.
Chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Lệ Thủy lần thứ nhất-năm 2019:

Đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

.
08:02, Thứ Ba, 18/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Lệ Thủy hiện có hơn 6.200 người, chiếm 4,3% dân số toàn huyện. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành, công tác xóa đói giảm nghèo và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS huyện Lệ Thủy đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi.
Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS huyện Lệ Thủy ngày một khang trang.
Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS huyện Lệ Thủy ngày một khang trang.
Những năm qua, huyện Lệ Thủy đã triển khai nhiều chương trình, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước giúp đồng bào DTTS xóa đói, giảm nghèo, như: Chương trình 135 đầu tư 19.924 triệu đồng để xây dựng giao thông, trường học, nước sạch...; Quyết định số 755/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn 3.181 triệu đồng; chính sách di dân, định canh định cư theo Quyết định số 33/QĐ-TTg 1.995 triệu đồng; Quyết định số 102/QĐ-TTg hỗ trợ người dân thuộc hộ nghèo 2.010 triệu đồng; hỗ trợ vay vốn 1.494 triệu đồng...
 
Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được đầu tư tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS có đường ô tô về trung tâm xã; 100% xã có trường phổ thông dân tộc bán trú và các điểm trường mầm non; 100% xã phủ sóng phát thanh, truyền hình; mạng điện thoại di động và mạng internet đã về đến trung tâm xã; 100% xã có điện lưới quốc gia với tỷ lệ hộ dùng điện đạt trên 95%.
 
Nhờ kết cấu hạ tầng kỹ thuật được tăng cường đầu tư nên hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp của vùng đồng bào DTTS Lệ Thủy có bước phát triển khá hơn trước. Hiện nay, 3 xã Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy có gần 180ha sản xuất 2 vụ lúa nước/năm, năng suất bình quân đạt 45tạ/ha; ngô 58ha, năng suất bình quân đạt 23 tạ/ha; lạc 51ha, năng suất bình quân đạt 20tạ/ha; đậu các loại 44ha, năng suất bình quân đạt 14tạ/ha. Nhiều hộ dân đã biết cải tạo vườn đồi, trồng rừng kinh tế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm hình thành các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp có hiệu quả kinh tế cao.
Trạm y tế quân dân y kết hợp được xây dựng khang trang, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS xã Kim Thủy.
Trạm y tế quân dân y kết hợp được xây dựng khang trang, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS xã Kim Thủy.
Lĩnh vực chăn nuôi có bước phát triển khá với tổng đàn gia súc 3.369 con, đàn gia cầm trên 49.000 con. Toàn huyện hiện có hơn 270 hộ đồng bào DTTS làm ăn khá, giỏi; trong đó có gần 130 hộ có thu nhập từ 30-50 triệu đồng/năm. Nhiều thôn, bản đã tổ chức thực hiện tốt công tác định canh định cư, phát triển sản xuất, đời sống đồng bào từng bước được nâng cao cả về tinh thần lẫn vật chất; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6%/năm.
 
Nhằm tạo điều kiện cho đồng bào phát triển kinh tế từ rừng, UBND huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng và các địa phương thực hiện giao đất, giao rừng cho người dân quản lý, bảo vệ.
 
Đến nay, có 241 hộ đồng bào DTTS được nhận đất lâm nghiệp với diện tích 249,64 ha; đã thực hiện việc giao 4.600 ha rừng cho 718 hộ nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ với kinh phí thực hiện 2.440 triệu đồng. Nhờ vậy, về cơ bản, địa phương đã giải quyết được tình trạng thiếu đất sản xuất ở vùng đồng bào DTTS.
 
Công tác xóa nhà tạm, nhà ở dột nát cho các hộ dân cũng đã được triển khai hiệu quả. Từ năm 2014 đến nay, toàn huyện có 35 hộ đồng bào DTTS nghèo được hỗ trợ nhà ở phòng, chống lụt bão với tổng số tiền 647,5 triệu đồng; 69 hộ đồng bào DTTS nghèo được hỗ trợ vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện để làm nhà ở.
 
Các năm qua, lĩnh vực giáo dục, đào tạo vùng đồng bào DTTS của huyện Lệ Thủy đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS đã thực hiện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Tỷ lệ huy động học sinh vào lớp 1 đạt trên 97%. Cùng với hệ thống trường phổ thông, trường dân tộc nội trú và các trường PTDT bán trú cũng đã được đầu tư xây dựng, góp phần quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực vùng DTTS.
 
Mạng lưới trạm y tế xã, trạm xá quân dân y kết hợp của Đồn Biên phòng Làng Ho từng bước được đầu tư xây dựng khá khang trang, phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh cho đồng bào DTTS. Thống kê toàn huyện Lệ Thủy có 21 cán bộ y tế đang công tác tại các trạm y tế xã, trong đó có 9 cán bộ y tế là người DTTS; 100% hộ đồng bào DTTS được cấp thẻ BHYT; tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin cho trẻ đạt trên 95%.
 
Về cơ bản, đồng bào DTTS huyện Lệ Thủy đều có ý thức xây dựng thôn, bản, gia đình văn hóa, bản làng ấm no, hạnh phúc. Đến nay, có 1.136 hộ được công nhận gia đình văn hóa, 14 thôn, bản được công nhận thôn, bản văn hóa cấp huyện, 100% thôn, bản xây dựng được quy ước, hương ước.
 
Từ năm 2014 đến nay, địa phương đã đầu tư hơn 16 tỷ đồng cho các xã vùng DTTS xây dựng nông thôn mới. Đồng thời chỉ đạo triển khai xây dựng các vườn mẫu kết hợp với du lịch tại bản Khe Sung, xã Ngân Thủy; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện hiệu quả ngày “Nông thôn mới-Đô thị văn minh”.
Đồng bào DTTS huyện Lệ Thủy tích cực tham gia sản xuất phát triển kinh tế.
Đồng bào DTTS huyện Lệ Thủy tích cực tham gia sản xuất phát triển kinh tế.
Nhờ tăng cường công tác xây dựng Đảng nên hiện tại, Lệ Thủy đã xóa được điểm trắng về tổ chức đảng và đảng viên vùng đồng bào DTTS. Hiện, tổng số đảng viên trên địa bàn các xã vùng đồng bào DTTS huyện là 537 đảng viên, trong đó có 269 đảng viên người DTTS. Toàn huyện hiện có 34 đảng viên người DTTS tham gia cấp ủy cơ sở; có 57 đại biểu hội đồng nhân dân các cấp là người DTTS; 26 già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia Ủy ban Mặt trận các cấp.
 
Đồng bào DTTS huyện Lệ Thủy cũng đã tích cực tham gia phong trào bảo vệ cột mốc, đường biên, cung cấp cho các cơ quan chức năng nhiều nguồn tin quan trọng trong việc đấu tranh, ngăn chặn vận chuyển ma túy, vật liệu nổ qua biên giới, vượt biên trái phép. Nhờ vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS được giữ vững, ổn định góp phần bảo vệ vững chắc an ninh biên giới và chủ quyền quốc gia.
 
“Với tinh thần “đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, thời gian tới, huyện Lệ Thủy sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; quan tâm bồi dưỡng, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho vùng DTTS; thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội, chăm lo phát triển về y tế, giáo dục, văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS; giữ vững và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc.”-ông Lê Văn Sơn cho biết thêm.
 
Tùy Phong
,