.

Trường học xanh

Chủ Nhật, 06/10/2024, 06:05 [GMT+7]

Mang cây xanh vào lớp học, xây dựng mô hình rau sạch ngay tại trường, đầu tư thư viện xanh… là những hoạt động được các trường học, cơ sở giáo dục chú trọng nhằm mang lại cho cán bộ, giáo viên và học sinh một môi trường sư phạm xanh-sạch-đẹp, an toàn, thân thiện.

 

MANG CÂY XANH VÀO LỚP HỌC, XÂY DỰNG MÔ HÌNH RAU SẠCH NGAY TẠI TRƯỜNG, ĐẦU TƯ THƯ VIỆN XANH… LÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG ĐƯỢC CÁC TRƯỜNG HỌC, CƠ SỞ GIÁO DỤC CHÚ TRỌNG NHẰM MANG LẠI CHO CÁN BỘ, GIÁO VIÊN (CB, GV) VÀ HỌC SINH (HS) MỘT MÔI TRƯỜNG SƯ PHẠM XANH-SẠCH-ĐẸP, AN TOÀN, THÂN THIỆN. VIỆC “XANH HÓA” TRƯỜNG HỌC CÒN GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TOÀN DIỆN, TẠO KHÔNG GIAN GIÁO DỤC “MỞ” ĐỂ HS ĐƯỢC TIẾP XÚC VỚI THIÊN NHIÊN BẰNG CÁC GIÁC QUAN… QUA ĐÓ, VUN BỒI THÊM TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC, NÂNG CAO Ý THỨC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG MỖI HS.

 

Đến Trường tiểu học số 1 Đại Trạch (Bố Trạch) giữa cái nắng gay gắt mới cảm nhận rõ hiệu quả từ việc xây dựng khuôn viên trường, lớp xanh-sạch-đẹp mang lại. Với diện tích khá rộng rãi, nhà trường đã phủ xanh khuôn viên bằng nhiều loại cây lâu năm như xà cừ, bàng, phượng vĩ…

 

Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Kiều Nhung cho hay: Xác định xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp là nhiệm vụ quan trọng để tạo ra môi trường giáo dục tốt, nhà trường rất quan tâm đến việc trồng, chăm sóc các loại cây xanh, tạo các điểm nhấn ở thư viện xanh, khu vui chơi cho HS, đặt nhiều ghế đá dưới các gốc cây để CB, GV, HS nghỉ ngơi, thư giãn sau giờ học. Trường hạn chế trồng các loại cây cảnh, hoa quý vì đòi hỏi nhiều công chăm sóc và kinh phí mua giống mà thay vào đó là trồng những loại cây dễ chăm và cây cho bóng mát.

 

Nổi bật trong khuôn viên trường là những góc thư viện xanh được các thầy cô giáo đầu tư nhiều công sức nhằm tạo ra không gian đẹp, bắt mắt. Chị Đặng Thị Xuân, phụ trách công tác thư viện nhà trường chia sẻ: Trường có nhiều GV rất “khéo” trong việc thiết kế các mô hình, góc hoạt động, tạo dáng cho cây, hoa, trang trí các mảng tường bằng những hình vẽ ngộ nghĩnh, trong đó phải kể đến vai trò của thầy giáo Nguyễn Trung Hóa (giảng dạy bộ môn Âm nhạc) và cô Nguyễn Thị Sinh (giảng dạy bộ môn Mỹ thuật). Nhờ có được không gian đẹp, thoáng mát, nên thư viện xanh luôn thu hút rất đông HS đến đọc sách.

 

 

Khuôn viên Trường mầm non (MN) Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) cũng được phủ xanh bởi nhiều loại cây lâu năm và các loại cây dây leo, tạo ra những tấm rèm xanh dọc theo các lối đi. Hiệu trưởng nhà trường Đào Thị Thanh Xuân cho biết: Nhằm mang đến cho HS những không gian trải nghiệm, hàng năm nhà trường luôn nâng cấp, cải tạo khuôn viên, chú trọng đầu tư mô hình vườn cổ tích và các khu vui chơi phát triển vận động cho trẻ. Mỗi mùa mưa bão, ngoài việc bảo quản trang thiết bị ngoài trời, trường luôn có giải pháp để bảo vệ cây xanh như chằng chống, hạn chế chặt hoặc chỉ chặt bớt những cành lớn, nặng nhưng vẫn bảo đảm để cây sống, phát triển…

 

 

Huyện Lệ Thủy là một trong những địa phương triển khai tốt hoạt động xây dựng môi trường trải nghiệm xanh, sáng tạo cho trẻ ở bậc học MN, nhất là những trường thuộc vùng khó khăn.

 

Chia sẻ về hoạt động này, cô Nguyễn Thị Thu Hiền, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Lệ Thủy cho biết: Phòng hiện có 26 trường MN, trong đó có 3 trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn là MN Lâm Thủy, MN Kim Thủy, MN Ngân Thủy và nhiều trường thuộc vùng bãi ngang ven biển, vùng miền núi. Để có được những trường học xanh trên vùng khó, Phòng GD-ĐT huyện đã tăng cường công tác chỉ đạo các trường học tham mưu với chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch xây dựng điểm trường mới, mở rộng diện tích khuôn viên để xây dựng khu vui chơi ngoài trời cho trẻ. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên các trường MN vùng khó trên địa bàn huyện cơ bản đều có khuôn viên thoáng mát, được trồng nhiều cây xanh, thảm cỏ và có mô hình rau sạch, các khu vui chơi, góc vận động…

 

 

Từ một ngôi trường thiếu không gian xanh, năm học 2023-2024, Trường MN Hòa Trạch (Bố Trạch) bắt tay vào xây dựng môi trường bên ngoài theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm với phần lớn kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa.

