.

Ấn tượng Trường Sơn

.
12:28, Thứ Hai, 21/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Hồ Thị Thi, nữ trưởng bản PLoang, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) “hò hẹn” cùng tôi: “Mời cán bộ miền xuôi lên thăm bản. Đồng bào Vân Kiều Trường Sơn bữa nay khá no ấm rồi. Một năm đi qua với những dấu ấn đáng nhớ trên con đường xóa đói giảm nghèo”.

Chủ tịch xã Trường Sơn Nguyễn Văn Sỹ bảo: “Mấy năm nay, đời sống đồng bào từng bước thay da đổi thịt. Ngoài sự giúp đỡ, hỗ trợ từ nhà nước, tỉnh, huyện… thì vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã rất quan trọng.

Cán bộ Mặt trận không kể gian khó, xa ngái, trực tiếp về với dân bắt tay chỉ việc cùng dân. Những công trình dân sinh mới mọc lên ở khắp các bản gần, bản xa đều có sự chung tay góp sức của Mặt trận”.

Mô hình lúa rẫy tại Trường Sơn có sự
Mô hình lúa rẫy tại Trường Sơn có sự "bắt tay chỉ việc" của cán bộ Mặt trận xã.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trường Sơn Nguyễn Văn Tráng cho biết: “Trong 3 năm qua, Mặt trận xã trực tiếp kêu gọi được số tiền trên 3,2 tỷ đồng giúp đồng bào Vân Kiều xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, sản xuất.

Năm 2018 thực sự là một năm thành công trong huy động kinh phí giúp nhân dân, trong hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện. 3,2 tỷ đồng là số tiền ngoài sức tưởng tượng đối với một xã nghèo như Trường Sơn”.

Dốc Mây là bản nằm sát biên giới Việt-Lào, nơi sinh sống của 21 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu là người dân tộc Vân Kiều. Để đến được bản chỉ có một con đường duy nhất, cắt rừng đi bộ hơn 20km. Giao thông cách trở nên Dốc Mây nghèo nhất trong những bản nghèo ở Trường Sơn.

Ngoài sự hiện diện của bộ đội biên phòng, giáo viên cắm bản dạy chữ thì hiếm lắm mới có người đến thăm Dốc Mây. Những năm trước, Dốc Mây hội đủ rất nhiều cái không: không điện, không đường, không trường, không trạm, không sóng điện thoại, truyền hình… Cán bộ Mặt trận xã Trường Sơn luôn trăn trở cùng cái nghèo, cái khó nơi Dốc Mây xa xôi.

Bởi thế, cứ có nhà hảo tâm nào đến Trường Sơn, y như rằng Chủ tịch Mặt trận xã Nguyễn Văn Tráng kéo cho được họ vào Dốc Mây, giúp đồng bào Dốc Mây. Qua hàng chục chuyến cắt rừng đưa yêu thương, lòng nhân ái đến Dốc Mây, bản nhỏ thay đổi dần dần.

Cuộc sống dân bản Dốc Mây còn lắm khó khăn, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy. Lâu nay để có nước sinh hoạt, hàng ngày, đồng bào thường dùng những chiếc can nhỏ hay vỏ chai nhựa xuống suối lấy nước. Nước suối tích trữ chỉ đủ dùng cho việc nấu ăn. Mọi sinh hoạt khác diễn ra dưới dòng suối nhỏ.

Dốc Mây “khát” một công trình nước sạch. Biết cái bụng người Vân Kiều Dốc Mây thèm công trình nước sạch, Nguyễn Văn Tráng đã đăng tải thông tin lên mạng xã hội kêu gọi sự chung tay, góp sức từ các nhà hảo tâm, những mạnh thường quân gần xa ủng hộ xây dựng hệ thống nước sinh hoạt cho bản Dốc Mây.

Đầu năm 2018, thông qua Ủy ban MTTQVN xã Trường Sơn, hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt dài hơn 2,3km tại bản Dốc Mây đưa nước trên lưng chừng núi về bản hoàn thành, kinh phí hơn 52 triệu đồng.

