.

Dự cảm về một tuyến du lịch thuyền buồm

.
09:58, Chủ Nhật, 10/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - “Từ cửa sông Nhật Lệ, mời anh về thăm quê...” là dự cảm về một tuyến du lịch thuyền buồm trên sông Nhật Lệ, ngược lên Kiến giang. Thử hình dung, một buổi sáng đẹp trời, từ bến thuyền bên cửa sông ở thành phố Đồng Hới, ca khúc “Lời cô gái Lệ Ninh” vang lên gọi mời, vẽ ra hành trình ngược sông như thế nào!
 
Thuyền căng buồm ngược sông. Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu hành trình, lịch sử vùng đất, nước, cửa sông Nhật Lệ với những sự kiện ấn tượng từ khi châu Địa Lý (bao gồm Đồng Hới-Quảng Ninh-Lệ Thủy) trở về với Đại Việt vào các năm 1069-1075, khi Lý Thường Kiệt nam chinh bắt sống vua Chăm Chế Củ, rồi sau đó vẽ bản đồ 3 châu Bố Chinh, Địa Lý và Ma Linh. Thuyền ngược sông Nhật Lệ trong tiếng thơ ngâm hay đọc trên nền nhạc.
 
Đó là các bài thơ chữ Hán trong vốn thơ cổ về con sông và vùng đất này có lời dẫn, lời bình của các nhà văn, nhà sử học (ghi sẵn trên băng, đĩa), như: “Nhật Lệ hải tấn” (Cửa biển Nhật Lệ) của Lê Thánh Tông sáng tác khoảng năm 1470, “Đáo Động Hải doanh” (Đến dinh Động Hải) của Phan Huy Ích, “Nhật Lệ hải môn dạ phiến” (Thuyền đến cửa Nhật Lệ ban đêm) của Ngô Thì Nhậm...
 
Lên nữa, thuyền đến Quán Hàu, có thể ghé bến thăm di tích lịch sử cấp quốc gia bến phà Quán Hàu, có từ thời Pháp thuộc, là điểm lưu chuyển hàng chục vạn tấn quân cụ, nhu yếu phẩm cho chiến trường miền Nam dưới tầm hỏa lực hủy diệt của không quân và hải quân Hoa Kỳ. Du khách lên thuyền nghe giới thiệu về huyền tích “Văn La long đáo địa”, quê hương của danh thần triều Nguyễn-Hoàng Kế Viêm, tác giả của 2 trận Cầu Giấy lừng danh cuối thế kỷ 19.
 
Từ Quán Hàu, thuyền chuyển hướng từ bắc-nam sang đông-tây. Trước mặt là dãy Khai Trướng sơn (Giăng Màn-Trường Sơn) hùng vĩ mà trăm ngọn đều chầu về phương Bắc, về Thăng Long.
 
Chỉ riêng một ngọn núi chầu lạc hướng. Có lẽ, cũng chính từ điểm nhìn từ Quán Hàu vào năm 1470 khi dừng hạm đội tập trận trên sông Nhật Lệ mà vua Lê Thánh Tông đã phát hiện điều này, sai lực sĩ đánh 300 roi (tượng trưng) vào núi và gắn cho cái tên “Bất Nghĩa sơn”.
 
Nhưng, chỉ 80 năm sau đó (1555), tiến sĩ Dương Văn An đã dành cho núi Thần Đinh (Bất Nghĩa sơn) một sự tôn vinh hào sảng: “... Thần Đinh tốt luật thế bình thôn tứ bách chi châu”. Núi thiêng, cõi Phật!
Lễ hội thuyền buồm trên sông Nhật Lệ. Ảnh: T. Hành
Lễ hội thuyền buồm trên sông Nhật Lệ. Ảnh: T. Hành
Lịch sử hình thành và những huyền tích về ngôi chùa cổ trên đỉnh núi gắn với võ công của đại gia tộc Nguyễn Hữu là những trang nghiên cứu hấp dẫn du khách ưa khám phá, tìm hiểu.
 
Ngã ba Trần Xá, nơi hợp thủy giữa 2 chi lưu Long Đại (Nguồn Côộc) và Kiến Giang (Nguồn Trạm). Nguồn Cộộc là nguồn dưới, gốc (cộộc, tiếng Việt cổ là gốc). Trạm thành tên sông vì thượng nguồn thời chúa Nguyễn đặt trạm kiểm soát và thu thuế ở gần chùa Hoằng Phúc ngày nay. Thuyền bẻ lái rẽ theo hướng Kiến Giang, vượt qua cầu Trung Quán, tiếp cận phá Hạc Hải, nơi dấu tích con sông Bình Giang thời trung cổ còn hiển hiện rất rõ.
 
Sông Bình Giang, trong sách “Ô Châu cận lục” giữa thế kỷ 16 của Dương Văn An được miêu tả rất kỹ: “Vị nước bình đạm uống vào không biết chán...”. Vậy mà, bây giờ, từ Mỹ Trung xuống đến Quán Hàu, chạy dọc quốc lộ 1A là hình hài một... “tử giang”- dòng sông chết.
 
