.

Hành trình "mở đất"…

.
22:30, Chủ Nhật, 28/04/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Gần 60 năm qua, hành trình biến đất cằn thành những cánh rừng cao su bạt ngàn trên vùng đất Lệ Ninh (huyện Lệ Thủy) hôm nay, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân, lao động địa phương là một hành trình đi “mở đất” đầy cam go, thử thách…
 
1. Gần 35 năm cống hiến sức trẻ, trí lực cho vùng đất Lệ Ninh anh hùng đã không làm ông Hoàng Văn Hòe, cán bộ lão thành Công ty CP Lệ Ninh đã nghỉ hưu, nay là Bí thư Chi bộ tổ dân phố 2b tiếc nuối.
 
Trong một buổi chiều đầy nắng, ngồi cùng ông tại ngôi nhà khang trang sát đường Hồ Chí Minh ở thị trấn Nông trường Lệ Ninh, tôi và ông đã cùng nhau ôn lại những quá khứ hào hùng của hành trình gần 60 năm “mở đất” nơi đây.
Ông Hoàng Sỹ Quân đang kiểm tra rừng cao su đang khai thác của mình.
Ông Hoàng Sỹ Quân đang kiểm tra rừng cao su đang khai thác của mình.
Ông Hòe kể, ngày 24-12-1960, Nông trường quốc doanh Lệ Ninh được thành lập, với 36 tập đoàn của Liên đoàn sản xuất miền Nam. Đây là nơi hội tụ những anh chị em là cán bộ, đảng viên, nhân viên, bộ đội, thương, bệnh binh và con em địa phương của hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.
 
Với sự lao động cần cù, sáng tạo, tất cả vì miền Nam ruột thịt, cán bộ, công nhân viên Nông trường Lệ Ninh đã biến mảnh đất này thành một nông trường quốc doanh làm hậu phương vững chắc cho miền Nam đánh Mỹ. Đây là thời kỳ nông trường định hình quy mô sản xuất là cao su, lúa, lạc và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm.
 
Trong khi nông trường đang trên đà phát triển thì đế quốc Mỹ ngày càng leo thang đánh phá miền Bắc. Suốt cuộc chiến, chúng đã tập trung đánh phá vùng đất nông trường, trút xuống đây hàng chục nghìn tấn bom đạn các loại. Hàng trăm cán bộ đã anh dũng ngã xuống và hàng vạn cây cao su, cây đai rừng, gốc tiêu bị thiêu hủy; hàng ngàn con bò, lợn bị giết; các cơ sở sản xuất bị tàn phá nặng nề; hàng chục đơn vị sản xuất toàn nông trường bị san bằng.
 
Mặc dù có hy sinh, mất mát nhưng cán bộ, công nhân viên nông trường vẫn kiên cường bám trụ mảnh đất này với tinh thần mỗi người làm việc bằng hai, với nhiều phong trào thi đua sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, tất cả cho sản xuất để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...
 
Sau khi hòa bình lập lại, Nông trường Lệ Ninh nhanh chóng xây dựng, khôi phục cơ sở vật chất, ổn định sản xuất. Theo yêu cầu nhiệm vụ mới, ông trường Lệ Ninh lại tiễn đưa hàng trăm người, hầu hết là con em miền Nam, có phẩm chất tốt, có trình độ và năng lực vào miền Nam, thành lập 16 bộ khung chủ chốt cho các nông trường phía Nam.
 
Với khẩu hiệu hành động "tất cả vì Tổ quốc, vì ấm no hạnh phúc của công nhân", chỉ trong vòng hơn 10 năm, nông trường đã hồi sinh, màu xanh đã trở lại với vườn cây, ruộng đồng, tiếng búa, tiếng máy đã trở về với nhà xưởng, công trường...
 
2. Tôi và ông Hoàng Sỹ Quân, Chủ tịch Công đoàn đội 2, Công ty CP Lệ Ninh cùng đi về những cánh rừng cao su mà gần 60 năm qua công ty đã gây dựng lên. Là cán bộ trẻ, nhưng đã có gần 20 năm cống hiến cho công ty, Quân tâm sự với tôi rằng, để có những cánh rừng cao su bạt ngàn ấy, công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng mở đường khai phá những vùng đất xa ngái để trồng cao su.
 
