.

Đổi thay làng nề Diêm Điền

.
08:05, Thứ Sáu, 10/08/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Cùng với quá trình đô thị hóa, phố phường Đồng Hới đang vươn mình hòa vào dòng chảy của thời cuộc hội nhập kinh tế. Nhiều công trình khang trang, đẹp đẽ mọc lên góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp bề thế, hiện đại của một đô thị trẻ. Nhưng ít ai biết được rằng rất nhiều trong số những công trình khang trang ấy được ra đời từ bàn tay tài hoa, cần mẫn của người thợ làm nên một thương hiệu qua suốt gần 2 thế kỷ: thợ nề Diêm Điền (nay là  phường Đức Ninh Đông, T.P Đồng Hới).

Lịch sử làng nề

Vị tổ sư khai sinh ra làng nề Diêm Điền chính là ông Bùi Cao Đạo (sinh năm 1765). Theo gia phả họ Bùi làng Diêm Điền, ông là một thợ nề giỏi có tiếng. Đời chúa Nguyễn Phúc Thuần, ông được mời vào cố cung phục vụ việc xây dựng thành quách ở Đại nội và phủ đệ, lăng tẩm cho vương tôn, công tử... Tại đây, ông đã có sáng kiến dùng vôi hàu cùng với giấy bổi làm từ tre, điệp giã mịn trộn với mật mía tạo thành chất kết dính vững chắc cho các công trình của triều đình. Nhờ tay nghề cao, năm 1802, ông được vua Gia Long sắc phong là “nề vương” – vua nề.

Ông Bùi Quảng Đại, một trong những người am tường nhất về cội nguồn của làng nề Diêm Điền cho biết: Từ sau khi “nề vương” qua đời, cùng với làm nông, các thế hệ con cháu họ Bùi đã không ngừng kế tục và phát triển nghề gia truyền. Các công trình dù là lớn hay nhỏ, đơn giản hay tinh xảo trên địa bàn như nhà ở, trụ sở các cơ quan, đền chùa miếu mạo... đều in dấu đôi tay của thợ nề Diêm Điền. Họ chính là những “hậu duệ khả úy” của “nề vương”.

Hồi trước, công việc thợ nề khá đơn giản, chỉ việc chất đá chắn đất làm bờ rào, nhồi rơm với đất sét tấp trát làm tường nhà tranh. Nhà nào giàu có lắm mới làm nhà rường cột, xây tường bao bằng đá. Theo thời gian, kiến trúc nhà ở cũng dần thay đổi, hiện đại hơn. Những người thợ nề Diêm Điền cũng nhanh chóng thích ứng với tác phong làm việc mới. Họ luôn có ý thức nâng cao tay nghề, đi phụ việc các tổ thợ trong và ngoài làng để học hỏi.

Quảng Bình Quan được thợ nề Diêm Điền phục dựng.
Quảng Bình Quan được thợ nề Diêm Điền phục dựng.

Ông Đại còn cho biết thêm, ngày trước, để được nâng cấp lên thợ bậc 2 (tương đương với thợ chính ngày nay), mỗi thợ bậc 1 (thợ phụ) phải trải qua ít nhất là 3 năm học việc với công việc chính là trộn vữa, vận chuyển vật liệu. Khi đã được công nhận là thợ bậc 2 thì sẽ tiếp tục phấn đấu để nâng lên bậc 3, bậc 4 tùy theo tay nghề.

Nhiều thợ nề làng ông nhờ cần cù, chịu khó, cộng với sự nhanh ý, khéo tay đã sớm trở thành những tay thợ nức tiếng khắp cả tỉnh như ngày trước có các ông Bùi Cu, Bùi Hiệp, Bùi Tường, Bùi Xanh, Bùi Nhom, Bùi Kỳ, gần hơn nữa là các ông Bùi Quảng Đại, Bùi Phương... Và dần dần nghề thợ nề không chỉ gói gọn trong phạm vi dòng họ Bùi mà cho đến ngày nay, gần như cả làng đều theo và gắn bó với nghề này.

Đổi thay nhờ nghề tổ phụ

Không ít người ngạc nhiên khi ghé về thăm làng Diêm Điền. Một Diêm Điền nghèo khó, người dân luôn phải vật lộn với miếng cơm manh áo từng ngày vì đất sản xuất khan hiếm được thay bằng một Đức Ninh Đông trù phú, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều. Không thể phủ nhận một điều rằng để có được sự đổi thay ấy, người dân địa phương đã dựa vào một nghề mà bấy lâu nay họ chỉ quan niệm là nghề phụ ấy là nghề thợ nề.

Ông Bùi Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND phường Đức Ninh Đông cho biết: Từ nhiều đời nay, sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa nước được xem là nghề chính của địa phương. Tuy nhiên, nói là nghề chính nhưng thực chất trong điều kiện đất sản xuất ngày càng thu hẹp (hiện tại toàn phường chỉ có chưa đến 95 ha đất sản xuất nông nghiệp bao gồm cả trồng lúa và hoa màu) làm 2 vụ cũng chỉ mất khoảng ¼ thời gian trong năm. Trong khoảng thời gian đó nếu thời tiết thuận lợi, được mùa thì cũng chỉ đủ bảo đảm lương thực cho bà con trong vòng khoảng 6 tháng.

