.

Chuyện người làm trống cuối cùng ở Phú Trạch

.
14:16, Chủ Nhật, 14/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Không chỉ nổi tiếng với nghệ thuật hát tuồng bội, làng Đông Duyệt, xã Phú Trạch (Bố Trạch) xưa còn có nhiều người làm trống giỏi, nức tiếng một vùng. Thế nhưng, thời thế đổi thay, nghề làm trống đã mai một dần. Làng Đông Duyệt hôm nay chỉ còn lại duy nhất một người làm trống, đó là cụ Trần Minh Hổ, năm nay đã bước sang tuổi 83…

Nhớ tiếng trống Kẻ Đòi

Ở Bố Trạch xưa thường truyền tụng câu ca: “ Nằm đêm nghe trống Kẻ Đòi/ Nghe chuông Kẻ Hạc/Nghe còi Kẻ Lau...”. Kẻ Đòi là tên cổ của làng Đông Duyệt, xã Phú Trạch ngày nay. Hàng trăm năm qua, làng Đông Duyệt nổi tiếng với nghệ thuật hát tuồng bội. Trống Kẻ Đòi tức là trống chầu tuồng của làng hát bội Đông Duyệt. Khi nghe tiếng trống chầu vang xa, người trong vùng ai cũng biết là đang có buổi biểu diễn tuồng bội diễn ra ở làng Đông Duyệt.

Cụ Trần Minh Hổ và chiếc trống cuối cùng do cụ làm.
Cụ Trần Minh Hổ và chiếc trống cuối cùng do cụ làm.

Theo các vị cao niên ở làng Đông Duyệt, đã từ rất lâu, song hành với nghệ thuật hát tuồng bội nổi tiếng, nghề làm trống ở đây cũng phát triển hưng thịnh. Bởi lẽ, trống cùng với kèn và nhị (đàn cò) là 3 loại nhạc cụ chủ chốt của nghệ thuật hát tuồng bội.

Đặc biệt là trống, ngày xưa trong gánh hát tuồng bội, người ta gọi người đánh trống là “phó sư”. Trong bộ trống, trống chiến đóng vai trò là “đạo diễn” tiết tấu. Bằng sự sáng tạo của nhạc công kết hợp với âm sắc phong phú của các loại trống đã tạo nên không khí bi hùng của một đêm diễn.

Cũng theo các vị cao niên, trống trong các phường hát tuồng bội của Kẻ Đòi xưa và làng Đông Duyệt ngày nay đều do chính tay những người thợ tài hoa của làng làm nên. Thời hoàng kim, hầu như người đàn ông nào ở làng Đông Duyệt cũng biết làm trống. Đặc biệt là những người tham gia các gánh hát tuồng bội của làng thì tay nghề làm trống, bịt trống của họ càng trở nên siêu việt.

Không chỉ là nhạc cụ quan trọng bậc nhất trong nghệ thuật hát tuồng bội, trống còn chiếm một vị trí khá quan trọng trong đời sống của người dân Phú Trạch từ xưa đến nay. Những năm chiến tranh chống Mỹ, tiếng trống là phương tiện báo hiệu để người dân Phú Trạch vào hầm tránh máy bay ném bom. Những năm hòa bình, tiếng trống được dùng để cổ vũ lao động sản xuất và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ khác của làng, của xã...

Một đời gắn bó với nghệ thuật hát tuồng bội của làng, cụ Trần Minh Hổ (83 tuổi) không chỉ là một người đánh trống cừ khôi trong gánh hát, mà còn là một người thợ  tài hoa hiếm có trong nghề làm trống. Thế nhưng hiện nay ở làng Đông Duyệt (Phú Trạch), cụ Hổ đã là người cuối cùng làm trống và hơn 1 năm nay, do mắt bị mờ cụ đã không thể làm được trống nữa.

Ngôi nhà cấp 4 của cụ Hộ nằm phía sau Trường tiểu học xã Phú Trạch bình yên không bảng hiệu, cũng chẳng còn công xưởng. Nếu không được giới thiệu thì chắc chắn chẳng ai biết nhà cụ Hổ đã từng là nơi làm ra những chiếc trống nức tiếng, không chỉ ở Phú Trạch, mà còn khắp huyện, khắp tỉnh.

“Mấy năm trước, cứ dịp gần Tết, nhiều người đến đặt làm hoặc đem trống cũ đến nhờ tôi bịt. Nghề ni cũng chẳng phải là nghề dùng để kiếm tiền nên nhiều người đã bỏ từ lâu. Chỉ riêng mình tui vì đam mê và tiếc cái nghề của cha ông nên vẫn làm, nhưng hơn 1 năm nay cũng chịu rồi, mắt mờ, không nhìn thấy nữa mà làm”, cụ Hổ chia sẻ.

Nghề gia truyền

Cụ Hổ cho biết, nghề làm trống là nghề cha truyền con nối của gia đình cụ. Trước đây, cha của cụ Hổ không chỉ là một nghệ nhân tài hoa của đoàn hát tuồng bội mà còn là một người làm trống nức tiếng cả vùng.

