.

Đại tướng trong tim người dân xứ Lệ

.
10:09, Thứ Bảy, 09/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Trước đây, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, cán bộ và nhân dân huyện Lệ Thủy đều ra Hà Nội thăm và chúc Tết Đại tướng. Mỗi lần gặp mặt, Đại tướng đều căn dặn rất nhiều điều, nhất là việc phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, đoàn kết trong Đảng… Khắc sâu những lời căn dặn đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lệ Thủy đã vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp như Đại tướng mong muốn.
 
Ông Võ Xuân Bình, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lệ Thủy mở đầu câu chuyện đầy xúc động: “Mỗi lần cán bộ và nhân dân Lệ Thủy ra thăm Tết, Đại tướng thường căn dặn, huyện Lệ Thuỷ giàu tiềm năng, nhưng vẫn là một huyện nghèo, lãnh đạo huyện cần có trách nhiệm làm cho cán bộ, đảng viên, người dân tin tưởng vào mình, chung tay góp sức xây dựng quê hương.
 
Thực hiện lời căn dặn đó, huyện Lệ Thuỷ đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên về mọi mặt. Kinh tế của huyện tăng trưởng ở mức cao. Nhiều vùng đã phát huy lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, liên kết phục vụ nông nghiệp, xây dựng các mô hình vườn đồi, vườn rừng, trang trại, mở rộng phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi...".
 
Trong một lần nói chuyện với cán bộ huyện, Đại tướng gợi ý, muốn giàu lên thì phải phát triển vùng gò đồi. Từ gợi ý này, huyện đã có chủ trương di dân về phía Tây, giao đất, giao rừng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân phát triển kinh tế.
 
Đến nay, vùng gò đồi đã trở nên trù phú, không những mang lại ấm no cho bà con mà nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu từ những mô hình kinh tế. Năm 2018, toàn huyện trồng được khoảng 1.600 ha rừng tập trung, chăm sóc trên 12.000 ha ở vùng gò đồi. Sản lượng gỗ khai thác đến cuối năm ước đạt 106.000 m3,bằng 138,4% so với  cùng kỳ.
 
Nhiều nơi trồng cao su kém hiệu quả được chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao, qua đó, đưa kinh tế vùng gò đồi trở thành nền kinh tế chủ lực của huyện. 
Đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và huyện Lệ Thủy chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng trong chuyến thăm và chúc Tết Đại tướng năm 2006.
Đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và huyện Lệ Thủy chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng trong chuyến thăm và chúc Tết Đại tướng năm 2006.
Anh Hồ A Lai, xã Kim Thủy chia sẻ: “Ở vùng gò đồi nên xã có đất đai rộng lớn, màu mỡ, lại khá bằng phẳng, thuận lợi cho việc trồng rừng và phát triển chăn nuôi”. Tận dụng lợi thế này, anh đã mạnh dạn làm trang trại vườn-ao-chuồng-rừng trên điện tích đất 50 ha.
 
Đến nay, anh đã bán hàng chục lứa rừng, hàng trăm con trâu bò, hàng chục tạ cá…, mang về nguồn thu bình quân mỗi năm trên 600 triệu đồng. Và Lệ Thủy còn nhiều anh Hồ A Lai như thế!
 
Khi biết có bà con trong huyện dùng nước sông Kiến Giang để sinh hoạt, Đại tướng tỏ ý không vui rồi căn dặn cán bộ địa phương cần có biện pháp xử lý nước hợp vệ sinh. Thực hiện lời căn dặn đó, huyện Lệ Thủy đã nỗ lực kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch. Đến nay, tỷ lệ sử dụng nước sạch toàn huyện đạt 98,35%, trong đó các xã vùng giữa và thị trấn Kiến Giang đã có nước sạch.
 
Cán bộ huyện Lệ Thủy ra thăm Đại tướng trong dịp Tết thường tặng ông những món quà của địa phương. Trong đó, Đại tướng rất thích những lọ dầu tràm và mong muốn người dân trong huyện tiếp tục sản xuất, sớm đưa loại tinh dầu này trở thành hàng hóa, mang lại thu nhập cao cho người dân. Dầu tràm có thể sử dụng cho cả người lớn, trẻ em và phụ nữ mang thai trong việc giữ ấm cơ thể, phòng tránh muỗi, côn trùng cắn, trị ho... 
Vùng gò đồi huyện Lệ Thủy ngày càng phát triển theo lời căn dặn của Đại tướng.
Vùng gò đồi huyện Lệ Thủy ngày càng phát triển theo lời căn dặn của Đại tướng.
Nghe theo Đại tướng, lãnh đạo huyện Lệ Thủy đã tạo kiện để người dân trồng, sản xuất dầu tràm. Ông Trần Đức Phong, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết: “Để phát triển nghề dầu tràm, xã tích cực vận động người dân lấy giống tràm tự nhiên về trồng để làm nguyên liệu, đăng ký dầu tràm làm sản phẩm đặc thù của xã nông thôn mới”.
 
Chị Nguyễn Thị Vượng, một người chuyên sản xuất dầu tràm lâu năm ở thôn Minh Tiến chia sẻ: “Nghề chưng cất dầu tràm tuy vất vả nhưng gia đình tôi có thu nhập ổn định, lại giữ được nghề truyền thống cũng như làm theo tâm nguyện của Đại tướng”…
 
Ông Võ Xuân Bình kể tiếp: “Có dịp Tết, cán bộ huyện, xã cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh ra Hà Nội thăm Đại tướng. Lúc chuẩn bị về, những cán bộ ở huyện Lệ Thủy xin chụp một bức ảnh chung với Đại tướng. Trước khi chụp ảnh, Đại tướng có dặn, tránh cục bộ địa phương, cán bộ, nhân dân ở đâu trên đất nước cũng là anh em một nhà, cần phải đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau cho sự phát triển chung của đất nước”.
 
Khắc sâu lời dạy của Đại tướng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà luôn đoàn kết một lòng vì sự phát triển của quê hương.Về công tác tổ chức xây dựng Đảng, huyện tiếp tục quan tâm chỉ đạo sắp xếp, củng cố mô hình tổ chức cơ sở đảng phù hợp với tình hình thực tế của các đơn vị, cơ sở".
 
Đồng chí Lê Văn Bảo, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy chia sẻ: “Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, huyện Lệ Thủy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh”. Dù Đại tướng đã về với đất mẹ nhưng những lời căn dặn của Người vẫn còn nguyên giá trị đối với cán bộ và nhân dân huyện nhà.
 
Rồi như thường lệ, mỗi khi Tết đến xuân về, người dân Lệ Thủy lại dọn bàn thờ để dâng hương lên Đại tướng. Trên bàn thờ ấy vẫn đầy đủ những sản vật của địa phương mà ông vẫn trân quý. Trong bữa cơm ngày Tết, người dân nơi đây vẫn luôn nhắc lại những lời dạy của Đại tướng như một sự tri ân vô hạn…
 
Xuân Vương
,