Từ ngày nước sạch về bản Dốc Mây, bài toán khát nước được giải, đồng bào không còn vất vả, thiếu nước sinh hoạt hàng ngày. Hồ Nam, cư dân Dốc Mây bảo: “Cám ơn cán bộ Tráng nhiều. Bây giờ Dốc Mây không những có nước sạch mà còn có điện sáng, nhiều gia đình mua ti vi, đài, xóa mù thông tin. Biết được cái hay mà học tập, làm theo”.

Ngoài công trình nước sạch tại Dốc Mây, Mặt trận xã Trường Sơn và cá nhân Nguyễn Văn Tráng còn kêu gọi xây dựng thêm nhiều công trình nước sạch tại các bản làng khác, như: hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt dài 3,5 km cho 52 hộ dân bản Đá Chát; đường ống nước ở thôn Trung Sơn dài 3km; 4 công trình nước sạch ở các bản Khe Cát, Nước Đắng, Hôi Rấy trị giá 245 triệu đồng.

Bản Ploang nằm cách xa trung tâm xã hơn 40km, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Hồ Thị Thi, Trưởng bản PLoang tâm sự: “Trước đây, người dân trong bản không có đất sản xuất nên ai cũng khổ. Nay được Nhà nước giao đất, giao rừng nên bà con tiến hành chăm sóc, bảo vệ rừng.

Đặc biệt, cán bộ Mặt trận xã vào cùng ăn, cùng ở, cùng làm, hướng dẫn đồng bào trồng cây lạc, sắn ở những vùng đất bằng phẳng, hỗ trợ bản Ploang 10 triệu đồng mua phân bón, giống lạc, sắn...”

Trưởng bản PLoang cho biết thêm: “Năm đầu tiên bản trồng thí điểm mô hình lạc chừng 6 ha, cây lạc sinh trưởng tốt, năng suất ổng định nên bà con có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Dân bản cảm ơn cán bộ Mặt trận cầm tay chỉ việc. Năm tới, diện tích trồng lạc ở PLoang sẽ tăng lên khi bà con nắm bắt được kỹ thuật canh tác”.

Ngoài thành công của mô hình trồng lạc tại PLoang, ở Trường Sơn, Mặt trận xã cùng với Bộ đội Biên phòng triển khai mô hình trồng lúa nước ở bản Sắt, Trung Sơn; lúa rẫy tại Bến Đường, Đá Chát, Rìn Rìn…

Công trình nước sạch tại bản Sắt hoàn thành từ sự kêu gọi của Mặt trận xã Trường Sơn .
Công trình nước sạch tại bản Sắt hoàn thành từ sự kêu gọi của Mặt trận xã Trường Sơn.

Năm 2018, Ban Thường trực Mặt trận xã vận động cán bộ, công chức và người dân ủng hộ Quỹ vì người nghèo trên 10 triệu đồng. Thông qua Quỹ vì người nghèo xã và nguồn Mặt trận huyện phân bổ, đã tặng 806 suất quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá trên 150 triệu đồng.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên, tiến hành xây dựng mới 20 ngôi nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, trị giá 400 triệu đồng; làm mới 1 công trình dẫn nước phục vụ sinh hoạt cho thôn Tân Sơn trên 80 triệu đồng.

Ngoài nguồn kinh phí Mặt trận cấp trên phân bổ, năm 2018, Ban Thường trực Mặt trận xã chủ động kết nối, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ để thực hiện chương trình an sinh xã hội trên địa bàn.

Cụ thể, tặng trên 360 suất quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, người tàn tật, người cao tuổi, học sinh nghèo, trị giá 72 triệu; làm mới 3 công trình dẫn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân và các điểm trường lẻ tại các bản Dốc Mây, Sắt và bản Đá Chát, trị giá 285 triệu đồng; làm mới 1 công trình điện sáng dài 3.000m và tặng 15 cái ti vi cho 15 hộ dân ở xóm Lu Bu, bản Chân Trộng, kinh phí 145 triệu đồng.

Đồng bào Vân Kiều ở các bản xa, bản gần xã Trường Sơn ghi công những nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ Mặt trận xã, cá nhân Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Nguyễn Văn Tráng. Chính sự đồng hành keo sơn, gắn bó này đã giúp bà con vững vàng, tự tin hơn trên con đường xoá đói giảm nghèo.

Ngô Thanh Long
 

,