chỉ lệnh, giải pháp cấp bách đáp ứng thực tiễn chiến trường, khi khác lại có mặt trong những cánh rừng động viên bộ đội.

Từ thực tế diễn ra trên tuyến đường, ông nhận thấy 8 năm đã qua, kể từ khi ông Võ Bẩm - một cán bộ kiên cường được Đảng cử làm Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Bác Hồ, dẫn một nhóm người lặng lẽ mò mẫm giữa đại ngàn Trường Sơn, tìm đường về Nam và 8 năm ấy, từ hơn 400 người áo bà ba, đầu trần, chân đất "Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", gùi cõng từng khẩu súng, viên đạn vượt Trường Sơn, Đoàn 559 đã phát triển không ngừng. Vào cuối năm 1966, toàn tuyến có 7 binh trạm. Trực thuộc binh trạm có tiểu đoàn công binh, tiểu đoàn vận tải ô tô, tiểu đoàn cao xạ…

Cũng 8 năm đó, từ những lối mòn giao liên, Đoàn 559 đã tổ chức được tuyến giao liên từ đông Trường Sơn rồi chuyển sang tây Trường Sơn; từ đường mòn gùi cõng, tiến lên thồ và thí điểm vận chuyển cơ giới. Đặc biệt là tuyến tây Trường Sơn, Đoàn 559 đã làm được gần 1.000 cây số đường ô tô từ Mụ Giạ, Cổng Trời (đường 12) vào Tà Xẻng vươn sang Tà Ngâu, Xiêm Pạng (đất bạn Campuchia).

Ngoài trục dọc, lúc này đã có đường 20 Quyết Thắng nối đông và tây Trường Sơn; không còn độc đạo về tuyến vượt khẩu. Đường Trường Sơn lúc này dẫu mới là đường dã chiến, song vẫn đảm bảo cho xe vận tải đi được vào mùa khô.

Từ trục dọc có một số trục đường ngang nối đông với tây Trường Sơn và toả ra các hướng chiến trường. Cùng với đường ô tô là hệ thống đường giao liên, đường dùng cho gùi thồ, đường sông.

Cố gắng của mọi lực lượng trên tuyến 559 cũng như sự chi viện của các cấp, các ngành trên hậu phương miền Bắc và của bạn Lào đối với bộ đội Trường Sơn rất lớn. Ông thầm cảm phục biết bao những con người đã đóng góp tâm lực, sức lực để tạo lập tuyến đường này.

Tiếp bước chiến công của lớp người đi trước, trong thời gian tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559), đường Trường Sơn từ một con đường mòn nhỏ trở thành một tuyến giao thông vận tải chiến lược với cả hệ thống đường được mệnh danh là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm". Con đường này lúc cao điểm có hơn 12 vạn binh sĩ, trong đó có hơn 1 vạn là lực lượng TNXP, phiên chế thành 8 sư đoàn và một sư đoàn cao xạ tên lửa phối hợp.

Suốt 16 năm, Trường Sơn đã trở thành nơi đối đầu giữa ý chí gang thép, lòng quả cảm, trí tuệ của con người Việt Nam với đạn bom – sản phẩm của nền công nghiệp quân sự phi nhân tính. Chỉ tính tròn 10 năm, kể từ khi ta tổ chức vận tải cơ giới trên Trường Sơn, Mỹ đã huy động 733.000 lần máy bay đánh phá tuyến vận tải 152.000 trận; ném xuống các tuyến đường gần 4 triệu tấn bom đạn, vượt xa số bom đạn mà phát xít sử dụng trong đại chiến thế giới lần thứ hai.

Trên tuyến đường này, hơn hai vạn cán bộ, chiến sĩ, TNXP, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh; hơn hai vạn người bị thương và biết bao người bị nhiễm chất độc hóa học; khoảng 14.500 lần xe các loại, hơn 700 lần súng pháo bị hư hỏng; hơn 90.000 tấn hàng hóa bị đánh cháy…

Đồng cam cộng khổ với chiến sĩ, bộ đội trong suốt 7 năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, tướng Đồng Sỹ Nguyên được mệnh danh là "người giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn", là "kiến trúc sư hệ thống đường hầm màu lam", người lừng lẫy trong việc xây dựng binh chủng hợp thành rất đặc thù của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ông hiểu hơn ai hết những mất mát, hy sinh âm thầm mà hàng vạn con người đã ngã xuống, làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối đông với tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 20.000 km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km "đường kín" cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm.