Điều gì đã khiến Bình Giang đổi dòng chảy ngược lên phía tây để nhập với Đại Giang (Long Đại) ở Trần Xá vẫn còn là một bí ẩn của biến thiên lịch sử. Như thể, cách nay chưa lâu, một cơn lũ lớn đã lấp hẳn một cửa biển ở hạ nguồn sông Hương, lại mở ra một cửa biển khác vậy...
                                         *
Thuyền đi vào lòng phá Hạc Hải: “Thuyền ta qua Hạc Hải, nghe tôm cá rì rào..." (Lời cô gái Lệ Ninh - Trần Hoàn). Hạc Hải là biển cạn “mênh mông vạn khoảnh, leo lẻo dòng trong...” (Dương Văn An), “... Nước từ nguồn An Sinh, Cẩm Lý đổ về trăm dòng tụ lại gọi là Hạc Hải.
 
Phía đông bắc là động cát trùng điệp, phía tây nam bức núi chắn ngang, biển lớn muôn khoảnh mênh mông...” (Phủ biên tạp lục-Lê Quý Đôn). Nếu như Thừa Thiên-Huế có “núi Ngự - sông Hương”, Quảng Trị có “núi Mai-sông Hãn” thì Quảng Bình có “non Mâu - bể Hạc” là những cặp đôi biểu tượng địa văn hóa trong dải đất hẹp Bình-Trị-Thiên.
 
Ven phá Hạc Hải là quê hương của 2 vị tướng nổi danh trong 2 thời kỳ: Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người công định vị hình hài đất Việt vào tận chót mũi Nam Bộ vào cuối thế kỷ 17 và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đánh bại 2 đế quốc sừng sỏ hàng đầu thế giới, giữ yên bờ cõi độc lập dân tộc.
 
Thuyền qua hết phá Hạc Hải là dừng ngay lại để du khách lên thăm từ đường tổ phụ Đại tướng ở làng An Xá, hữu ngạn Kiến Giang. Từ đây thuyền ngược dòng một nhánh sông nhỏ mà nghi thức bơi thuyền cầu đảo trong lịch sử đã được chuyển sang lễ hội bơi thuyền mừng Tết Độc lập. Những hình ảnh trong phim tài liệu về một cung đường bơi gần 25km với sự tham gia của hàng chục thuyền bơi sẽ làm nức lòng du khách đang ngự tọa trên thuyền.
 
Và cũng từ đây, các ca nương, ca công của Di sản văn hóa phi vật thể hò khoan Lệ Thủy xuống thuyền phục vụ du khách, trên cung đường thủy tiếp nối lên đến Mỹ Thủy ghé thuyền cho du khách lên chùa Hoằng Phúc lễ Phật. Chùa Hoằng Phúc với hơn 700 tuổi, ghi dấu Thượng hoàng Trần Nhân Tông vào năm 1301 trên đường sang Chiêm Thành du ngoạn bang giao đã dừng lại thuyết pháp khi còn là “am Tri Kiến”.
 
Chuyến đi gần nửa năm của vị Thượng hoàng một vương triều cực thịnh trong lịch sử đã để lại một ngôi chùa như một trung tâm Phật giáo của phía nam Quảng Bình, một cuộc hôn nhân chính trị đưa lại cho Đại Việt thêm một dải đất “nghìn dặm” từ nam Quảng Trị vào đến bắc Quảng Nam:
 
Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm
Một gái Huyền Trân của mấy mươi!
 
Nếu du khách tò mò ngược dòng một quãng nữa, sẽ gặp một tòa núi chắn ngang sông gọi là An Sinh, trên đỉnh có đền thờ Cao Biền, một thuật sỹ từ thời Đông Hán. Mà thôi, dừng lại ở cõi Phật là vừa một tour du lịch cho thuyền buồm ngược dòng Nhật Lệ- Kiến Giang.
 
*
Đọc đến đây, hẳn có bạn sẽ nghĩ rằng, ý tưởng của tôi phiêu lưu chăng? Có gì phiêu lưu, lãng mạn đâu! Thời thơ ấu, hàng ngày, chúng tôi vẫn thường thấy ghe gọ từ Đồng Hới căng buồm ngược dòng lên ghé các bến ở 2 bờ Kiến Giang trao đổi hàng hóa, sản vật mà! Mỗi lần thuyền buồm dừng lại ở bến nào là nơi đó thành một cái chợ nhỏ.
 
Rồi khi quay lái trở về, thuyền chở theo vài mươi hành khách về Đồng Hới để thuận đường đi xa hơn. Và nữa, hãy hình dung, cũng giống như thực đơn, khi con người đã bão hòa với “nem công chả phượng” lại muốn ẩm thực món ăn dân dã.
 
Thời công nghiệp, phố phường đông đúc, bụi bặm, tiết tấu thị trường cùng tiếng ồn đô thị khiến du khách muốn quay về với phương tiện truyền thống, gợi lại những cảm giác yên ả, thanh bình. Tuyến du lịch thuyền buồm đáp ứng nhu cầu ấy.
 
-  Vậy, nếu trời bỗng nhiên đưng gió thì làm sao?
 
-  Hỏi hay lắm! Thuyền buồm mà không gặp gió...? Thì nó vốn là thuyền máy, lắp thêm buồm. Đừng nói lúc đứng gió, cả khi đã kết thúc hành trình, thì nổ máy, xuôi dòng với tốc độ 40, 50 hải lý kịp về Đồng Hới tắm rửa dùng cơm chiều chứ sao!?
 
Mà cần nhớ, đây mới là... dự cảm.
 
Nguyễn Thế Tường
,