.

Ấn tượng lễ hội chùa Hoằng Phúc

.
07:03, Thứ Sáu, 01/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Cứ mỗi dịp xuân về, người dân khắp nơi lại náo nức đến chùa Hoằng Phúc ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy), ngôi chùa cổ nhất miền Trung để trẩy hội. Đây là lần thứ 4 lễ hội di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc được tổ chức và đã mang đến cho du khách những ấn tượng tốt đẹp.

Chùa Hoằng Phúc được xây dựng cách đây hơn 700 năm. Theo các tài liệu ghi lại, năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đến thăm chùa, cầu phúc đức cho nhân dân. Lúc đó, chùa có tên là Am Tri Kiến. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu đặt lại tên chùa là Kính Thiên. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần đã ghé lại chùa và đổi tên thành Hoằng Phúc tự.

Lễ rước nước từ vực An Sinh về chùa Hoằng Phúc.
Lễ rước nước từ vực An Sinh về chùa Hoằng Phúc.

Trải qua nhiều tác động của thời gian cùng chiến tranh, thiên tai, chùa bị tàn phá, hư hại. Cuối năm 2014, chùa Hoằng Phúc được phục dựng, tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên trạng chùa cũ theo lối chùa cổ thời nhà Trần và được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trao bằng chứng nhận di tích lịch sử quốc gia.

Sau khi khánh hạ, chùa Hoằng Phúc trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của đông đảo phật tử và du khách. Nhiều hoạt động phật sự được tổ chức thường niên như các lớp học đạo đức và kỹ năng sống cho một bộ phận người dân, phật tử, tạo nên những nét văn hóa mới trong đối nhân xử thế.

Những giá trị hướng thiện không chỉ phát huy tác dụng trong hàng ngũ tín đồ mà còn ảnh hưởng rộng rãi trong đời sống nhân dân, góp phần hình thành nên những quan niệm sống giàu tính nhân văn. Ngôi chùa này cũng là điểm đến tâm linh của các du khách khi đến với Lệ Thủy.

Theo đánh giá của ban tổ chức cũng như du khách, lễ hội chùa Hoằng Phúc năm nay đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Anh Mai Văn Nam, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với lễ hội di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc năm nay.

Có thể thấy, lễ hội đã diễn ra rất thành công. Bởi khâu tổ chức hết sức chu đáo, bài bản. Phần lễ thể hiện được sự trang trọng, giá trị văn hóa của người dân Quảng Bình nói chung và người dân Lệ Thủy nói riêng. Phần phát lộc diễn ra rất trật tự, tôn nghiêm chứ không có hiện tượng tranh cướp như một số ngôi chùa mà tôi từng đến”.

Thầy Thích Khải Đạo, Giám tự chùa Hoằng Phúc chia sẻ: “Nghi lễ phóng sinh của lễ hội đã được thực hiện ngày 14 tháng giêng. Lễ này diễn ra ở mũi Viết, thể hiện tâm từ bi của đạo Phật đối với chúng sinh.

Trong lễ, chùa đã thả được 7 tạ cá trê, cá diếc và lươn. Những ngày diễn ra lễ hội (ngày 19 và 20 tháng giêng) còn có lễ rước nước tắm Phật. Để chuẩn bị cho lễ này, từ 0 giờ ngày 19 tháng giêng, lãnh đạo huyện cùng quý thầy chùa Hoằng Phúc lên vực An Sinh (xã Văn Thủy) làm lễ giữa dòng sông, lấy nước cho vào hai chum đem lên đặt ở miếu Bà.

Đến 7 giờ sáng cùng ngày, ban tổ chức bố trí một chiếc thuyền hoa lớn cùng hàng chục thuyền hoa nhỏ đi từ mũi Viết lên vực An Sinh thỉnh 2 chum nước về làm lễ tắm Phật tại chùa. Lễ đã tôn vinh nền văn minh sông nước của người dân Lệ Thủy, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm”.

Trong các chuỗi hoạt động của lễ hội di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc còn có lễ cúng quốc tổ từ đời vua Hùng qua các triều đại cho đến ngày hôm nay rất ấn tượng. Lễ này nhằm giúp hậu thế nhớ về những người đã có công dựng nước và giữ nước, nhắc nhở mọi người biết trân trọng những giá trị lịch sử mà cha ông đã để lại.

Trong phần lễ phát lộc, nhà chùa phát gần 10.000 túi lộc cho đại biểu và nhân dân. Trong túi lộc này có một cái ấn và 5 loại hạt tượng trưng cho sự may mắn và no đủ của chúng sinh. Sau khi phát lộc xong, nhà chùa tiến hành lễ thả hoa đăng trên sông Kiến Giang. Trong không khí trang nghiêm, các quý thầy chùa cùng người dân đã cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất cho bản thân, gia đình và những người xung quanh…

Tại lễ hội chùa Hoằng Phúc năm nay, tuổi trẻ huyện Lệ Thủy cũng đã để lại những ấn tượng tốt đẹp qua nhiều hoạt động thiết thực trước, trong và sau lễ hội. Anh Dương Văn Bình, Bí thư Huyện đoàn Lệ Thủy cho hay: “Trong dịp này, Huyện đoàn đã huy động trên 600 lượt thanh niên tình nguyện phục vụ và hỗ trợ các hoạt động tại lễ hội, như: phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông tại lễ rước nước, lễ phát lộc; tham gia vệ sinh môi trường, thu gom rác thải dọc tuyến đường dài 5 km từ trung tâm huyện đến chùa Hoằng Phúc với tinh thần “Vì lễ hội xanh-sạch-đẹp”.

Đông đảo khách du lịch đến với lễ hội di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc.
Đông đảo khách du lịch đến với lễ hội di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã tổ chức “Ngày hội trò chơi dân gian” thu hút hàng trăm lượt du khách và nhân dân đến vui chơi, trải nghiệm; tổ chức chương trình “Hành trình về nguồn”, tham quan, giới thiệu cho 300 sinh viên các trường đại học trên cả nước đến các địa điểm du lịch của huyện nhà...".

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: “So với năm trước, lễ hội năm nay được tổ chức chu đáo, chất lượng, bài bản hơn. Các phần lễ, hội cũng đã được đổi mới nhiều. Công tác an ninh được bảo đảm an toàn”.

Những hoạt động mang tính văn hóa truyền thống, tâm linh đầy ý nghĩa đã tạo nên nét đặc sắc riêng của lễ hội di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc năm 2019. Lễ hội này cùng với lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang vào dịp Quốc khánh 2-9 hàng năm sẽ là những điểm nhấn sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân huyện Lệ Thủy, góp phần thúc đẩy hoạt động văn hóa, du lịch tâm linh trên địa bàn. Thành công, ấn tượng của lễ hội di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc năm nay sẽ là cơ sở để huyện tổ chức lễ hội thành công hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Xuân Vương


 

,