.

Đánh thức một loại hình sản phẩm du lịch độc đáo

.
08:46, Chủ Nhật, 17/02/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Di tích khảo cổ là đối tượng của hoạt động du lịch không những phổ biến ở các nước châu Âu mà đã thành loại hình du lịch đặc thù ở Việt Nam. Những năm gần đây, ở một số tỉnh, thành phố, du lịch khảo cổ bắt đầu phát triển. Quảng Bình có hệ thống di tích khảo cổ học vô cùng phong phú, đa dạng, cần được "đánh thức".

Tiềm năng di sản văn hóa khảo cổ Quảng Bình rất lớn, bao gồm dấu tích văn hóa Hòa Bình, dấu tích văn hóa Bàu Tró và các hiện vật, bảo vật thời đại kim khí. Dấu tích khảo cổ văn hóa Hòa Bình có hang Yên Lạc (thôn Yên Lạc, xã Yên Hóa), hang Kim Bảng (xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa), hang Đức Thi (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh), hang Minh Cầm (xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa)...

Dấu tích văn Bàu Tró (TP. Đồng Hới), hang Rào, Bàu Khê (Bố Trạch), Ba Đồn 1, Ba Đồn 2 (thị xã Ba Đồn), Cồn Nền (Quảng Trạch), Bàu Sen (Lệ Thủy)... Dấu tích văn hóa thời đại kim khí có Khương Hà, Cổ Giang, Thanh Trạch của huyện Bố Trạch, Long Đại (Quảng Ninh), Đá Bàn, Phù Lưu, Trung Thuần của huyện Quảng Trạch…

Tính đến nay, đã có 15 di tích thời tiền sử, sơ sử trên địa bàn tỉnh ta được phát hiện và nghiên cứu. Di tích khảo cổ học Quảng Bình có đủ các nền văn hóa khảo cổ, văn hóa Hòa Bình, Bàu Tró, Đông Sơn, Chăm pa và cả văn hóa Sa Huỳnh... phân bố hầu khắp các địa hình từ hang động, trung du đến đồng bằng ven biển. Các di tích này thường nằm xen kẻ với các loại hình di tích khác, như danh thắng, lịch sử.

Di tích lịch sử Đình Kim Bảng. Ảnh: Tiến Hành
Di tích lịch sử Đình Kim Bảng. Ảnh: Tiến Hành

Theo thống kê của ngành Du lịch, loại trừ một số tỉnh, thành có tài nguyên du lịch khảo cổ nổi trội thì đa phần lượng khách du lịch đến các di tích khảo cổ nói chung vẫn còn khiêm tốn so với nhiều loại hình du lịch khác. Chính vì thế, để phát triển loại hình du lịch này cần lựa chọn những di tích nổi bật, xây dựng thành tour, tuyến  hoàn chỉnh hoặc kết hợp liên kết với các loại hình du lịch khác thành tour du lịch tổng hợp.

Ví như, du khách về Quảng Trạch để đến với ca trù Đông Dương thì không thể bỏ qua di tích khảo cổ Cồn Nền nổi tiếng, để vãn cảnh hồ nước mênh mông trong xanh của đầm Pháp Kệ, chiêm nghiệm về những con người Cồn Nền xưa đã bước vào sơ kỳ thời đại kim khí…

Du khách về nghỉ dưỡng ở khu du lịch Bảo Ninh, bên cạnh tắm biển, tham gia các loại hình du lịch thể thao biển, không thể không không tìm hiểu về một Bàu Tró bên cạnh cửa biển Nhật Lệ.

Bàu Tró nổi tiếng không chỉ là một hồ nằm ngay sát bờ biển, cung cấp nước ngọt cho thành phố Đồng Hới mà còn là một địa điểm khảo cổ học vô cùng quan trọng có niên đại cách ngày nay trên dưới 5.000 năm.

Hệ thống di tích khảo cổ trên địa bàn Quảng Bình cực kỳ phong phú, đa dạng, giàu giá trị nghiên cứu và giá trị du lịch, nhưng vẫn đang ở dạng tiềm năng.  Chúng ta chưa làm được gì nhiều để khơi dậy thế mạnh sản phẩm du lịch độc đáo này; chưa có một quy hoạch tổng thể về bảo tồn, phát huy giá trị của khảo cổ học Quảng Bình; chưa có một cuộc khai quật, nghiên cứu quy mô hoàn chỉnh trong suốt hơn 30 năm nay, kể từ ngày cuối cùng khai quật di chỉ Cồn Nền.

Hiện vật khai quật di chỉ Bàu Tró, di chỉ Cồn Nền và sưu tầm các địa điểm khác đều đang nằm im trong kho Bảo tàng tổng hợp tỉnh. Vì vậy, để huy động mọi nguồn lực của tài nguyên văn hóa vào mục đích phát triển du lịch thì cần phải đánh thức các di tích khảo cổ tiêu biểu, có khả năng khai thác phục vụ du lịch.

