.
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV:

Tích cực tham gia các hoạt động của kỳ họp

.
10:32, Thứ Tư, 31/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc vào ngày 22-10-2018. Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nội dung, trong đó có những nội dung hết sức quan trọng, như: bầu Chủ tịch nước; lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn giữa nhiệm kỳ; xem xét, đánh giá các báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội 3 năm và năm 2018 của Chính phủ; thảo luận và biểu quyết thông qua một số dự án luật và cho ý kiến đối với một số dự án luật khác theo nội dung, chương trình đã báo cáo cử tri trước kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình phát biểu tại kỳ họp.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình phát biểu tại kỳ họp.

Tham gia kỳ họp, ngay trong tuần làm việc đầu tiên, các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã tích cực tập trung nghiên cứu tài liệu, hồ sơ nhân sự giới thiệu bầu Chủ tịch nước cũng như hồ sơ các cá nhân được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần này để có những quyết định đúng đắn; đồng thời, đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến đối với các nội dung được đưa ra thảo luận tại các phiên họp.

Trong phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội; đặc biệt là thảo luận báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã phát biểu đánh giá báo cáo lần này được chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng, đề cập sâu đến nhiều ưu điểm và cũng thẳng thắn chỉ ra được những bất cập, hạn chế cơ bản.

Đánh giá về kết quả đạt được, đại biểu khẳng định, sau 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020, đất nước đã kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế; phát huy được ngành, lĩnh vực lợi thế; ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực phát triển KT-XH. Một số chủ trương, chính sách đề ra được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tạo được niềm tin và dấu ấn khá sâu sắc trong lòng dân, như: chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo; chủ trương phòng, chống tham nhũng, tinh giản biên chế…

Phân tích sâu thêm một số lĩnh vực, đại biểu cho rằng, lĩnh vực tài chính đã có những giải pháp tích cực thắt chặt chi tiêu, giảm thiểu nợ công, tăng thu ngân sách. Hệ thống ngân hàng đã tập trung ổn định dự trữ ngoại hối, điều hành tín dụng tăng trưởng, chất lượng chính sách, hiệu quả chương trình tín dụng được nâng cao, điều tiết tiền tệ hợp lý; khuôn khổ pháp lý về tái cơ cấu xử lý nợ xấu được hoàn thiện dần.

Lĩnh vực môi trường được quan tâm có nhiều giải pháp quản lý, thanh tra, xử lý; lĩnh vực y tế có nhiều tiến bộ cả về y đức và y thuật, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao áp dụng hiệu quả, việc xây dựng mạng lưới y tế cơ sở được quan tâm đầu tư; vấn đề khám chữa bệnh BHYT được cải thiện; chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao; chính sách người có công, chính sách cho đồng bào dân tộc, cho hộ nghèo được quan tâm.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong những năm gần đây. Tăng trưởng GDP 6,89%. Kim ngạch xuất khẩu; cán cân thương mại, giá trị thặng dư; dự trữ ngoại hối tăng; cải cách tư pháp có nhiều tiến bộ; năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên. Vốn FDI và thị trường chứng khoán có bước phát triển; khách quốc tế đến Việt Nam tăng 30%.

Theo đại biểu, tất cả những thành tựu trên đã khẳng định rõ xu hướng phục hồi, phát triển của nền kinh tế, làm cho đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Quốc hội và Chính phủ được củng cố; qua đó, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển KTXH trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đánh giá cao những kết quả đạt được, đại biểu cũng đã chỉ ra một số vấn đề bất cập, hạn chế, mặc dù đã được cử tri và nhân dân đề xuất, kiến nghị, nhiều lần, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng chưa khắc phục được.

Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ thời gian tới cần quan tâm thực hiện một số vấn đề cụ thể, như: cần ráo riết chỉ đạo cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh, phân cấp trong một số lĩnh vực để tạo điều kiện cho các địa phương và doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư một cách nhanh chóng, nhất là việc phân bổ nguồn vốn kịp thời.

Tích cực chỉ đạo tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm, ngăn chặn tình trạng bạo lực, các tệ nạn xã hội. Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, nhất là các vụ việc có dấu hiệu oan sai; đồng thời, có biện pháp quyết liệt, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh trật tự, làm mất an toàn xã hội và ảnh hưởng đến môi trường văn hóa-xã hội. Tập trung chỉ đạo đấu tranh quyết liệt hơn nữa nhằm khắc phục tình trạng buôn lậu, hàng nhái, hàng giả; trốn thuế, gian lận thương mại.

