.

Về Trung Thuần nghe chuyện lịch sử

.
15:41, Thứ Hai, 29/04/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Từng là căn cứ địa cách mạng quan trọng của quân và dân Quảng Trạch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quôc Mỹ xâm lược, chiến khu Trung Thuần đã trở thành chứng tích lịch sử hào hùng, là niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây. Về Trung Thuần hôm nay, truyền thống cách mạng vẫn luôn được người dân tiếp nối trong công cuộc xây dựng, đổi mới quê hương.
 
Ký ức hào hùng
 
Dẫn chúng tôi đến thăm chiến khu Trung Thuần, ông Trần Ngọc Vỹ (SN 1957), nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thạch thời kỳ 1988-2000 giới thiệu về các mốc lịch sử của chiến khu qua nhiều thời kỳ. Ông chính là một trong hai người tham gia viết lịch sử di tích Trung Thuần trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Quảng Thạch giai đoạn 1930-2000.
 
Ông cho hay, mặc dù không tham gia vào kháng chiến ở chiến khu Trung Thuần do tuổi còn nhỏ, thế nhưng qua quá trình tìm hiểu và trò chuyện với những bậc lão thành trong làng từng tham gia vào các hoạt động kháng chiến của chiến khu, ông hiểu rõ về các mốc lịch sử quan trọng của chiến khu Trung Thuần.
 
Ông Vỹ cho biết, chiến khu Trung Thuần là di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia năm 1995. Chiến khu nằm trên diện tích 2 xã là Quảng Lưu và Quảng Thạch. Tuy nhiên, diện tích chính chủ yếu vẫn thuộc xã Quảng Thạch. Chiến khu Trung Thuần xưa là một thung lũng bao kín với nhiều núi cao và rừng rậm theo hình chữ U. Trong chiến khu có đỉnh Chóp Chài cao gần 1.000m so với mực nước biển đã trở thành “đài” quan sát lý tưởng cho cả vùng.
Những trang trại kinh tế đang làm đổi thay diện mạo chiến khu Trung Thuần.
Những trang trại kinh tế đang làm đổi thay diện mạo chiến khu Trung Thuần.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến khu Trung Thuần không chỉ là nới Huyện ủy, Ủy ban hành chính và các cơ quan đầu não của huyện Quảng Trạch làm việc mà còn là nơi huấn luyện, chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền và bổ sung lực lượng để cùng tự vệ Võ Xá giành chính quyền tại thị xã Đồng Hới tháng 8-1954.
 
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung thuần là hậu cứ của Binh đoàn B70 quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là điểm trung chuyển trong hệ thống đường Hồ Chí Minh chi viện sức người, sức của cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
 
Hiện nay, ở Quảng Thạch, những người đã từng tham gia chiến đấu ở chiến khu Trung Thuần không còn nhiều, hầu hết đã lớn tuổi và qua đời. Mặc dù đã bước qua tuổi 84, không còn khỏe mạnh, trí nhớ không còn minh mẫn, thế nhưng khi nhắc về chiến khu Trung Thuần, cụ Trần Ỷ, thôn 2, Quảng Thạch vẫn tự hào chia sẻ, năm 14 tuổi, cụ được vinh dự tham gia vào đội thiếu niên tiền phong của làng Trung Thuần với nhiệm vụ vận động thanh thiếu niên trong làng tiên phong tham gia kháng chiến chống Pháp. Cụ còn kể rõ những câu chuyện đi cướp chính quyền ở Ba Đồn.
 
Là người đã từng tham gia chiến đấu ở chiến khu Trung Thuần và viết lịch sử di tích chiến khu này, ông Nguyễn Hồng Vinh (SN 1946) kể rằng, lúc còn nhỏ, gia đình ông sống và hoạt động trong chiến khu. Mỗi lần có bộ đội hành quân qua rồi nghỉ lại, cả gia đình ông đều nhường nơi ăn, chốn ở cho bộ đội.
 
Năm 1965, ông bắt đầu lên đường nhập ngũ. Năm 1972, ông giữ chức vụ trạm trưởng trạm giao liên đóng quân ở xóm 1, Khe Giang, Quảng Thạch. Trạm của ông có nhiệm vụ nhận quân từ Bắc đưa vào Nam. Trong thời gian chờ hành quân, ông cùng một số dân quân trong làng dẫn bộ đội vào chiến khu Trung Thuần trú ẩn.
 
Do có vai trò quan trọng nên những năm 1968 và 1972, chiến khu Trung Thuần bị máy bay Mỹ bắn phá rất ác liệt. Bộ đội địa phương và người dân hy sinh rất nhiều, tuy nhiên, với ý chí quật cường, điều đó vẫn không làm lung lay tinh thần cách mạng của quân và dân nơi đây. Với đóng góp quan trọng của mình, năm 1971, chiến khu Trung Thuần vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm và tổng kết chiến thắng Đường 9-Nam Lào.
 
Đổi thay vùng chiến khu xưa
 
Con người chiến khu Trung Thuần xưa anh hùng, quả cảm bao nhiêu thì thời bình họ lại cần cù, chịu khó và yêu lao động bấy nhiêu. Chỉ tay về thung lũng bạt ngàn màu xanh của những đồi keo, tràm, thông và tiêu, ông Trần Ngọc Vỹ vui mừng nói: “Trung Thuần giờ không còn là chiến khu với những bom đạn, hầm trú như ngày xưa nữa. Trung Thuần giờ đã thay da đổi thịt và hồi sinh từng ngày”. 
 
Diện tích 11 hecta nằm trọn trong chiến khu Trung Thuần là trang trại kinh tế đang trong thời kỳ thu hoạch của vợ chồng ông Vỹ. Ông cho hay, sau khi về hưu được bố mẹ giao lại cho toàn bộ diện tích khai hoang trước đây, vợ chồng ông đã mạnh dạn cải tạo trồng tiêu, bạch đàn, keo tràm và thông.
 
Sau mấy chục năm cần cù chăm bón, hiện nay, 700 gốc tiêu của gia đình ông đã cho thu hoạch; 3,8 hecta thông cũng bắt đầu đưa vào khai thác nhựa. Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu nhập từ trang trại trên 160 triệu đồng. Không chỉ gia đình ông mà hàng chục hộ dân khác cũng lên đây khai hoang và phát triển những mô hình trang trại kinh tế.
 
Ông Phan Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch vui mừng chia sẻ, Quảng Thạch trước đây là địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng, những năm gần đây, nhờ các chương trình dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, như: SRDP,các nguồn vốn vay hỗ trợ người dân của Ngân hàng Chính sách- Xã hội, quỹ tín dụng địa phương..., đã tạo điều kiện cho người dân mở rộng kinh doanh buôn bán và đầu tư phát triển các mô hinh kinh tế trang trại, gia trại. Từ địa phương nghèo, đến nay, Quảng Thạch đang dần thoát nghèo và phát triển đi lên.
 
Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,82% (từ 21,3% xuống còn 14,48%); hộ cận nghèo giảm 9,17% (từ 30,3% xuống còn 20,8%). Dù tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, tuy nhiên, với những gì người dân Quảng Thạch đang từng ngày nỗ lực phấn đấu, tin chắc rằng trong tương lai sẽ có một Quảng Thạch nói chung và Trung Thuần nói riêng trù phú và giàu đẹp để viết tiếp truyền thống vẻ vang của một chiến khu cách mạng.
 
Đoàn Nguyệt
 
 
 
 
,