.

Giữ bản sắc bằng… nghị quyết-Bài 2: "Tiếp sức" cho dòng chảy văn hóa truyền thống

Thứ Bảy, 28/09/2024, 06:15 [GMT+7]

Khi bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc được đưa vào nghị quyết ở các địa phương, những hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian trên địa bàn sẽ được "tiếp sức", nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. 

 

Những ngày này, không khí sinh hoạt của Câu lạc bộ (CLB) Tuồng truyền thống Khương Hà (xã Hưng Trạch, Bố Trạch) khí thế, sôi nổi hơn hẳn. Bởi lẽ CLB vừa nhận được “quà” là 4 chiếc mũ phục vụ cho biểu diễn được gửi từ Thừa Thiên Huế. So với những chiếc mũ đang có, 4 chiếc mũ mới này không chỉ đẹp về hình thức, chất liệu, mà còn rất phù hợp với các vở diễn của CLB từ màu sắc đến thần thái.

 

Tỉ mẩn ngắm từng chi tiết, bàn tay thô ráp nhẹ nhàng chạm vào từng chi tiết của chiếc mũ, ông Trần Xuân Định, Chủ nhiệm CLB Tuồng truyền thống Khương Hà hào hứng chia sẻ, “thành quả” này có được là từ 10 triệu đồng UBND huyện Bố Trạch hỗ trợ cho CLB sinh hoạt trong một năm.

Mỗi chiếc mũ trị giá tới 1 triệu đồng, nếu không có sự hỗ trợ từ huyện, chắc phải lâu lắm, CLB mới có thể “rước về”. Vài năm trở lại đây, huyện thường xuyên cấp kinh phí 10 triệu đồng/năm cho CLB để duy trì hoạt động. Số tiền này “quý như vàng” bởi sẽ để dành cho nhiều việc, như: Mua sắm trang phục biểu diễn, kinh phí luyện tập, đi lại…

 

Mặc dù CLB mới được thành lập từ năm 2017, nhưng trên thực tế, đam mê tuồng cổ đã ăn sâu vào tâm trí của những người dân mảnh đất Hưng Trạch. Hầu hết người dân vùng đệm di sản này đều biết và yêu thích tuồng cổ khi còn thuở thiếu thời. Ông bà, cha mẹ truyền cho con cái, rồi anh, chị em, bè bạn lại gặp gỡ, chia sẻ với nhau cũng chính từ những vở tuồng cổ. Trong CLB Tuồng truyền thống Khương Hà có gia đình với 3 anh, chị em đều tham gia: Ông Trần Xuân Minh, bà Trần Thị Lý, bà Trần Thanh Thị; hay cả hai vợ chồng cũng là thành viên nhiệt tình của CLB, ông Bùi Công Thành-bà Trần Thị Nữ.

 

Cứ như thế, tuồng cổ đã đi vào máu, ngấm sâu vào tâm trí, để rồi cuộc sống mưu sinh dù bộn bề khó khăn, vất vả, bà con vẫn “sống chết” theo loại hình nghề thuật truyền thống của cha ông để lại này. Bên cạnh 17 thành viên CLB hoạt động thường xuyên có độ tuổi từ 60 đến hơn 70 tuổi, CLB còn có các bạn trẻ khoảng 35-40 tuổi đang lao động làm ăn xa và các cháu thanh thiếu nhi tham gia sinh hoạt khi có điều kiện.

 

Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch Lê Ngọc Sơn cho biết, xác định tầm quan trọng của các giá trị văn hóa trong đời sống, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hưng Trạch lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đưa nội dung bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vào trọng tâm và nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, do địa phương còn gặp nhiều khó khăn nên các hoạt động hỗ trợ cho CLB Tuồng truyền thống Khương Hà nói riêng, các hoạt động liên quan đến văn hóa nói chung vẫn chưa được nhiều. Chủ yếu mới dừng lại ở mức động viên, khuyến khích, tạo điều kiện tối đa, còn về mặt vật chất vẫn hạn chế và chờ đợi các hoạt động xã hội hóa. Bên cạnh sự hỗ trợ từ huyện, CLB còn được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng của các sở, ngành và tổ chức, đoàn thể liên quan.

 

 

Không chỉ riêng CLB Tuồng truyền thống Khương Hà, 3 CLB văn hóa văn nghệ dân gian khác trên địa bàn huyện Bố Trạch cũng được huyện hỗ trợ 10 triệu đồng/năm cho các hoạt động. Số tiền tuy chưa nhiều nhưng đã góp phần tiếp thêm động lực, tạo điểm tựa để các CLB vượt qua khó khăn, duy trì đam mê. 

 

 

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bố Trạch Trần Văn Thăng, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đưa vào nghị quyết của đại hội. Đồng thời, công tác triển khai được thực hiện linh hoạt, kịp thời, căn cứ vào tình hình thực tế các địa phương. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện còn triển khai Chương trình hành động số 07-Ctr/HU, ngày 30/3/2021 về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025, trong đó, nội dung bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc được chú trọng và được xem là một trong những “chìa khóa vàng” để thúc đẩy du lịch địa phương.

 

 

Tại huyện miền núi Tuyên Hóa, xã Châu Hóa cũng đang dành nhiều tâm sức để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống theo như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, như chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Phan Huy Hoàng. Trên địa bàn xã hiện nay có 3 CLB truyền thống về ca trù và hát Kiều. Nổi bật là CLB Ca trù Phong Châu và CLB Kiều cổ Lâm Lang. Thời gian qua, các CLB đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương trong quá trình hoạt động, biểu diễn và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống. 

 

Ông Trần Văn Duể, Chủ nhiệm CLB Ca trù Phong Châu tâm sự, CLB đã vượt qua nhiều khó khăn để duy trì đến tận ngày nay. Trước đây, nguồn kinh phí chủ yếu đến từ các thành viên và sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, cá nhân, nhưng nay huyện Tuyên Hóa đã hỗ trợ cho CLB 10 triệu đồng/năm để duy trì hoạt động. Số tiền tuy không nhiều nhưng là động lực quan trọng để các thành viên tiếp tục “nối lửa” đam mê ca trù.

 

Nhờ đó, nhiều bạn trẻ, các cháu thiếu nhi đã yêu thích và tìm đến với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Địa phương dù rất quan tâm nhưng do khó khăn nên chủ yếu là động viên, khích lệ và tạo điều kiện biểu diễn. Về lâu dài, CLB vẫn cần thêm nguồn kinh phí để nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là trong việc lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu, quảng bá những tiết mục đặc sắc đến công chúng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

 

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuyên Hóa Bùi Thanh Chuyên cho hay, dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện vẫn luôn xác định công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đóng vai trò quan trọng. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đưa nội dung này vào nghị quyết của đại hội. Thời gian qua, huyện nỗ lực triển khai nhiều giải pháp kịp thời, trong đó, kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa để bảo tồn di sản được quan tâm, chú trọng.

 

 

Với việc đưa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vào nghị quyết, nhiều địa phương đã mạnh dạn triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, tiếp sức cho các CLB văn hóa văn nghệ dân gian trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, do nội dung đưa vào nghị quyết còn khá chung chung, chưa được cụ thể hóa sát thực tiễn, thiếu các nghị quyết chuyên đề nên vẫn còn đó những khó khăn, thiếu sự quan tâm, đồng bộ ở một số địa phương trong công tác này.