“Cha tui học nghề trống từ ông nội tui. Chỉ biết hồi đó, ở làng, dù có nhiều người làm trống nhưng mỗi khi nhắc đến nghề, mọi người đều tìm đến cha tui đầu tiên. Cha làm được tất cả các loại trống từ trống kinh, trống chiến (dùng cho nghệ thuật hát tuồng bội), trống đại, trống hội (trống có đường kính trên 50cm, dùng trong các hội làng, hội họ...).Trống cha tui làm rất đặc biệt, da mặt trống cái nào cũng căng đều, tiếng trống nghe rất chuẩn nhưng lại bền chứ không mau hỏng như phần lớn trống bây giờ”, cụ Hổ tự hào kể về người cha của mình.

Lớn lên trong môi trường như vậy, lại được người cha tài hoa nhiệt tình truyền dạy, ở tuổi thanh niên cụ Hổ được đánh giá là người đánh trống hay nhất gánh hát tuồng bội của làng thời điểm đó. Không những thế, nối nghiệp cha, hàng chục năm qua, cụ Hổ còn là người thợ tài hoa làm ra trống chuẩn chất lượng cho những gánh hát tuồng bội, các nhà thờ họ, các trường học trong xã Phú Trạch và còn nhiều nơi khác tìm đến...

Chia sẻ với chúng tôi về bí quyết làm trống của gia đình, cụ Hổ cho biết, để làm được một chiếc trống tốt phải rất kỳ công, khéo léo và kiên trì. Việc làm trống trải qua nhiều bước, nhưng có 3 bước quan trọng nhất: làm da, làm tang và bịt trống.

Loại gỗ để làm trống tốt nhất là gỗ mít. Đây là loại gỗ mềm, không bị cong vênh, nứt vỡ, không thay đổi trước thời tiết bất thường.Gỗ mít chỉ cần ghép mà không cần dán bất cứ một loại keo nào cả. Thân cây mít càng to, lâu năm thì chất lượng của trống mới bảo đảm. Da làm trống phải là da trâu, bò còn tươi, không được ướp muối hay bất kỳ loại hóa chất nào. Như thế trống mới bền, tiếng trống mới bảo đảm âm vực chuẩn.

Cụ Hổ tiết lộ, da trâu, bò được đem bào hết lớp màng bên trong, đem phơi khô 3 nắng rồi lại ngâm nước cho mềm ra. Sau đó, da được phơi nắng cho đến lúc thật khô. Khi bào da cũng phải chú ý không để da quá dày hoặc quá mỏng, bởi da dày thì tiếng trống sẽ bị bì, còn da mỏng thì trống sẽ mau thủng. Bịt trống là giai đoạn cuối cùng và cũng là quan trọng nhất quyết định chất lượng của trống. Da trâu, bò được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh chốt. Đinh chốt được làm từ vầu hoặc tre già.

Việc bịt trống, điều chỉnh được âm thanh, như: âm vực cao, âm vực thấp... đó là một kỹ thuật mà chỉ có người làm trống lâu năm mới làm được. Còn việc điều chỉnh âm thanh của trống tùy thuộc vào khách hàng đặt là âm "chói cương" hay âm "rền" mà điều chỉnh cho phù hợp.

Không chỉ làm và đánh trống giỏi, cụ Hổ còn chơi tốt nhị và kèn.
Không chỉ làm và đánh trống giỏi, cụ Hổ còn chơi tốt nhị và kèn.

Theo cụ Hổ, bây giờ làm trống, đa số người ta đều làm bằng máy trong nhiều công đoạn, như vậy thì rất nhanh nhưng âm thanh của trống sẽ không chuẩn và rất mau hỏng. “Một chiếc trống được làm bằng máy bây giờ có tuổi thọ chỉ khoảng 1 đến 2 năm, trong khi những chiếc trống làm bằng thủ công thì ít nhất phải hơn 10 năm, thậm chí là 20 năm  mới nói đến chuyện phải thay.”, cụ Hổ nói.

Trăn trở của người thợ già

Trong câu chuyện dài với chúng tôi, cụ Hổ vẫn đau đáu một điều là rồi đây khi cụ đã “trăm tuổi về với ông bà tổ tiên”, cũng coi như làng Đông Duyệt mất hẳn một nghề truyền thống của cha ông truyền lại. “Tui có đứa con trai là Trần Quốc Toản, làm ở Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Bình, hắn đã học tui và làm được trống. Nhưng hắn là người làm việc Nhà nước, không có thời gian để mà đeo đuổi nghề. Chỉ hy vọng là thằng Toản đừng quên hẳn cái nghề của cha ông để lại...”, cụ Hổ tâm sự.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Chủ tịch UBND xã Phú Trạch cho biết, làm trống không chỉ đơn thuần là một nghề truyền thống, mà còn mang đặc trưng của văn hoá làng, xã. Trước đây, địa phương có rất nhiều người làm nghề này, nhưng do nghề làm trống không phải là nghề làm ra tiền để kiếm sống, nên qua năm tháng, nghề cứ mai một dần, đến nay cũng chỉ còn lại một mình cụ Hổ làm nghề này.

“Thời gian qua, chính quyền xã cũng đã rất trăn trở trong việc khôi phục lại nghệ thuật hát tuồng bội, thành lập câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, đàn và hát dân ca... để làm sao gìn giữ được nét văn hóa quê hương. Tuy nhiên, đối với nghề làm trống, chúng tôi đành phải ngậm ngùi để nó mất đi vì không còn ai làm nghề nữa”, ông Phương nói.

Phan Phương


 

,