.

'Hoạt động tín dụng đen diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy'

.
15:25, Thứ Hai, 20/05/2019 (GMT+7)

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội chỉ ra ‘tín dụng đen’ diễn biến rất phức tạp, làm mất trật tự an ninh xã hội trong khi công tác quản lý hoạt động này còn bất cập.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tại phiên họp sáng 20-5.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tại phiên họp sáng 20-5.

“Việc cơ cấu lại các ngân hàng bị mua bắt buộc và một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng vẫn còn khó khăn. Thêm vào đó, việc đáp ứng chuẩn mực vốn theo thông lệ quốc tế là thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại Nhà nước. Hoạt động ‘tín dụng đen’ diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm mất trật tự an ninh xã hội trong khi công tác quản lý hoạt động này còn bất cập.”

Nội dung trên được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh trong phần trình bày Báo cáo thẩm tra “Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019,” tại phiên khai  mạc Quốc hội khóa XIV mạc, Kỳ họp thứ 7, sáng ngày 20-5.

Áp lực từ nhiều phía

Theo báo cáo thẩm tra, trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã tích cực triển khai cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, đề án cụ thể, nhờ đó bốn tháng qua vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018 với tốc độ tăng trưởng đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát...

Tuy nhiên, báo cáo từ Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội chỉ ra một số nội dung cơ bản cần phải trú trọng. Cụ thể, sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang có dấu hiệu chững lại, có một số ý kiến băn khoăn về khả năng duy trì các động lực sản xuất của ngành này. Thêm vào đó, thị trường nội địa còn thiếu vắng các sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp cơ khí, hỗ trợ tham gia vào tổ hợp sản xuất mới còn rất thấp.

Bên cạnh những vấn đề tồn tại của ngành công nghiệp thì sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng có nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh có khả năng tác động xấu đến chăn nuôi cộng thêm thời tiết không thuận lợi, hạn hán xuất hiện sớm ở một số khu vực có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống. Và, vấn đề muôn thuở tiếp tục được nêu ra là công tác dự báo cung, cầu vẫn còn bất cập.

Đăng ký doanh nghiệp chậm lại

Trong nền kinh tế, cơ cấu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục xu thế dịch chuyển với những đóng góp lớn từ khu vực kinh tế tư nhân, xuất hiện nhiều thương hiệu lớn mạnh trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, cảng hành khách quốc tế, hàng không, sân bay, bệnh viện, sản phẩm công nghệ cao...

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra một dấu hiệu cần lưu ý, đó là tình hình đăng ký doanh nghiệp có xu hướng chậm lại. Do đó, ông cho rằng Chính phủ cần tăng cường kiểm tra các bộ, ngành để bảo đảm tính thực chất của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.

Ngoài ra, quá trình cơ cấu lại và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm được cải thiện và chưa đạt kết quả như yêu cầu. Báo cáo của Ủy ban Quốc hội đề cập, việc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới hoạt động nên công tác phối hợp và phân công trách nhiệm với các bộ, ngành chưa rõ ràng, nhất là trong quản lý nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp.

Giảm bớt thủ tục hành chính

Năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong việc “bứt phá” để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Do đó, Báo cáo của Ủy ban Kinh tế đề xuất một số kiến nghị, trong đó liên quan đến việc giảm bớt thủ tục hành chính cần phải được thực hiện một cách thực chất và mạnh mẽ hơn đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng và giao thông…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, nhằm phát triển kinh tế tư nhân, cần khuyến khích khu vực này tham gia đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia. Bên cạnh đó là việc đồng bộ hóa các giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.

Để giải quyết các vướng mắc trong khu vực ngân hàng, đề xuất từ Ủy ban Kinh tế cho rằng các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường sự chủ động và phối hợp trong xử lý nợ xấu đồng thời cần có sự nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.

Ngoài ra, với tình trạng “tín dụng đen,” báo cáo Ủy ban Kinh tế khuyến nghị, cần có những giải pháp xử lý quyết liệt, đồng bộ và sớm hoàn thiện các chế tài xử phạt cũng như giải pháp phát triển nền tài chính toàn diện, tập trung vào tài chính vi mô và tài chính tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn đồng thời kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao…

Theo Nhóm P.V (Vietnam+)

,