Trong 16 năm, hệ thống hậu cần đường Trường Sơn đã chuyển được hơn một triệu tấn hàng, vũ khí vào cho các chiến trường, bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn hai triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường.

Theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, mọi lực lượng trên tuyến đường Trường Sơn đều xứng danh anh hùng, nhưng bộ đội vận tải ô tô, được đưa vào Trường Sơn từ năm 1965, với truyền thống “Gan vàng dạ ngọc”, đã tạo được sự mến mộ, ưu ái hết mực của các binh chủng anh em.

Bộ đội vận tải đã thật sự trở thành một binh chủng chủ lực của bộ đội hợp thành trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Bằng nỗ lực cao độ của mình, cán bộ và chiến sĩ bộ đội vận tải Trường Sơn đã góp phần to lớn thực hiện một sáng tạo trong nghệ thuật quân sự - cơ giới hóa bộ binh, tạo nên khả năng cơ động cao, sức đột kích mạnh của các binh đoàn chủ lực, nhanh chóng đè bẹp mọi sự phản kháng của kẻ thù, giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Điều hết sức lý thú, tuyệt vời đối với bộ đội vận tải ô tô Trường Sơn là: Từ vận chuyển vật chất phục vụ chiến đấu – tiến lên cơ động các binh đoàn chủ lực thần tốc vượt chặng đường hàng nghìn cây số vào tham gia chiến dịch và cao trào là giai đoạn cuối – khi tình huống xuất hiện, đã bất thần chuyển thành lực lượng cơ động bộ binh chiến đấu, tiến công vào sào huyệt kẻ thù.

Trước khi chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra, người Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa đều nhận định quân đội miền Bắc muốn áp sát Sài Gòn cần ít nhất 2 tháng. Thực tế thì các cánh quân từ miền Bắc chỉ cần chưa đầy 20 ngày để làm điều đó.

Cuộc tiến công thần tốc, vũ bão của quân đội ta sau này được giải mã gắn liền với tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Đóng góp quyết định cho thành công của cuộc tiến quân thần tốc trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 là hai sư đoàn ô tô vận tải 571 và 471 thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn, mà người đóng vai trò đặc biệt quan trọng này là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn suốt từ 1-1-1967 đến khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ông luôn tự hào và biết ơn quân và dân ta trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, bao gồm bộ đội Trường Sơn, TNXP, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc và nhân dân nước bạn, với tinh thần dũng cảm, thông minh đầy mưu trí sáng tạo, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ác liệt đã đánh bại mọi thủ đoạn chiến tranh ngăn chặn của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến.

Ông nói:“Là một người lính Trường Sơn, tôi thật sự xúc động, tự hào bởi bộ đội Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh đã góp sức lực, trí tuệ, máu xương cùng toàn dân tộc thực hiện được nguyện ước nung nấu: Mở những con đường, đưa những đoàn quân tiến về cùng với nhân dân nổi dậy giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đường Hồ Chí Minh-đường Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng lịch sử là một chiến trường tổng hợp và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam và chiến trường nước bạn”.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh không chỉ là một con đường như bao con đường trên thế gian, đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh còn là con đường thể hiện tinh thần của cả một dân tộc, một thời đại, là biểu tượng cho khát vọng chiến thắng, khát vọng độc lập của hàng triệu người dân Việt Nam. Con đường ấy mãi mãi tồn tại cùng lịch sử, với những trang quyết liệt mà hào hùng, là gạch nối giữa quá khứ và tương lai đất nước.

Và hôm nay, ông-Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, người nhạc trưởng trong bản hùng ca đường Trường Sơn đã ra đi về cõi vĩnh hằng, nhưng tên tuổi của ông, những cống hiến to lớn của ông với con đường mang đầy kỳ tích huyền thoại ấy vẫn khắc đậm trong lòng cảm phục của mọi người.

Kim Cương

,