Ngoài những vấn đề trên, liên quan đến một số bất cập, vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, như: việc quy định dự án sử dụng đất hỗn hợp cũng phải thực hiện đấu giá đối với phần diện tích đất thuộc phạm vi áp dụng của Nghị định này sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án, do nhà đầu tư đã thực hiện thỏa thuận bồi thường đối với các phần đất áp dụng theo Luật Đất đai; việc quy định đối với các trường hợp bán chỉ định đều phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định; đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo khắc phục.

Đối với các Dự án sử dụng đất hỗn hợp trong đó có diện tích đất thuộc phạm vi áp dụng Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, khi nhà đầu tư đề xuất dự án và thực hiện xong phần thỏa thuận bồi thường hỗ trợ đối với phần diện tích thuộc phạm vi áp dụng theo Luật Đất đai thì phần diện tích đất còn lại thuộc phạm vi áp dụng Nghị định 167/2017/NĐ-CP đề nghị giao cho nhà đầu tư theo hình thức thuê đất không thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đối với các trường hợp bán chỉ định, đề nghị quy định mức cụ thể để phân cấp cho địa phương (UBND tỉnh) thực hiện quyết định việc bán chỉ định, các trường hợp tài sản có giá trị lớn theo mức quy định cụ thể sẽ cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với các dự án đầu tư trên các địa bàn được ưu đãi đầu tư mà có sử dụng đất thuộc các nông, lâm trường, các công ty nông-âm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ, đề nghị được áp dụng theo Luật Đất đai và Luật Đầu tư, nhất là quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 110, Điểm b Khoản 2 Điều 118 của Luật Đất đai 2013 và Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư để cho phép nhà đầu tư các dự án được thực hiện giao đất hoặc cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá.

Tham gia phiên thảo luận về kinh tế-xã hội vào chiều ngày 27-10-2018, đại biểu Nguyễn Văn Man, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy Trưởng Bộ CHQS tỉnh đã phát biểu đóng góp ý kiến đối với báo cáo đánh kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Chính phủ.

Theo đại biểu, báo cáo của Chính phủ về nội dung này đã đề cập khá sâu đến những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, bất cập và rút ra những nguyên nhân cơ bản; đồng thời, đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu trong việc thực hiện chính sách dân tộc và miền núi đến năm 2020.

Sau khi phân tích, đánh giá ghi nhận những kết quả đạt được, đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được tiếp thu thực hiện hiệu quả, như: việc bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp, chưa bảo đảm, chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra.

Việc phân bổ kinh phí hàng năm cho các địa phương chậm, dẫn đến việc triển khai thực hiện không đảm bảo theo niên khóa tài chính và trễ mùa vụ sản xuất của bà con; một số chính sách ban hành đã nhiều năm, bộc lộ nhiều bất cập nhưng không sửa đổi, như: chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102/QĐ-TTg năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ…

Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, đại biểu đề nghị Chính phủ trong thời gian tới cần tập trung ưu tiên giải quyết một số vấn đề, như:

- Rà soát một cách tổng thể các chương trình, chính sách về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã ban hành để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những chính sách không còn phù hợp, không hiệu quả hoặc có tác dụng không lớn. Ưu tiên đầu tư thực hiện những chính sách phát triển về hạ tầng, kinh tế. Nghiên cứu giao cho một đầu mối chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện các chính sách để thống nhất các nguồn lực.

- Quan tâm điều tiết, phân bổ nguồn vốn đầu tư một cách hợp lý giữa các vùng, miền; nghiên cứu quy hoạch để đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng một số trung tâm kinh tế-văn hóa-xã hội lớn, có tính trọng điểm ở vùng miền núi, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số để tạo điểm nhấn, qua đó kích cầu sự phát triển của các khu vực vành đai; nhất là các vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch hang động, leo núi, du lịch tâm linh, sinh thái.

- Quan tâm đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm về địa lý, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu của từng vùng miền thuộc khu vực miền núi để định hướng sản xuất ổn định, đồng bộ; qua đó, có chiến lược giúp đồng bào dân tộc thiểu số và người dân miền núi đầu tư sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt một cách hợp lý, hiệu quả và bao tiêu sản phẩm đầu ra để phát triển kinh tế hàng hóa miền núi.

-Quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp xã. Chú trọng lựa chọn những cán bộ có đức, có tài, thực sự có tâm huyết và có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo xây dựng phát triển kinh tế-xã hội từ miền xuôi để điều động tăng cường cho các xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật; nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, chính sách về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trong cộng đồng dân cư vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phong Hồng-Hồng Nhung (thực hiện)
 

,