.

60 năm và hơn nữa…

.
08:30, Thứ Tư, 06/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, tôi vào đời năm 1959, tròn 60 năm trước, đúng vào lúc khai mở “đường mòn Hồ Chí Minh” - danh từ mà Đài BBC của Anh thường nhắc đến trong những năm sáu mươi thế kỷ trước.
 
60 năm! Tròn một “lục thập hoa giáp”, quãng thời gian đủ để có một cái nhìn đầy đủ, chính xác về một sự kiện cũng như một con người. Còn nhớ, mùa hè năm 1959 ấy, trong dãy lán khu nhà tranh ký túc xá của lớp kỹ thuật giao thông nằm bên đường tàu điện gần Cầu Giấy, chúng tôi rỉ tai nhau đầy vẻ bí mật về một số bạn “sắp lên đường đi làm nhiệm vụ đặc biệt”.
 
Đó là những học sinh lớn tuổi, trước khi vào trường đã công tác trong ngành Giao thông, có bạn từng là TNXP mở đường vào Điện Biên. Trong số bạn ấy, có anh Nguyễn Công Thanh, quê Lệ Thủy, học cùng tổ với tôi.
 
Hồi đó, những “học sinh trơn” như tôi chẳng biết gì nhiều hơn; chỉ mừng cho các anh được tốt nghiệp sớm và khỏi phải lo chuyện thi cử. Mãi sau này, tôi mới rõ, hầu hết trong số đó đã vào Quảng Bình-Vĩnh Linh, góp phần cùng đội quân đầu tiên của Đoàn 559 do ông Võ Bẩm chỉ huy, mở tuyến đường vượt qua vĩ tuyến 17…

Cho dù vậy, với sự kiện âm thầm này, tôi đã viết được bài ký “Những người đi tiên phong” đăng Báo Văn học năm 1959. Nó như là sự “tiên báo” về sự nghiệp sáng tác sau này của tôi gắn bó với đường Trường Sơn, trong đó có tiểu thuyết “Đường giáp mặt trận” (in lần đầu 1976, đã tái bản 3 lần) được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật năm 2012.

Kể từ đó, ngày 19-5-1959, thời điểm Bộ Quốc phòng quyết định thành lập đội quân chuyên trách “xoi thủng” tuyến đường mòn khởi từ Khe Hó qua thượng nguồn sông Hiền Lương được xem là cột mốc mở đường Trường Sơn. Quả thật, đây là một quyết định quan trọng thực hiện Nghị quyết 15 (ban hành đầu năm 1959) đề ra chiến lược đối với cuộc cách mạng ở miền Nam, đấu tranh thống nhất đất nước. 

Nhưng để hiểu lịch sử mở đường Trường Sơn, giữ mạch máu nối liền đất nước trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thì phải nhìn xa hơn nữa để hậu thế nhớ đến lớp người xứng đáng nhất trong đội quân tiên phong của sự nghiệp gian khổ mà vĩ đại này. Phải! Trước đó hơn một thập kỷ, so với thời điểm xoi thủng tuyến đường mòn từ Khe Hó, mạch máu tiếp vận cho cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc chạy dọc theo dãy Trường Sơn đã được vận hành thông suốt.
 
Có thể nói chắc như vậy, vì chỉ cần đọc những trang hồi ức của đồng chí Võ Văn Ấp (*), nguyên Trưởng ty Giao thông Quảng Bình, đã thấy cả một danh sách dài đáng ghi vào bảng vàng của đoàn quân tiên phong mở thông tuyến đường nối các vùng đất nước qua những vùng cao hiểm trở nhất trên dãy Trường Sơn ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Với sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, tháng 7-1946, Tỉnh ủy Quảng Bình đã cử đồng chí Võ Văn Ấp ra Bố Trạch để cùng Huyện ủy Bố Trạch bàn kế hoạch mở các tuyến giao thông bí mật. Chọn Bố Trạch vì đây là trung tâm quy tụ các ngã đường ra Quảng Trạch, Tuyên Hóa rồi Hà Tĩnh cũng như các tuyến vào Quảng Ninh, Lệ Thủy.

Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (đường 12A) hôm nay. Ảnh: Bách Chiến
Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (đường 12A) hôm nay. Ảnh: Bách Chiến

Đến cuối tháng 8-1946, đường giao thông bí mật ra Bắc, vào Nam qua Quảng Bình đã thông suốt, nhưng sau khi mặt trận Huế vỡ vào ngày 27-3-1947, Pháp đổ bộ lên Đồng Hới, rồi tiếp tục đánh lấn ra, chặn các tuyến đường giao thông ở đồng bằng và trung du.