 

Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Lê không giấu được niềm vui khi kể cho chúng tôi nghe về những thành quả mà trường đạt được từ khi thực hiện “xanh hóa” khuôn viên trường, lớp, bố trí các khu trải nghiệm cho trẻ với nhiều mô hình, góc hoạt động khác nhau. Mỗi buổi đến trường, trẻ được dạo chơi, khám phá vườn cổ tích trong không gian xanh mát. Toàn bộ diện tích của vườn được trồng bằng loại cỏ nhung Nhật xanh mướt, với chiếc cầu bắc qua dòng suối nhỏ và những con vật ngộ nghĩnh đáng yêu. Trẻ còn được leo trèo trên những ngọn đồi, sườn núi (nhân tạo), được ngắm nhìn cô Tấm thảo hiền bên giếng nước cùng những tổ chim treo lủng lẳng trên cành cây…

 

Giữa không gian đầy màu xanh của cây, cỏ, màu vàng, đỏ, tím, hồng của các loại hoa, trường còn đầu tư mô hình thư viện của bé, góc spa, góc âm nhạc, khu vui chơi bằng cát, hồ nước, khu động vật và ấn tượng nhất là các khu trải nghiệm như chợ quê với việc tạo ra nhiều gian hàng bày bán đủ các loại nông sản để trẻ thỏa sức chơi trò mua bán; có vườn rau sạch, góc “nghề nông quê em” thiết kế rất đẹp mắt. Nơi đây không chỉ cung cấp trên 80% nguồn rau sạch phục vụ bữa ăn bán trú cho trẻ mà còn là nơi để trẻ trải nghiệm hoạt động làm đất, tưới cây, nhổ cỏ, nhận biết các loại rau, củ, quả.

 

 

“Tôi dạy học ở trường gần 15 năm từ những ngày trường còn nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất chưa đồng bộ. Mỗi thời điểm, trường đều có những bước chuyển đáng mừng trên hành trình phát triển, nhưng điều làm chúng tôi vui nhất là từ khi trường thực hiện thành công mô hình môi trường bên ngoài cho trẻ trải nghiệm. Với những khu vườn, góc học tập vui chơi xanh mướt, an toàn không chỉ thu hút trẻ tham gia các hoạt động mà còn tạo cho GV nguồn cảm hứng để sáng tạo nên những giờ dạy thật tốt nhằm mang lại cho trẻ nhiều bài học bổ ích. Tôi cảm nhận được cả HS và GV đều hạnh phúc khi đến trường”, cô giáo Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trường MN Hòa Trạch bày tỏ.

 

Không chỉ HS, GV mà mỗi phụ huynh HS cũng cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc khi chứng kiến sự tiến bộ rõ rệt về mọi mặt của con em mình. Chị Phan Thị Huyền, xã Hòa Trạch (Bố Trạch) cho hay: “Nhờ tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoài trời, sức khỏe thể chất và tinh thần của con tôi cải thiện rõ rệt. Con thích đi học và nhanh nhẹn, hoạt bát hơn trước rất nhiều. Trong sinh hoạt thường ngày, chúng tôi luôn gom những vật liệu đã qua sử dụng như thùng xốp, hộp nhựa, vỏ chai… và rửa sạch để cùng với các cô giáo tạo ra những điểm nhấn mang tính thẩm mỹ quanh gốc cây, góc hoạt động, làm đồ dùng học tập… Nhờ tái sử dụng những vật liệu này còn góp phần hạn chế việc xả chất thải nhựa ra môi trường…”.

 

 

Thực tế cho thấy, dạy học trong không gian ngoài trời mang lại nhiều trải nghiệm thú vị bởi HS được khám phá, tiếp nhận tri thức một cách tự nhiên. Thông qua các môn học, hoạt động ngoại khóa, GV đã truyền tải nhiều kiến thức quan trọng, hướng HS đến các hành động bảo vệ môi trường, hình thành thói quen giữ vệ sinh nơi công cộng. Tùy theo từng môn học, GV lựa chọn tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp như vẽ tranh phong cảnh giữa khuôn viên trường học (môn Mỹ thuật); tìm hiểu, khám phá các loại cây, cỏ…(môn Tự nhiên-Xã hội)…

 

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Uyên (Trường TH số 1 Đại Trạch) cho rằng: Những giờ học mang tính “mở” ấy tạo cho HS áp dụng kiến thức đã học vào thực hành, tăng khả năng ghi nhớ bài học cho HS.

 

Xây dựng các mô hình xanh từ cổng trường, khuôn viên đến phòng làm việc, lớp học không chỉ tạo ra không gian làm việc, giảng dạy, học tập của CB, GV, HS thân thiện hòa cùng thiên nhiên mà còn mang lại hiệu quả giáo dục cao, góp phần giúp HS phát triển toàn diện, đáp ứng sự phát triển của giáo dục trong tình hình mới.

 

Nội dung và ảnh: NHẬT VĂN

Thiết kế & đồ họa: HẢI PHƯỢNG