.

Cần quản lý chất lượng đầu ra với rượu thủ công truyền thống

.
14:11, Thứ Năm, 23/05/2019 (GMT+7)

Đóng góp cho dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đại biểu Quốc hội cho rằng không nên phân biệt giữa sản xuất rượu thủ công và truyền thống đồng thời quản chặt chất lượng đầu ra.

Đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương phát biểu.

(Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 23-5, bà Nguyễn Thị Thúy Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Nên có lộ trình tăng thuế với rượu, bia

Tại nội dung đề cập tới các chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, báo cáo cho biết, một số đại biểu đề nghị áp dụng các chính sách thuế phù hợp nhằm giảm mức tiêu thụ rượu, bia trong đời sống. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng các quy định nên cụ thể lộ trình tăng thuế ngay trong Luật và bổ sung chính sách thuế theo hướng mức thuế tương ứng với nồng độ cồn trong rượu, bia.

Về những vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thúy Anh cho hay: "Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy lộ trình tăng thuế cũng như việc áp mức thuế suất đối với rượu, bia theo nồng độ cồn nên để pháp luật chuyên ngành về thuế quy định sẽ phù hợp hơn và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về thuế. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không quy định vấn đề thuế tại Điều này của dự thảo Luật."

>> Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Tuy nhiên, đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh, tác hại của việc lạm dụng rượu, bia là rất nghiêm trọng, thậm chí đây là nguyên nhân gây đến tàn tật, rối loạn tinh thần, tai nạn giao thông, vào vòng lao lý, bệnh tật… đe dọa trực tiếp không chỉ người sử dụng mà cả những người xung quanh, vì vậy dự thảo Luật phải nêu rõ nội dung này nhằm chuyển biến về nhận thức trong xã hội.

Thêm vào đó, đại biểu Ngọc Phương cho rằng, nhằm giảm mức tiêu thụ rượu, bia trong xã hội cần phải bổ sung đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đồng thời phải đưa quy định này vào vào Luật để nâng cao tính hiệu quả.

Ngoài ra, đại biểu này cho rằng, việc thực thi pháp luật tại Việt Nam hiện chưa nghiêm cộng thêm các mức quy định xử phạt rất nhẹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng rượu, bia gây ra các hậu quả nghiêm trọng như thời gian qua.

“Không chỉ Ủy ban các cấp mà các bộ, ngành, xã, phường... cũng phải tham gia vào quá trình giám sát, xử lý trong các vi phạm này,” ông Phương nói.

Không phân biệt rượu thủ công và công nghiệp

Với ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung chính sách khuyến khích phát triển các làng nghề sản xuất rượu thủ công truyền thống, bà Nguyễn Thị Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc này là cần thiết nhằm chuyên môn hoá, tăng cường chất lượng và uy tín của rượu thủ công cũng như thuận tiện cho công tác quản lý Nhà nước.

Song việc này nên để pháp luật về phát triển làng nghề quy định sẽ phù hợp hơn. Và, dự thảo Luật chỉ quy định chính sách “tăng cường quản lý kinh doanh rượu thủ công” trong phòng, chống tác hại của rượu, bia nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn của các sản phẩm rượu thủ công được sản xuất, lưu hành trên thị trường.

Theo đại biểu Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên Huế), việc thống kê và giám sát các hộ sản xuất rượu tại địa phương là rất cần thiết. Thêm đó, khi Luật đi vào đời sống, giá bán rượu, bia trên thị trường sẽ tăng, song các hộ sản xuất rượu thủ công thường nộp thuế thấp hơn so với các cơ sở sản xuất công nghiệp dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

Ủng hộ báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề xuất thêm kiến nghị, nhằm đảm bảo chất lượng sản xuất rượu bia, cũng như tính cạnh tranh công bằng với các hoạt động sản xuất sản phẩm với mục đích thương mại, đề nghị dự thảo Luật cần nghiên cứu bổ sung quy định quản lý chất lượng đầu ra đồng thời không nên phân biệt giữa sản xuất thủ công và sản xuất công nghiệp trong sản xuất rượu, bia.

Can quan ly chat luong dau ra voi ruou thu cong truyen thong hinh anh 1Đại biểu quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Lê Anh Tuấn phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đại biểu quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Lê Anh Tuấn phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhìn chung, hầu hết các đại biểu nhất trí việc quy định các biện pháp quản lý rượu thủ công, song dự thảo Luật cần đảm bảo tính khả thi, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thêm vào đó, một số đại biểu đề nghị phải bao quát cả với cá nhân, hộ gia đình nấu rượu với mục đích bán cho những người xung quanh. Các giải pháp cần tiến tới mục tiêu rượu thủ công được kiểm soát, đạt chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa tác hại đối với sức khỏe và không tác động bất lợi đến rượu thủ công truyền thống.

Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) nhấn mạnh, “nội dung dự thảo Luật cần phải phù hợp với cam kết trong các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Ngoài biện pháp thuế tiêu thụ đặc biệt, cần phải kiểm soát các biện pháp hạn chế khác cho phù hợp các cam kết quốc tế”.

Theo Nhóm P.V (Vietnam+)

,