.

"Giữ lửa" cho nghề làm hàng Tết

.
22:16, Chủ Nhật, 27/01/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Cứ vào khoảng 15 ngày trước Tết Nguyên đán, những người làm nghề truyền thống bánh, mứt… ở TP. Đồng Hới lại bắt đầu miệt mài, tỉ mỉ với từng công đoạn để tạo ra những sản phẩm thơm ngon phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết. Trải qua bao thời gian, họ vẫn gắn bó với nghề, góp phần bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp cổ truyền cho con cháu mai sau…
 
Cuộc sống hiện đại đã làm cho ngày Tết cổ truyền bây giờ đa dạng, tiện lợi và văn minh hơn nhiều. Kéo theo đó, thị trường ẩm thực ngày Tết phong phú khi hàng hóa được nhập đa dạng từ nước ngoài và các tỉnh thành trong toàn quốc. Vì vậy, giữa lòng đô thị Đồng Hới nhộn nhịp, hối hả, những sản phẩm bánh, mứt làm bằng phương pháp thủ công đã “vơi dần” và những người gắn bó với nghề cũng không còn nhiều.
 
Nói đến nghề gói bánh chưng ở TP. Đồng Hới, nhiều người không còn xa lạ với “thương hiệu” bánh bà Tế, ở tổ dân phố Diêm Nam, phường Đức Ninh Đông. Bà Hoàng Thị Tế có lẽ là người gói bánh lâu đời của Đồng Hới với tuổi nghề trên 55 năm. Ở cái tuổi 83, bà Tế vẫn dẻo dai, nhanh nhẹn và gắn bó với nghề gói bánh chưng, bánh tét.
 
Bà chia sẻ: “Gia đình tôi làm bánh chưng, bánh tét quanh năm. Ngày thường, trung bình mỗi ngày làm 20-30kg nếp, chủ yếu gói bánh chưng, bánh ú với kích thước nhỏ bán tại chợ Đồng Hới. Nhưng vào dịp Tết, tôi nhận đặt bánh nên số lượng tăng gấp nhiều lần, trung bình khoảng gần 1 tấn nếp trong vụ Tết…”.
Để “giữ lửa” cho nghề làm bánh xoài, bà Do phải làm thủ công tất cả các công đoạn.
Để “giữ lửa” cho nghề làm bánh xoài, bà Do phải làm thủ công tất cả các công đoạn.

Từ khoảng 26 đến 29 tháng chạp, gia đình bà Tế bắt đầu gói bánh chưng theo đơn đặt hàng của khách. Điều đặc biệt, bánh chưng, bánh tét của bà Tế gói thủ công bằng tay, không cần khuôn nhưng bánh vẫn vuông vắn và tròn lẳn.

Khi trời về chiều cũng là lúc mọi công đoạn gói bánh hoàn tất, bánh được xếp vào những chiếc nồi đặt lên bếp than. Bếp lửa rực sáng suốt đêm và đến gần sáng bánh được vớt ra ép cho ráo nước, đóng gói để vận chuyển đến khách hàng.

Bánh chưng bà Tế nức tiếng thơm ngon, nên được nhiều người ở Đồng Hới biết đến. Vì vậy, cứ mỗi dịp Tết, bánh chưng bà Tế lại theo thực khách ra Bắc vào Nam, thậm chí xuất ngoại để làm quà. Bà Tế cho biết, bánh chưng Tết với giá bán dao động từ 50.000-100.000 đồng/cặp và đã tạo nguồn thu lớn cho gia đình.

Cũng làm hàng Tết, bà Đặng Thị Do, ở xã Đức Ninh, gắn bó với nghề làm bánh thuẫn (bánh xoài) trên 10 năm. Đến hẹn lại lên, dịp gần Tết Nguyên đán, lò bánh truyền thống của bà lại “nổi lửa”.

Theo bà Do, nguyên liệu chính của món bánh rất đơn giản từ bột, trứng, đường và một chiếc khuôn bánh làm bằng gang hoặc đồng. Nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng để có được mẻ bánh vàng ươm, nở bung ra như cánh hoa mai thì không phải dễ. Một số người làm bánh hiện nay thường mua bột công nghiệp về đổ bánh, nhưng để “giữ lửa” cho nghề, bà Do phải làm thủ công tất cả các công đoạn.

