.

Cho thành phố thêm xanh

.
08:58, Chủ Nhật, 03/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Như rất nhiều những người trẻ ở thành phố Đồng Hới, Phạm Thị Thanh Thủy chỉ từng nghe kể rằng, trước chiến tranh chống Mỹ, Đồng Hới trồng nhiều hoa hồng nên được gọi tên là thị xã Hoa Hồng. Sinh ra và lớn lên ở thị xã Hoa Hồng- giờ là thành phố trẻ duyên dáng và lãng mạn, Thủy đang cùng đồng nghiệp của mình biến giấc mơ về thành phố Hoa Hồng thành hiện thực. Và không chỉ có hoa hồng, thành phố đang từng ngày xanh hơn với nhiều loại cây mới lạ!

Chuyện của thành phố Hoa Hồng

Có không ít cư dân Đồng Hới hiểu về nguồn gốc tên gọi thành phố như Phạm Thị Thanh Thủy, kỹ sư lâm nghiệp (sinh năm 1981), đội phó Đội vườn ươm thuộc Trung tâm công viên cây xanh Đồng Hới.

Sò đo cam rực rỡ trên đường Nguyễn Du.
Sò đo cam rực rỡ trên đường Nguyễn Du.

Tôi cũng có gần 30 năm gắn bó với Đồng Hới, yêu say đắm làng hoa Đồng Phú muôn hồng ngàn tía, nơi bất cứ một ngôi nhà nào, dù bé nhỏ, đều dành một khoảnh sân để trồng hoa và dĩ nhiên không thể thiếu hoa hồng. Mẹ tôi, người gắn bó với Đồng Hới những năm 60 của thế kỷ trước, cũng kể về những con đường thị xã được trồng hoa hồng với vẻ đẹp bình yên và lãng mạn.

Sau này, tôi biết thêm về nguồn gốc tên gọi của thành phố, đó là câu chuyện về những bông hoa hồng được nhân viên nhà khách giao tế ở Đức Ninh cắm hàng ngày để đón khách. Nhiều vị khách nước ngoài, trong đó có các nhà văn, nhà thơ đến đây, được ngắm hoa hồng khoe sắc giữa những ngày chiến tranh ác liệt, đã dâng trào cảm hứng và gọi tên Đồng Hới là thị xã Hoa Hồng.

Chuyện nguồn gốc tên gọi thành phố Hoa Hồng dẫu vẫn còn những tranh cãi, nhưng có một thực tế rằng, thành phố hoa hồng trong ký ức đã thực sự hồi sinh. Giáp Tết, những tuyến đường chính của thành phố bạt ngàn hoa hồng đua nhau khoe sắc. Không chỉ thu hút sự chú ý của du khách, mà những người Quảng Bình xa quê, ngày trở lại, đã vô cùng ngỡ ngàng khi thành phố ngập tràn sắc hoa hồng.

Để có được diện mạo thành phố hôm nay, đội ngũ cán bộ nhân viên Trung tâm công viên cây xanh Đồng Hới đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo. Riêng về hoa hồng bản địa (hoa hường), năm 2015, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ điều chỉnh thời gian ra hoa và sản xuất giống cây hoa hường trên địa bàn thành phố Đồng Hới” do Nguyễn Thị Thuyên, thạc sĩ lâm học, đội trưởng Đội vườn ươm làm chủ nhiệm với sự tham gia của kỹ sư lâm nghiệp Phạm Thị Thanh Thủy đã được hoàn thành. Hoa hường tên khoa học là Miniature Rose được du nhập vào nước ta và lai tạo qua nhiều thế hệ.

Trước đó, cán bộ, nhân viên vườn ươm đã tìm kiếm, thu thập cây giống trên địa bàn, tiến hành ươm và phát triển hàng chục nghìn cây giống. “Là giống cây bản địa, thích nghi với thời tiết, khí hậu, đất đai địa phương nên hoa hường phát triển rất tốt tại Quảng Bình.

Vì vậy, những năm gần đây, nhiều tình, thành phố trong cả nước, như: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh…, đã đặt mua với hàng chục nghìn cây một đơn hàng. Có những thời điểm vườn ươm chúng tôi làm việc hết công suất vẫn không cung cấp đủ theo yêu cầu!”, thạc sĩ Nguyễn Thị Thuyên cho biết thêm.

Trước đó, với giấc mơ hồi sinh thành phố Hoa Hồng, đơn vị cũng đã trồng thử nghiệm một số loại hoa hồng khác nhưng không thành công. Cho đến khi giống hoa hồng bản địa được ươm trồng, thành phố đã mang một diện mạo mới. Không chỉ phát triển trên quê hương mình, hoa hồng bản địa còn vươn xa ra nhiều vùng đất mới.

Thành phố xanh

Với gần 80 chủng loại cây đang được ươm giống, Trung tâm công viên cây xanh Đồng Hới đã và đang cung cấp cho Quảng Bình và nhiều địa phương lân cận các giống cây mới. Dọc tuyến đường Nguyễn Du, Quách Xuân Kỳ, Lê Thành Đồng, Trương Pháp, vài năm gần đây, cây sò đo cam, một loài cây mới đã được trồng và bắt đầu ra hoa. Hoa màu cam rực rỡ, cây nhanh phát triển đã và đang làm đẹp thêm những tuyến phố này.

Một góc thành phố Hoa Hồng.
Một góc thành phố Hoa Hồng.

Trước một số thông tin về việc cây sò đo cam là loại cây xâm thực, có độc, khuyến cáo không nên phát triển, Trung tâm đã ươm trồng, nghiên cứu, theo dõi và cập nhật các tài liệu liên quan, trong đó có ý kiến của các giáo sư ngành Lâm nghiệp, cho thấy đây không phải là loài cây độc và xâm thực.

Tại một số quốc gia trên thế giới, vỏ và lá cây sò đo cam còn được nghiên cứu làm thuốc chữa bệnh. Sau gần 5 năm đưa vào trồng, cùng với nhiều cây xanh khác, sò đo cam đã và đang mang lại sắc màu tươi mới cho thành phố trẻ.

Cùng với hoa hồng truyền thống, các loại cây, như: ngọc lan, osaka hoa đỏ, hoa giấy, bàng Đài Loan…, là những giống cây phổ biến đang được ươm tại vườn, phục vụ cho nhu cầu phát triển của thành phố Đồng Hới nói riêng, Quảng Bình nói chung trong tương lai. Bên cạnh đó, hàng chục loài hoa, như: thược dược, lay ơn, cúc, ngọc thảo, hoàng anh…, cũng được chuẩn bị sẵn sàng để làm đẹp phố phường và đáp ứng nhu cầu của các đơn vị, cá nhân.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Đồng Hới, có hơn 15 năm gắn bó với nghề tại Trung tâm công viên cây xanh Đồng Hới, kỹ sư lâm nghiệp Phạm Thị Thanh Thuỷ không giấu được niềm vui và tự hào khi trò chuyện về công việc của mình, về giống hoa hồng bản địa đang phát triển rực rỡ, về hình ảnh thành phố trong tương lai với nhiều loài cây cảnh quý hiếm sẽ được ươm trồng.

Sự tìm tòi, sáng tạo và những nỗ lực lặng thầm của cán bộ, nhân viên Trung tâm công viên cây xanh Đồng Hới đã và đang góp phần hồi sinh thành phố Hoa Hồng và mang lại màu xanh cho thành phố trẻ trên hành trình mới.

Ngọc Mai

 

,