Chỉ tay về phía cánh rừng cao su hơn 5 năm tuổi của mình, Quân cho biết: "Những năm 60 của thế kỷ trước, cây cao su đã "đứng chân" trên mảnh đất này. Từ chỗ vài chục ha, nay vùng đất Lệ Ninh này đã tăng lên cả nghìn ha cao su.
 
Trong đợt bão năm 2013, hơn 40% diện tích cây cao su mới trồng của tôi đã bị gió bão đánh bật gốc. Nhìn cơ ngơi của mình đổ mồ hôi xây dựng trong một đêm bay theo gió bão, tôi rất xót. Nhưng không nản chí, tôi tập trung nhân lực, vật lực, tiền bạc để dựng dậy hoàn toàn số diện tích cây cao su bị gió bão đánh bật ấy. Bây giờ, cũng hơn 5 năm rồi, lứa cao su ấy đã bắt đầu cho những giọt mủ đầu tiên…".
 
Theo chia sẻ của Quân, ngoài hỗ trợ công chăm sóc hàng tháng, trong 2 năm đầu thu hoạch bói, công ty còn hỗ trợ cả giá thu mua mủ cao su nên gia đình anh đỡ vất vả hơn với nguồn thu nhập từ cây cao su.
 
“Gần 60 đoàn viên công đoàn của đội 2, mỗi đoàn viên ít nhất được nhận chăm sóc hơn 3ha cao su, thu nhập cũng gần 4 triệu đồng/tháng, cuộc sống như vậy là khá ổn định so với trước đây. Nhưng nếu bây giờ, giá mủ cao su tăng thêm một chút nữa thì đời sống anh em trong đơn vị sẽ vơi bớt vất vả…”, Quân bộc bạch khi chia tay tôi.
 
3. Đến bây giờ khi nghĩ về những năm tháng qua, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch Công ty CP Lệ Ninh-là thế hệ thứ 2 trên mảnh đất Lệ Ninh anh hùng, vẫn không giấu được sự bồi hồi, xúc động. Đã từng "ăn dầm, nằm dề" với cây cao su trong suốt chặng đường dài, trải qua nhiều biến cố cùng công ty, hơn ai hết, ông Sơn hiểu về vùng đất Lệ Ninh này. Với ông, niềm hạnh phúc lớn nhất chính là Lệ Ninh đã thực sự đổi thay từng ngày.
Sản xuất, chế biến gỗ dăm là mô hình chuyển đổi hiệu quả của Công ty CP Lệ Ninh.
Sản xuất, chế biến gỗ dăm là mô hình chuyển đổi hiệu quả của Công ty CP Lệ Ninh.
Gần 60 năm “mở đất” trên vùng đất khó này, bây giờ, công ty đã vững mạnh hơn. Đó là mồ hôi, công sức, trí tuệ của biết bao cán bộ, công nhân viên đã bỏ ra. "Với chủ trương phát triển cây cao su theo hướng bền vững, Công ty CP Lệ Ninh đã rà soát, quy hoạch diện tích đất trồng.
 
Bên cạnh đó, tại các vùng quy hoạch, công ty đã đầu tư làm đường giao thông, hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật để trồng xen canh các loại cây ngắn ngày và cho công nhân vay vốn mua trâu, bò phát triển chăn nuôi, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập…
 
Trước đây, công ty sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề, con gì cũng nuôi, cây gì cũng trồng, nhưng hiện nay, công ty đã rà soát lại, giải thể, chuyển đổi nhiều ngành nghề kinh doanh kém hiệu quả, như: chăn nuôi lợn, thức ăn gia súc…, tập trung vào các ngành nghề thế mạnh theo nhu cầu của thị trường, như: sản xuất tinh dầu sả, gỗ dăm…
 
Tuy nhiên, cao su vẫn là cây trồng chủ lực của công ty. Hiện nay, công ty có gần 1.000ha cao su kiến thiết cơ bản, 400ha cao su đang khai thác. Năm 2019, công ty phấn đấu đạt doanh thu hơn 90 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 5 tỷ đồng, thu nhập của cán bộ, công nhân viên từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng…”, ông Sơn nói.  
 
Vượt lên khó khăn sau cổ phần hóa, như: chế độ chính sách, vốn vay, nhân lực, thiên tai…, Công ty CP Lệ Ninh tiếp tục năng động, sáng tạo vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước vào tình hình thực tế của đơn vị, bám sát tâm tư, nguyện vọng của người lao động để lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ chế quản lý phù hợp trong giai đoạn mới…
 
                                                                         Ngọc Hải
,