Vậy để "đánh thức" du lịch khảo cổ ở Quảng Bình, chúng ta phải làm gì? Trước tiên là, đánh giá khả năng phục vụ du lịch của di tích, lựa chọn những di tích tiêu biểu; tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng cụ thể từng di tích, lập bản đồ khảo cổ học Quảng Bình; xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh nhằm hướng tới phục vụ phát triển du lịch; tiến hành lập hồ sơ xếp hạng di tích làm cơ sở cho việc quản lý, bảo vệ và phát huy với tư cách là một sản phẩm du lịch.

Đối với các di tích văn hóa Hòa Bình ở miền tây Quảng Bình, các hang động xung quanh thị trấn Quy Đạt, như hang Khái, hang Cây Quýt,… cần dựng bia ghi dấu. Đặc biệt, tỉnh cần tổ chức cuộc khai quật lớn, quy mô 2 di tích Bàu Tró và Cồn Nền; cần có những giải pháp, như xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông dẫn tới di tích, xây dựng khu bán hàng lưu niệm, áp dụng một số giải pháp về khai thác phát huy giá trị di tích, xây dựng chương trình quảng bá thương hiệu; chú trọng giải pháp về nguồn lực, hướng dẫn viên du lịch, công tác an ninh trật tự, bảo vệ môi trường di tích...

Các doanh nghiệp lữ hành du lịch khi xây dựng tour, tuyến tham quan cần kết nối với các di tích khảo cổ; xây dựng điểm đến di tích khảo cổ giúp du khách khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích. Tỉnh cần gắn kết việc bảo tồn, phát huy với khai thác du lịch các di tích của văn hóa Bàu Tró nói chung, di tích khảo cổ học Bàu Tró nói riêng trong tổng thể hệ thống di tích lịch sử văn hóa của Đồng Hới.

Đồng thời cần khôi phục di tích khu lò gốm, sành Mỹ Cương (làng Mỹ Cương, TP. Đồng Hới), một làng thủ công truyền thống có nghề nung gốm, sành sớm nhất ở Quảng Bình; tiếp tục hoàn thành hồ sơ xếp hạng di tích còn dang dở để có cơ sở pháp lý đầu tư nguồn lực bảo tồn, khai thác, phát huy thế mạnh, tiềm năng du lịch khảo cổ của di tích này trong sự liên kết các sản phẩm cận kề như khu Giao tế Đức Ninh, chiến khu Thuận Đức… của khu vực trung tâm thành phố Đồng Hới.

Đối với trung tâm du lịch Vũng Chùa-Đảo Yến, chúng ta cần "đánh thức" di chỉ khảo cổ Cồn Nền đang im lìm trong các trảng cát mênh mông của khu vực phía bắc sông Gianh. Di sản văn hóa khảo cổ này được đánh giá là tiêu biểu, là sự kết nối liên tục cuối giai đoạn Bàu Tró để chuyển sang sơ kì thời đại đồng trên đất Quảng Bình.

Để khởi động di sản này nhằm phục vụ du lịch khảo cổ, cần xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích, khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc, khai quật bổ sung, xây dựng nhà trưng bày tại chỗ; xây dựng các hạng mục hỗ trợ để di tích này sớm trở thành sản phẩm du lịch khảo cổ, bên cạnh các di tích khác, như mộ Đại tướng, chiến khu Trung Thuần, làng chiến đấu Cảnh Dương, đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, di tích bến phà Gianh, thắng cảnh Vũng Chùa-Đảo Yến, Đèo Ngang-Hoành Sơn quan...  

Để có thêm nhiều lựa chọn cho những chuyến đi ở phía tây Quảng Bình, ngoài tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hang động, trải nghiệm các loại hình thể thao sông nước, làng sinh thái cộng đồng, du khách có thể được đến với một loại hình du lịch khảo cổ hang động ở khu vực này, đó là hệ thống di tích văn hóa Hòa Bình phân bố trong các hang Yên Lạc, hang Kim Bảng, hang Minh Cầm... Trung tâm du lịch phía tây của tỉnh sẽ đa dạng hơn, nhiều màu sắc hơn nếu các di tích khảo cổ này được "đánh thức...

Để có một chuỗi di tích khảo cổ lôi cuốn du khách, tỉnh ta cần tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng, nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học, tổ chức khai quật một vài di tích hang động, bảo tồn nguyên trạng tại chỗ, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, đầu tư nguồn lực, dựng bia biển, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, liên kết các doanh nghiệp du lịch lữ hành xây dựng tour, tuyến, điểm đến, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của hướng dẫn viên du lịch, đánh thức sản phẩm du lịch khảo cổ, khai thác và phát huy giá trị, góp phần để du lịch Quảng Bình thêm đa sắc màu, hấp dẫn hơn, từng bước khẳng định vị thế của sản phẩm du lịch khảo cổ trong tổng thể du lịch Quảng Bình.

Tạ Đình Hà
 

,