Đội quân giao thông với sự giúp đỡ của nhân dân đã khai mở những tuyến đường xa tầm đạn pháo của địch, vượt trên các vùng núi hiểm trở. Đó chính là tuyến giao thông qua Bồng Lai-Ba Rền-Thuận Đức-U Bò nổi tiếng, được sử dụng suốt trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Tháng 11-1948, đồng chí Phạm Văn Đồng và đoàn cán bộ Khu 5 đã qua tuyến đường này đi ra Bắc an toàn…

Trong đội quân tiên phong mở đường Trường Sơn giai đoạn này, ngoài đồng chí Võ Văn Ấp, còn có các tên tuổi từng để lại dấu ấn đáng kể trong lịch sử, như đồng chí Phan Khắc Hy (về sau có thời gian làm Phó Tư lệnh Đoàn 559), anh hùng Quách Xuân Kỳ, các đồng chí Nguyễn Văn Phụ, Phan Xuân Thiết…
 
Không thể kể hết những gian nan thời ấy, có đoạn đường phải dựng 4 đoạn thang cao 3 mét mới vượt qua được; có lúc thiếu nước phải ngậm nước tiểu cho đỡ khát; rồi hy sinh vì sốt rét ác tính, hay bị lũ cuốn trôi... Chỉ trong 2 năm 1947-1948, trên đoạn đường từ Minh Cầm qua dốc Cao Mại, 138 người đã bị cọp vồ.
 
Như vậy, hơn 1 thập kỷ trước, ngày đội quân ông Võ Bẩm "xoi thủng" tuyến đường mòn qua vĩ tuyến 17, đã có cả một đội quân hàng vạn người mở đường, vận chuyển lương thực, vũ khí dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ.
 
Chỉ riêng đợt vận chuyển lương thực vào chiến trường Bình-Trị-Thiên sau trận lũ kinh hoàng cuối tháng 10-1950, Khu ủy Liên khu 4 đã huy động 7.000 dân công Nghệ An, Hà Tĩnh và trong chiến dịch Trung Lào cuối năm 1953 phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ để vận chuyển 20.000 tấn lương thực theo đường 12 qua Bãi Dinh, Mụ Giạ, Ba Na Phào, Hội đồng cung cấp tiền phương đã huy động hai vạn dân công Nghệ An, Hà Tĩnh và các xã vùng trên huyện Tuyên Hóa… 
 
Sự kiện đội quân của ông Võ Bẩm mở thông tuyến vào Quảng Trị rất có ý nghĩa vì nó mở đầu một giai đoạn mở đường Trường Sơn vĩ đại mà cũng bi tráng nhất trong lịch sử dân tộc. Riêng tuyến đường nối phía Nam Quảng Bình vào Quảng Trị, đợt khảo sát và huy động lực lượng đông đảo thi công đầu năm 1960 có chi tiết thú vị là nó được khởi đầu ngay giữa ngày Tết.
 
Kế hoạch được triển khai gấp để đối phó với hành động của chính quyền Ngô Đình Diệm cho quân lấn chiếm vùng Hướng Lập, hô hào “Bắc tiến”. Đó là kế hoạch mở tuyến đường 16 từ ngã ba Thạch Bàn đến Vít Thù Lù-Làng Ho dài 40km cho xe cơ giới và từ Làng Ho vượt đỉnh 1001 vào Cù Bai (xã Hướng Lập) bằng đường gánh bộ. Lực lượng mở đường gồm 3.000 dân công 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và Trung đoàn 1001.
 
Hồi ức của đồng chí Võ Văn Ấp đã ghi lại: Ngày 28 Tết âm lịch (1959-1960), đồng chí cùng với cán bộ Biên phòng, Tỉnh đội.. lên đường. Sáng 29, xuất phát từ Vít Thù Lù, qua Làng Ho, đến chân đồi 448 vừa tối. Sáng 30 Tết, vừa đi vừa phát cây mở lối, đến đỉnh 1001 lúc 3 giờ chiều. Đêm che lán ngủ lại, có bếp lửa, nhưng lạnh thấu xương… Sáng mồng 1, lại vạch đường đi tiếp và ngày mồng 5 Tết thì 200 dân công Lệ Thủy đã được điều vào trạm Bang…
 
Đường 16 đã được hình thành như thế. Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước,  đường 12 và đường 20 do “trọng trách” là 2 cửa ngõ chính đưa xe pháo và hàng hóa vào mặt trận, lại có những địa danh gắn với những trận đánh bi tráng, như Đồi 37, Ca Tang, Cha Lo, hang Tám Cô… nên sau này, được sách báo nói đến nhiều.
 
Nhưng những chiến sĩ mở đường Trường Sơn từ thời chống Pháp cũng như việc khai mở đường 16 vào chính những ngày Tết năm 1960 cũng là những hình ảnh không thể quên, những hình ảnh tô thắm thêm trang sử mở đường Trường Sơn…
 
Nguyễn Khắc Phê
,