Giữ bản sắc bằng… nghị quyết-Bài 1: Chuyển động từ cấp tỉnh
Với bề dày hơn 420 năm hình thành và phát triển, Quảng Bình tự hào với tầng sâu văn hóa đậm đà bản sắc, nhiều di sản còn được bảo tồn, lưu giữ đến tận ngày nay, khẳng định khí phách của con người mảnh đất "gió Lào cát trắng".
Đầu tháng 8 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (gọi tắt là Nghị quyết số 33). Một thập kỷ triển khai Nghị quyết số 33 đã chứng kiến nhiều nỗ lực của tỉnh trong vượt qua thách thức, khó khăn để hoàn thành các mục tiêu đề ra, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn về thiên tai và dịch bệnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 88-KH/TU, ngày 20/6/2014 về học tập, quán triệt và triển khai thực hiện; tổ chức hai hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết trong đội ngũ cán bộ cốt cán toàn tỉnh, bảo đảm kịp thời, nghiêm túc, tỷ lệ tham gia đạt 97%.
Đáng chú ý, để cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết số 33, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 28-CTr/TU, ngày 29/9/2014 với 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Nội dung của Nghị quyết số 33 cũng được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, XVII và đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020, nhiệm kỳ 2020-2025 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai.
Sau sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33 và thực hiện Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 165-KH/TU, ngày 6/10/2020 nhằm tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới.
Căn cứ kế hoạch và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Ban cán sự Đảng, đảng đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy cũng đã kịp thời tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để triển khai, gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII), Kết luận số 21-KL/TW (khóa XIII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết số 33 đã được tổ chức thường xuyên, sâu rộng trong các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, từ đó mang lại kết quả tích cực.
Cũng trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 10/6/2022 về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những mục tiêu tổng quát mà nghị quyết hướng đến chính là giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc đi đôi với xóa bỏ hủ tục lạc hậu.
Để thực hiện mục tiêu này, giải pháp đưa ra chính là giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa; nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; triển khai hiệu quả công tác dân tộc. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu chính là việc nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân; tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hóa; sưu tầm, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS và phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hóa. Qua 3 năm triển khai nghị quyết, riêng về nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa của ĐBDTTS đã đạt được những kết quả tích cực.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Mai Xuân Thành cho biết, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được các cấp, ngành rất quan tâm. Đặc biệt, việc thực hiện dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS ở địa phương.
Sở Văn hóa-Thể thao đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các DTTS, như: Tổ chức, tham gia ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc; sưu tầm, kiểm kê các di sản văn hóa của đồng bào các DTTS; xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào các DTTS ở trên địa bàn vào danh mục di sản văn hóa quốc gia; xây dựng các mô hình câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa truyền thống; tập huấn kỹ năng khai thác các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch....
Và còn nhiều những nỗ lực nữa từ cấp tỉnh trong hành trình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được thể hiện rõ nét qua các nghị quyết cụ thể, sát thực tiễn. Sự chuyển động từ cấp tỉnh cũng chính là nguồn động lực để cấp cơ sở nỗ lực hơn trong hành trình còn nhiều thách thức này.