.

Ngành Công thương Quảng Bình: Hội nhập và phát triển

.
08:31, Thứ Bảy, 11/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong kháng chiến cũng như trong thời bình, ngành Công thương Quảng Bình luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước và phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà. Đến nay, sau 30 năm ngày tái lập tỉnh, ngành Công thương tiếp tục vươn mình đi lên để hội nhập và phát triển.

Vừa chiến đấu, vừa sản xuất

Trong hai cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp xâm lược, cán bộ, nhân viên ngành Công thương vừa dũng cảm chiến đấu, vừa hăng hái lao động sản xuất, hoàn thành nhiệm vụ chiến lược xây dựng cơ sở vật chất để củng cố hậu phương, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì thống nhất Tổ quốc”, các nhà máy, xí nghiệp sản xuất công nghiệp còn non trẻ, như: Xí nghiệp cơ khí 3-2, Xí nghiệp Phốt phát Minh Cầm, Cưa mộc Ba Đồn, Gạch ngói Phúc Duệ, Diêm Nhật Lệ, Giấy Chiến thắng, Phốt phát... đã sản xuất ngày đêm, phục vụ yêu cầu của chiến trường.

Bên cạnh đó ngành còn đảm đương tốt vai trò “nội trợ của xã hội”, xây dựng mạng lưới mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán rộng khắp, đưa hàng đến phục vụ từng cơ quan, xí nghiệp, trận địa để đáp ứng yêu cầu của sản xuất, chiến đấu.

Nhiều cán bộ, công nhân viên của ngành đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong khi làm nhiệm vụ, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân làm nên những chiến thắng vĩ đại, thống nhất đất nước.

Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, thực hiện chủ trương của Nhà nước, 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế sát nhập thành tỉnh Bình-Trị-Thiên. Ngành Công thương đã khẩn trương kiện toàn hệ thống sản xuất công nghiệp, thương nghiệp của tỉnh, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần cùng cả nước khắc phục hậu quả chiến tranh, tạo tiền đề quan trọng cho giai đoạn phát triển mới.

Tháng 7-1989, Quảng Bình trở lại địa giới hành chính cũ. Ngành Công thương luôn bám sát nghị quyết Đảng bộ tỉnh, trên cơ sở tài nguyên và các thế mạnh vốn có, cùng với nỗ lực của cán bộ trong ngành, hoạt động phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại đã có tiến triển.

Tuy vậy, nền công nghiệp của tỉnh quy mô còn nhỏ bé với hơn 10 nhà máy, xí nghiệp, công nghệ lạc hậu, yếu về năng lực sản xuất và tài chính. Giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 271 tỷ đồng.

Ngành Công thương Quảng Bình vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2014.
Ngành Công thương Quảng Bình vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2014.

Phát triển với diện mạo mới

Đến nay, sau 30 năm tái lập tỉnh, ngành Công thương có đóng góp trên 60% GRDP của tỉnh, góp phần quan trọng trong ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Bức tranh ngành công nghiệp đã có nhiều đổi thay về quy mô, diện mạo. Nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế được hình thành, như: Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới, Bắc Đồng Hới, Tây Bắc Quán Hàu, khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, Hòn La…

Các nhà máy, xí nghiệp được đầu tư với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, khai thác tốt thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển sản xuất, với các sản phẩm có thương hiệu trên thị trường, như: xi măng, clinker, bia, may xuất khẩu, phân bón, gỗ chế biến…

Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 1990-2019 tăng 14,1%. Tiểu thủ công nghiệp từng bước phát triển, du nhập thêm nhiều ngành nghề, như: mây tre đan, nón lá, mộc mỹ nghệ... góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động nông thôn.

Để khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh, công tác xúc tiến thu hút đầu tư được ngành Công thương đặc biệt chú trọng; tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh, trong và ngoài nước. Nhờ vậy, nhiều nhà đầu tư, tập đoàn, tổng công ty có năng lực và kinh nghiệm, như: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Dệt may Việt Nam, Vingroup, Tập đoàn Ayala Philippine, SCG Thái Lan… đã đến nghiên cứu, đầu tư các dự án phát triển công nghiệp và thương mại.

Nhiều dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đặc biệt, các dự án, như: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I&II công suất 2.400MW, các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), chế biến gỗ MDF 300-500 ngàn m3, may xuất khẩu 30-50 triệu sản phẩm… cũng đang được đầu tư xây dựng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và tạo nguồn thu cho ngân sách trong những năm tới.

Hoạt động thương mại có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ được tăng liên tục qua các năm, bình quân 20,5%/năm. Quy mô, số lượng doanh nghiệp, lực lượng lao động và hạ tầng thương mại cũng được đầu tư tăng lên đáng kể.

Năm 1990, toàn tỉnh có 4.087 cơ sở, đến năm 2019 là 57.228 cơ sở, tăng 14 lần so với năm 1990. Hệ thống hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, văn minh và tiện ích, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp và nông dân.

Từ những hàng quán đơn sơ, nhỏ lẻ, giờ đây, tại các khu vực đô thị, thị trấn, đã hình thành một số mô hình kinh doanh siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện ích…; đặc biệt, tỉnh đã có 1 trung tâm thương mại và 7 siêu thị lớn.

Hoạt động xuất nhập khẩu cũng có những bước tiến mới, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 1990 chỉ đạt 11 triệu USD, năm 2019 dự ước lên 300 triệu USD, tăng 27,2 lần. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, nếu như trước đây chủ yếu là các nước Đông Âu với các sản phẩm: mặt mây lục giác, chổi đót, lạc nhân; nay được mở rộng ra gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, với nhiều chủng loại sản phẩm: clinker, may xuất khẩu, phân vi sinh, gỗ MDF, hải sản, tinh bột sắn, titan, cao su, nhựa thông...

Với những kết quả đạt được 30 năm qua, ngành Công thương đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất…

Ông Phan Văn Thường, Giám đốc Sở Công thương cho biết, thời gian tới, ngành Công thương sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, như: chế biến nông-lâm-thủy sản, dệt may, công nghiệp điện và năng lượng tái tạo.

Trong đó, ngành sẽ lựa chọn, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, thiết bị tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại sẽ tiếp tục được chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ; hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường...

Lê Mai

,