.
Thảo luận của đại biểu Nguyễn Văn Man, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Tập trung ưu tiên giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi

.
07:57, Thứ Năm, 08/11/2018 (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Man, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phát biểu về tình hình thực hiện chính sách dân tộc và miền núi.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Man, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phát biểu về tình hình thực hiện chính sách dân tộc và miền núi.

Trước hết, tôi nhất trí cao với các báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của Chính phủ đã trình trước Quốc hội. Có thể khẳng định, những kết quả đạt được là rất cơ bản; thể hiện sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc quản lý, điều hành, chỉ đạo thực hiện các vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhiều vấn đề báo cáo đã chỉ ra, các đại biểu phát biểu trước tôi cũng đã bổ sung làm rõ; vì vậy, tôi xin không nhắc lại. Ở đây, tôi muốn thảo luận thêm một số vấn đề liên quan trong Báo cáo của Chính phủ về kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Báo cáo của Chính phủ về nội dung này đã đề cập khá sâu đến những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, bất cập và rút ra những nguyên nhân cơ bản; đồng thời, đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu trong việc thực hiện chính sách dân tộc và miền núi đến năm 2020.

Về kết quả đạt được, chúng ta thấy rõ, trong giai đoạn 2016-2018, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, chính sách, như: Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; chính sách vay vốn đối với hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số; các chính sách liên quan đến giáo dục, đào tạo, dạy nghề, khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Nhìn chung, các chương trình, chính sách cơ bản được ban hành và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả; đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập. Báo cáo của Chính phủ tuy đã đề cập đến vấn đề này, nhưng còn khái quát chung, nên chưa làm rõ thực trạng, nhất là những bất cập trong việc ban hành và thực hiện một số chương trình, chính sách. Qua giám sát, đặc biệt là qua tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri phản ánh, kiến nghị một số chương trình chính sách chưa phát huy tác dụng dẫn đến việc tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi lên một số vấn đề như sau:

- Một là: Việc bố trí kinh phí để thực hiện các Chương trình, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cho vùng miền núi, dân tộc thiểu số chưa đảm bảo, chưa đáp ứng được mục tiêu của các chương trình đề ra, gây ra tình trạng manh mún, giảm sút hiệu quả đầu tư.

Ví dụ: Định mức đầu tư của Chương trình 135 đối với các xã đặc biệt khó khăn là 1,5 tỷ đồng/xã/năm; 300 triệu đồng/thôn bản/năm và tăng thêm 10%/năm (từ năm 2017 trở đi) là quá thấp. Trong khi đó, việc phân bổ kinh phí hằng năm cho các địa phương chậm, dẫn đến việc triển khai thực hiện không đảm bảo theo niên khóa tài chính và trễ mùa vụ sản xuất của bà con.

- Hai là: Một số chính sách ban hành đã nhiều năm, bộc lộ nhiều bất cập nhưng không sửa đổi. Chẳng hạn, Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ với định mức hỗ trợ:

(+) Người dân thuộc hộ nghèo ở xã Khu vực II, xã biên giới, xã bãi ngang, hải đảo vùng khó khăn là 80.000 đồng/người/năm;

(+) Đối với người dân thuộc hộ nghèo ở xã Khu vực III vùng khó khăn là 100.000 đồng/người/năm.

Chính sách này đã ban hành gần 10 năm nhưng chưa thay đổi; với mức hỗ trợ như trên trong điều kiện hiện nay là rất thấp. Nó chỉ mang tính giải quyết khó khăn trước mắt,  không hiệu quả đối với việc xóa đói, giảm nghèo cho người dân ở các xã vùng khó khăn.

- Ba là: Một số chương trình, dự án đã được phê duyệt nhưng việc phân bổ kinh phí thực hiện chậm. Đơn cử như: “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025” được ban hành theo Quyết định 2086 năm 2016 của thủ Tướng Chính phủ đến nay đã 02 năm rồi nhưng vẫn chưa phân bổ kinh phí để triển khai thực hiện.

- Bốn là: Việc thực hiện các chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số được giao cho nhiều đầu mối thực hiện, do đó, rất khó khăn trong việc lồng ghép các nguồn lực để thực hiện, dẫn đến nguồn lực bị phân tán, chồng chéo, hiệu quả thực hiện thấp.

- Năm là: Chính sách nhiều, chương trình dự án nhiều nhưng còn nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả còn thấp; con số 34 xã trong tổng số 2.139 xã thực hiện Chương trình 135 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sau nhiều năm triển khai đã khẳng định điều đó.

Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, cùng với những bất cập, hạn chế báo cáo Chính phủ đã chỉ ra, đề nghị thời gian tới trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, Chính phủ cần tập trung ưu tiên giải quyết một số vấn đề sau:

+ Thứ nhất: Rà soát một cách tổng thể các chương trình, chính sách về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã ban hành để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những chính sách không còn phù hợp, không hiệu quả hoặc có tác dụng không lớn. Ví dụ, như chính sách hỗ trợ 80.000 đồng hay 100.000 đồng mỗi người mỗi năm vừa không cải thiện được gì, mà lại tạo nên tâm lý trông chờ, ỷ lại cần bãi bỏ để tập trung cho những chính sách căn cơ hơn.

Mặt khác, trong lúc ngân sách còn eo hẹp, cần tập trung ưu tiên đầu tư thực hiện những chính sách phát triển về hạ tầng, kinh tế, không nên chia nhỏ nguồn vốn đề thực hiện một lúc đồng bộ các chính sách, vì như vậy sẽ manh mún, kém hiệu quả; đồng thời, cần giao cho một đầu mối chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện các chính sách để thống nhất các nguồn lực tránh sự dàn trải, manh mún và không hiệu quả.

+ Thứ hai: Cần điều tiết, phân bổ nguồn vốn đầu tư một cách hợp lý giữa các vùng, miền. Một thực tế hiện nay là chúng ta đang ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bằng, ven biển nhiều hơn vùng miền núi; đầu tư cho thành thị nhiều hơn nông thôn. Cần nghiên cứu quy hoạch để đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng một số trung tâm kinh tế-văn hóa-xã hội lớn, có tính trọng điểm ở vùng miền núi, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số để tạo điểm nhấn, qua đó kích cầu sự phát triển của các khu vực vành đai; nhất là các vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch hang động, leo núi, du lịch tâm linh, sinh thái…

+ Thứ ba: Quan tâm đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm về địa lý, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu của từng vùng miền thuộc khu vực miền núi để định hướng sản xuất ổn định, đồng bộ; qua đó, có chiến lược giúp đồng bào dân tộc thiểu số và người dân miền núi đầu tư sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt một cách hợp lý, hiệu quả và bao tiêu sản phẩm đầu ra để phát triển kinh tế hàng hóa miền núi; khắc phục tình trạng sản xuất tự phát, tự cung, tự cấp có tính chất manh mún, thời vụ.

+ Thứ tư: Quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp xã; bên cạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực tại chỗ, cần lựa chọn những cán bộ có đức, có tài, thực sự có tâm huyết và có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo xây dựng phát triển kinh tế-xã hội từ miền xuôi để điều động tăng cường cho các xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nhằm tạo những chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội địa phương ở cơ sở đã đề ra.

+ Thứ năm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật; nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, chính sách về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trong cộng đồng dân cư vùng dân tộc thiểu số và miền núi một cách thực chất, hiệu quả hơn với nhiều hình thức, nội dung và phương pháp phù hợp.




 

,