.

Hội nghị trực tuyến chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 26

.
08:14, Thứ Ba, 14/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 13-8, trong khuôn khổ phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 63 điểm cầu trong cả nước.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội; đại diện Thường trực HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQVN tỉnh; các Ban của HĐND tỉnh, các sở, ngành liên quan.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Buổi sáng, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu đã tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất: Việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục-đào tạo, y tế…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã trả lời các nội dung này với sự tham gia trả lời chất vấn , giải trình về những vấn đề của một số thành viên Chính phủ.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Phương đã chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến với nội dung: Thời gian qua có nhiều văn bản pháp luật liên quan chính sách dân tộc thiểu số, song như Bộ trưởng cho biết là chưa hoàn thiện. Vậy Bộ trưởng cho biết sẽ tổ chức thế nào, giải pháp gì để thực hiện chính sách dân tộc thời gian tới?  Đồng chí Đỗ Văn Chiến đã trả lời: Về tổng thể chính sách bao phủ hầu hết các mặt từ y tế, văn hoá giáo dục, hạ tầng, sinh kế... chưa đạt hiệu quả vì: Có chính sách chỉ khung, chưa xác định rõ nguồn lực; có chính sách chưa cân đối hoặc cân đối thấp; chính sách kéo dài tương ứng nhiệm kỳ nên giữa hai nhiệm kỳ thì chính sách chưa được triển khai liên tục; đồng bào sinh sống ở nơi khó khăn về địa lý,  khí hậu, thiếu đất. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ cũng khiến dẫn đến sự dựa dẫm, thậm chí không muốn ra hộ nghèo. Các giải pháp trong thời gian tới là, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, địa phương ủng hộ nghiên cứu tích hợp chính sách thành chương trình mục tiêu quốc gia 10 năm; hướng tới cơ chế tăng vay ưu đãi, giảm cho không; hỗ trợ nhưng có cam kết cụ thể kèm theo để tăng hiệu quả hỗ trợ.

Kết thúc phiên họp buổi sáng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình thay mặt Chính phủ cảm ơn các ý kiến chất vấn và tiếp thu, ghi nhận ý kiến đối với Chính phủ trong xây dựng và thực hiện chính sách. 

Bước sang phiên họp buổi chiều, đại biểu tiếp tục chất vấn các nội dung liên quan đến nhóm vấn đề thứ hai: Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma tuý. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời ý kiến chất vấn với sự tham gia trả lời chất vấn, giải trình của các bộ, ngành liên quan.

Sau phát biểu kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ về phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu kết thúc toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, sau một ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, phiên chất vấn với hai Bộ trưởng đã hoàn thành theo đúng chương trình đề ra. Đây là phiên chất vấn thứ hai tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội áp dụng “hỏi nhanh, đáp gọn”. Các Bộ trưởng nắm chắc tình hình, giải đáp các câu chất vấn.

N.M

 

 

,