.

Hướng đến lợi ích doanh nghiệp

.
09:54, Thứ Bảy, 22/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, Cục Hải quan Quảng Bình (HQQB) đã thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại, đối tác Hải quan-doanh nghiệp để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Theo thống kê từ Cục HQQB, 6 tháng đầu năm 2019, có 152 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan trên hệ thống VNACCS/VCIS. Tổng số tờ khai đã làm thủ tục hải quan là 8.548 tờ khai, trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 1.196,7 nghìn tấn, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 477 triệu USD.

Chị Hoàng Thị Nam Hương, Phó phòng Nghiệp vụ, Cục HQQB cho biết, ngành Hải quan coi việc tổ chức các hội nghị đối thoại là cơ hội để tiếp nhận thông tin, lắng nghe tiếng nói từ doanh nghiệp. Hội nghị đối thoại năm 2018 do Cục HQQB tổ chức thu hút hơn 100 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tham gia. Nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn nêu ra những khó khăn, vướng mắt cần ngành Hải quan tháo gỡ.

Trong đó tập trung vào những vấn đề, như: mã loại hình và phân luồng đối với mặt hàng tỏi củ khô, hành củ khô xuất khẩu; thủ tục xin gia hạn giấy phép xuất khẩu; các khoản phí phải khai báo cộng vào trị giá hải quan đối với hàng nhập khẩu; các thủ tục hải quan đối với mặt hàng quặng Barite nhập khẩu qua cửa khẩu phụ Cà Roòng; thủ tục nhập khẩu máy móc tạo tài sản cố định; thẩm quyền gia hạn thời gian quá cảnh hàng hóa; mức thu phí hạ tầng đối với phương tiện qua cửa khẩu Cha Lo…

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp là cầu nối để ngành Hải quan và doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Hội nghị đối thoại doanh nghiệp là cầu nối để ngành Hải quan và doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Thông qua hoạt động đối thoại, cơ quan Hải quan ghi nhận những khó khăn, vướng mắc về chính sách và thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan để kịp thời tháo gỡ, hoặc chuyển cho các cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Từ đó, giúp doanh nghiệp hiểu và thực hiện đúng chính sách pháp luật, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước.

Tại các hội nghị đối thoại, Cục HQQB cũng đã phổ biến những quy định mới có liên quan đến thủ tục hải quan để cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện. Tiêu biểu như: những điểm mới của Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới của thương nhân và mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới; Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Thông tư số 01/2018/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 27-2-2018…

Chị Hương cho biết thêm: “Các cuộc đối thoại giữa Hải quan-doanh nghiệp đã từng bước được chuyển biến về cách thức tổ chức, để thực sự trở thành công cụ hữu ích trong việc giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Ngành Hải quan cũng rất quan tâm khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hợp tác xây dựng cơ quan Hải quan ngày càng trong sạch, vững mạnh. Cơ quan Hải quan đã chủ động, tích cực thành lập các kênh kết nối để cộng đồng doanh nghiệp có thể kịp thời phản ánh, góp ý đối với hoạt động của cơ quan Hải quan các cấp”.

Nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về hải quan, HQQB đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-doanh nghiệp từ năm 2017. Các doanh nghiệp tham gia quan hệ đối tác đều là những doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, có kim ngạch xuất khẩu lớn, kho quan ngại hoạt động thường xuyên. Tiêu biểu như: Công ty TNHH Đức Toàn, Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh, Công ty CP vật liệu xây dựng Việt Nam…

Tham gia quan hệ đối tác Hải quan-doanh nghiệp, Cục HQQB có trách nhiệm đăng tải, thông tin đầy đủ, kịp thời các quy định, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; các chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về hải quan trong năm trên website của đơn vị để doanh nghiệp biết, thực hiện và tham gia góp ý; tổ chức các buổi làm việc với đối tác để nắm bắt thông tin, tình hình sản xuất kinh doanh, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Việc triển khai hiệu quả công tác trên đã góp phần đổi mới phương thức quản lý của cơ quan Hải quan và doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách pháp luật, hỗ trợ thực thi, giám sát, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm xây dựng ngành Hải quan “chuyên nghiệp-minh bạch-hiệu quả”, công tác cải cách hiện đại hóa hải quan ngày càng được mở rộng, đồng bộ ở tất cả các khâu nghiệp vụ hải quan và đi vào chiều sâu: từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đổi mới, hiện đại hóa chế độ, chính sách, quy trình thủ tục hải quan theo chuẩn mực quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật, phương tiện hiện đại cho tới sắp xếp tổ chức bộ máy hải quan, đổi mới phương thức quản lý cán bộ, đẩy mạnh quan hệ đối tác Hải quan-doanh nghiệp.

Hội nghị đối thoại mà ngành Hải quan thực hiện thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực. Những vướng mắc, bất cập của chính sách được doanh nghiệp phản ánh đã giúp cơ quan hải quan có những đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, kịp thời gỡ vướng cho doanh nghiệp.

Qua đó, tạo mối quan hệ tương tác tốt hơn giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp, tạo sự hợp tác, đồng hành để cùng thực hiện tốt chính sách, pháp luật hải quan. Bên cạnh đó, việc đối thoại cũng tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các chính sách mới, để từ đó chấp hành tốt hơn pháp luật về hải quan.

Tuy nhiên, sự kết nối, chia sẻ, đồng hành giữa Hải quan-doanh nghiệp vẫn cần có sự cải thiện trong thời gian tới, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát thực thi pháp luật trong lĩnh vực hải quan.

Lan Chi

,