Khoảng từ ngày 18 tháng chạp, bà bắt tay vào đổ bánh với nguyên liệu gồm bột, đường và trứng gà pha với nhau theo một tỷ lệ nhất định và đánh cho đến khi hỗn hợp quyện lại. Khuôn bánh đặt lên lò than và làm nóng hai mặt bằng cách gắp vài cục than đang cháy đỏ để lên nắp khuôn. Khi khuôn đủ nóng, múc bột đổ vào từng khuôn nhỏ đã được quết dầu.

Bột không được đổ nhiều vì dính ra xung quanh không đẹp, nhưng đổ ít bánh lại không đủ bột để nở bung. Vì vậy, người đổ phải khéo léo đổ bột vừa ngang mép khuôn và đậy nắp lại, canh than cháy đều cả bên dưới và bên trên nắp khuôn. Khi bánh bắt đầu tỏa mùi thơm, dùng những cây tre được vót nhọn, xiên bánh ra.

Bánh thuẫn đạt tiêu chuẩn phải nở bung như cánh hoa mai và có màu vàng ươm trên bề mặt, phần dưới bánh có màu vàng đậm. Khâu cuối cùng, bánh thuẫn được xếp lên nong và đem hong khô trên bếp nhỏ lửa để bánh săn lại, ngon và để được lâu hơn.
 
“Những năm gần đây, bánh thuẫn truyền thống được người tiêu dùng lựa chọn. Mặc dù bánh không đa dạng, bắt mắt, lại có giá khá cao so với thị trường với 180.000 đồng/kg nhưng người đặt mua vẫn vào ra tấp nập vì bảo đảm chất lượng”, bà Do chia sẻ.
Ở tuổi 83, bà Tế vẫn còn dẻo dai và vẫn gắn bó với nghề gói bánh chưng, bánh tét.
Ở tuổi 83, bà Tế vẫn còn dẻo dai và vẫn gắn bó với nghề gói bánh chưng, bánh tét.
Là một người phụ nữ năng động và nhạy bén với thị trường hàng hóa, vào dịp Tết Nguyên đán, chị Đào Thị Tám, ở thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh, lại tất bật với nghề chế biến mứt gừng, bánh in. Chị Tám tâm sự, làm mứt gừng không khó, nhưng làm ngon thì cần có nhiều kinh nghiệm. Gừng làm mứt thường mua loại củ nhỏ nhưng thơm, cay và chắc.
 
Gừng phải chế biến qua nhiều công đoạn, như: cắt, rửa sạch, thái lát, ngâm, luộc chín, sau đó bỏ vào chảo rim, đảo khô, đóng gói... Công đoạn quan trọng nhất là rim lát gừng với đường sao cho miếng mứt gừng thấm vị, khô và cay nồng. “Mỗi người làm nghề đều có cách để làm nên nét riêng của lát gừng.
 
Để tạo được sự tin dùng đối với khách hàng, làm mứt gừng phải có những bí quyết từ tỉ lệ đường đến thời gian, kỹ thuật rim thật sự khác biệt. Miếng gừng đạt chất lượng phải mỏng vừa phải, có màu vàng ruộm tự nhiên, cay, ngọt và giòn.
 
Gần 10 năm nay, trung bình mỗi vụ Tết, gia đình tôi chế biến khoảng gần 10 tạ mứt gừng, bánh in và đều được khách hàng đặt mua…”, chị Tám chia sẻ thêm. Bởi vậy, dù mới ngày 15 tháng chạp nhưng cơ sở chế biến mứt gừng của gia đình chị đã tất bật.
 
Trong thời buổi công nghiệp hóa, những chiếc khuôn bánh “thủ công” của bà Do, cách gói bánh của bà Tế… có vẻ dần “lỗi thời”, nhưng đây chính là một nét văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết. Bởi những chiếc bánh thuẫn, bánh chưng xanh, mứt gừng cay… được làm từ cách thức truyền thống luôn có hương thơm, mùi vị khác hẳn.
 
Đó không chỉ vị ngọt ngào, thơm ngon của từng loại sản phẩm mà còn cảm nhận được sự dung dị, chịu khó và chắt chiu từ bàn tay khéo léo của người làm nghề. Với họ, làm nghề vừa nâng cao thu nhập cho gia đình và còn góp phần mang hương vị đậm đà, ấm cúng cho mọi người, mọi nhà mỗi dịp Tết đến, xuân về.
 
Thùy Lâm 
 
,