Với 1.100 hộ và 5.500 khẩu, Đức Ninh Đông không thể chỉ dựa vào những bấp bênh của sản xuất nông nghiệp mà có được những đổi thay như ngày hôm nay. Trong điều kiện đó, nghề thợ nề trở thành một “cứu cánh” đối với người dân địa phương. Theo thống kê, hiện tại ở Đức Ninh Đông có hơn 75% người dân làm nghề thợ nề. Có gia đình 5, 6 người thì cả chừng ấy người đều theo nghề này. Nhà nào ít nhất thì cũng phải một đến hai người.

Và cứ như một thông lệ, đa số con em địa phương đến tuổi lao động đều theo người thân đi phụ nề, lâu dần tích lũy được kinh nghiệm, nâng cao được tay nghề. Không ít phụ nữ cũng theo chồng con tham gia vào công việc nặng nhọc này, chủ yếu đảm nhận phần việc đào móng, trộn và vận chuyển vữa, vật liệu xây dựng. Cứ như thế, các thế hệ người dân Đức Ninh Đông đều trở thành “tín đồ” của nghề thợ nề với kiểu công thức “chồng cha làm thợ, vợ con phụ hồ”.

Khác với trước đây, thợ phụ phải mất ít nhất 3 năm mới được công nhận là thợ chính thì bây giờ khoảng thời gian đó rút ngắn lại chỉ còn khoảng 1 năm, thậm chí sớm hơn tùy thuộc vào độ “lên tay” của thợ. Người thợ nề Đức Ninh Đông nhờ nhanh ý, khéo tay nên rất được “chuộng”. Họ không chỉ có mặt ở hầu khắp các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố, trong tỉnh mà bàn tay cần mẫn của những người thợ ấy còn in dấu trên nhiều công trình trong nước và cả ở nước ngoài.

Ông Bùi Quảng Đại bật mí: “Hầu hết dân làng tui đều theo nghiệp nề của cha ông để lại. Ông nội và bố tui trước cũng là thợ nề giỏi của làng. Thợ nề cần khéo tay, hay làm. Chính vì vậy mà thợ nề làng tui được nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh thuê làm nhà, làm đình, chùa, trụ sở các cơ quan với công thức chất kết dính từ bao đời nay. Nhiều công trình tô vẽ của làng khác chỉ qua một thời gian ngắn là màu đã úa, còn của làng tui thì màu phẩm không hề bị phai”.

Tạo dựng được uy tín, thương hiệu, nhiều thợ nề Đức Ninh Đông không ngần ngại lập mở các tổ, nhóm xây dựng để góp phần phát triển nghề. Hiện tại, trên địa bàn phường có trên 60 tổ thợ xây tự phát, bình quân mỗi tổ khoảng từ 5-8 lao động. Với mức thu nhập hiện tại của mỗi thợ chính khoảng 200.000 – 250.000 đồng/người/ ngày và thợ phụ khoảng 150.000 – 180.000 đồng/người/ngày thì trung bình mỗi tháng thu nhập của một thợ nề khoảng hơn 4 triệu đối với thợ chính và 3,5 triệu đối với thợ phụ. Con số này gấp khoảng 3 lần so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần.

Như vậy, mặc dù được xem là phụ nhưng nghề thợ nề lại đem đến nguồn thu chính cho người dân Đức Ninh Đông. Anh Bùi Xuân Hiếu (55 tuổi, ở TK Diêm Thượng), một thợ nề có thâm niên gần 30 năm cho biết: “Gia đình tôi gồm 6 người thì cả 6 đều theo nghề thợ nề. Trước đây, nghèo khó lắm, làm ruộng không đủ cải thiện được đời sống nên chúng tôi theo nghề này. Tôi làm lâu năm nên chẳng nhớ nổi đã có bao nhiêu ngôi nhà, công trình đã từng qua tay nữa. Chỉ biết là nhờ nghề thợ nề mà cuộc sống của gia đình được cải thiện đáng kể”. Và còn rất nhiều những người dân Đức Ninh Đông không chỉ thoát nghèo mà còn tạo được cơ ngơi khá giả trên mảnh đất vốn là xứ sở của “nề vương” này, góp phần giảm hộ nghèo hiện nay trong toàn phường xuống chỉ còn 19 hộ (chiếm 1,9% theo chuẩn mới).

Từ các nhóm thợ tự phát, hiện tại Đức Ninh Đông đã có 7 công ty TNHH về nghề xây dựng như Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Đức Thắng, Trường Thu, Đức Thiên, Bình Minh... Chủ nhân của các cơ sở này đều là những thợ nề vươn lên thoát nghèo chính đáng ở địa phương. Không chỉ đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, các công ty này còn thu hút, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và các vùng lân cận. Năm 2011, doanh thu từ TTCN và các ngành nghề, dịch vụ của địa phương đạt 71,2 tỷ đồng, chiếm 78,7% tổng thu nhập. Năm 2012, doanh thu từ các lĩnh vực này “hứa hẹn” tăng hơn so với năm trước. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm đã đạt 44 tỷ đồng, chiếm 58,7% kế hoạch, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nguồn thu chủ yếu là từ nghề xây dựng.


Ông Bùi Hồng Quân bày tỏ: Hiện tại mong muốn lớn nhất của người dân Đức Ninh Đông là địa phương được công nhận là làng thợ nề truyền thống, từ đó làm cơ sở thành lập hiệp hội làng nghề. Không phải đối mặt với “cơn khát vốn”, không lo lắng chuyện “đầu ra” và tình trạng ô nhiễm môi trường như các làng nghề khác hiện nay, việc phát triển làng nề theo hướng làng nghề truyền thống hoàn toàn phù hợp với xu hướng lấy phát triển ngành nghề làm khâu đột phá nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương.

                                                                               Đào Vân

 

,