Mùa ốc ruốc
Đó là một buổi sáng biển Lý Hòa thật đẹp. Những con sóng bạc đầu nối đuôi nhau bình yên tựa vào bờ. Khi bình minh chưa kịp soi tỏ mặt người, cuộc mưu sinh đã bắt đầu diễn ra lặng lẽ với những dáng người lom khom làm nghề cào ốc ruốc. Dáng đi giật lùi, mò mẫm nơi chân sóng, còn nỗi niềm hy vọng về một ngày cuộc sống đổi thay lại mạnh mẽ vươn lên phía trước.
ĐÓ LÀ MỘT BUỔI SÁNG BIỂN LÝ HÒA THẬT ĐẸP. NHỮNG CON SÓNG BẠC ĐẦU NỐI ĐUÔI NHAU BÌNH YÊN TỰA VÀO BỜ. KHI BÌNH MINH CHƯA KỊP SOI TỎ MẶT NGƯỜI, CUỘC MƯU SINH ĐÃ BẮT ĐẦU DIỄN RA LẶNG LẼ VỚI NHỮNG DÁNG NGƯỜI LOM KHOM LÀM NGHỀ CÀO ỐC RUỐC. DÁNG ĐI GIẬT LÙI, MÒ MẪM NƠI CHÂN SÓNG, CÒN NỖI NIỀM HY VỌNG VỀ MỘT NGÀY CUỘC SỐNG ĐỔI THAY LẠI MẠNH MẼ VƯƠN LÊN PHÍA TRƯỚC.
4 giờ sáng. Con đường ven biển Lý Hòa (xã Hải Phú, Bố Trạch) vẫn im lìm. Không gian làng biển vẫn đang chìm trong giấc ngủ sâu. Từng cơn gió thổi qua, mang theo chút dư vị mặn mòi của biển. Tiếng í ới gọi nhau dưới bãi cát như xé toang khoảng không yên tĩnh. Ở đó, người phụ nữ chừng 50 tuổi, đầu đội đèn pin, tay không ngừng sàng sảy rổ ốc ruốc vừa được vớt lên từ phía biển. Ánh đèn leo lét không đủ để soi tỏ mặt người, chỉ thấy dáng bà lom khom ngồi cô đơn giữa khoảng không gian đen kịt. Tiếng rào rạt của hàng trăm, hàng nghìn con ốc ruốc va vào nhau như có âm điệu. Cách đó không xa, nơi phía biển, đôi ba ánh đèn hiu hắt chậm rãi chuyển động. Sóng vẫn cần mẫn nối đuôi nhau vỗ bờ.
Người phụ nữ ấy tên Toan, nhà tít tận xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới). Mấy tháng nay, bà cùng chồng là ông Lê Đình Nghị lặn lội đi khắp các bãi biển để cào ốc ruốc-một sản vật của biển chỉ có tầm vài tháng trong năm. Để ra đến tận biển Lý Hòa, vợ chồng bà phải thức dậy từ lúc 3 giờ sáng, rồi lục tục chở nhau đi, bất kể gió rét. Có hôm muốn cào ốc ở vùng biển Quảng Trạch, ông bà phải đi từ tối hôm trước. Cả đêm trải nilon nằm ngủ ngay trên bãi cát, đợi khi thủy triều rút xuống, vội vã trở dậy, rồi ào ra phía biển. Bao nhiêu bận thức ngủ cùng con nước là bấy nhiêu lần vất vả, lo toan.
Kinh nghiệm 30 năm theo nghề biển cùng tài lặn giỏi nên thay vì chỉ cào như nhiều người khác, ông Nghị lại lặn hẳn xuống nước. Thành quả thu được bao giờ cũng nhiều và nhanh hơn người khác. Mỗi ngày, vợ chồng ông cào được 5-6 tạ ốc là chuyện bình thường. Nhưng vì thế mà cũng vất vả và lắm hiểm nguy hơn. “Mỗi năm cào ốc được khoảng 5 tháng. Hai vợ chồng có khi đi xe máy chở nhau vô đến tận vùng biển Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Ở mô có ốc to là đi”, bà Toan kể. Đôi bàn tay vẫn không thôi sàng sảy. Những con ốc nhỏ cứ thế rơi xuống cát, thanh âm dịu nhẹ nhanh chóng bị lấn lướt bởi tiếng sóng biển rì rào.
Mặt trời ló dạng. Những dáng người hiện rõ trong ánh bình minh yếu ớt, lom khom như những con còng chật vật bước đi trên cát. Lúc này, từng tốp thuyền đánh cá lần lượt nối đuôi nhau vào bờ. Cách bờ chừng 50-60m, những dáng người cào ốc lẩn khuất sau chiếc thuyền gỗ. Trên tay họ là cây sào bằng gỗ dài chừng 2m, 1 đầu kim loại được quấn tròn, gắn với đoạn lưới dài. Họ lầm lũi cắm cây sào xuống cát, cào, kéo theo một vệt thẳng, giật lùi bước đi trên sóng. Động tác này đòi hỏi phải dùng nhiều sức nên không phải người đàn ông làng biển nào cũng có thể bám trụ cùng nghề.
Nước ngập ngang ngực. Đôi tay ghì chặt lấy sào gỗ, đôi bàn chân bám lấy cát để giữ thăng bằng, không bị sóng đánh ngã. Khi vợt bắt đầu nặng tay thì kéo lên, rồi chậm rãi rẽ sóng kéo vào bờ. Chỉ chừng 20 phút nhưng một lưới ốc nặng trĩu được đưa lên bờ, bên trong đó là vô vàn con ốc lớn nhỏ, đủ sắc màu. Mệt nhọc là thế nhưng trên khuôn mặt đen sạm vẫn ánh lên niềm vui bởi thành quả vừa thu hoạch được.
Trên bờ, người phụ nữ dừng tay sàng, ào xuống biển, cùng chồng kéo lưới ốc nặng trĩu. Ốc sau khi kéo lên sẽ được sàng qua, lựa lấy những con to, tròn mũm, rồi ngâm trong từng khay nước biển. Bà Toan bảo, đó là cách để những con ốc nhả dần cát ra, khi nấu lên, ăn sẽ ngon hơn, sạch hơn. Dừng tay một lúc, ông Nghị vội lấy lon nước giải khát mang theo bên mình, uống ừng ực một hơi không nghỉ. “Chà là sướng”, ông Nghị khoái chí gật gù. Bao nhiêu nhọc mệt như thể đã theo từng đợt sóng trôi nhanh ra phía biển. Nước biển hòa với mồ hôi chảy tràn trên gương mặt người đàn ông toàn thân ướt sũng.
Mặt trời đã gay gắt hơn, thủy triều cũng dần lên. Những đụn ốc ruốc thu hoạch được cũng dần cao hơn. Phía biển, những người đàn ông như bước vội vàng hơn để chạy đua cùng con nước. Trên bờ, đôi bàn tay của những người phụ nữ cũng gấp gáp hẳn. Những bao ốc thành phẩm đã sàng sảy kỹ được đóng vào từng bao tải nhỏ, đợi đến lúc lên đường.
Bãi biển giờ đã đông đúc người qua lại. Tiếng cười nói vang vang hòa vào sóng. Họ túm tụm đến bên từng đụn ốc, mân mê từng con ốc lớn nhỏ. Bà Toan lắc đầu: “Mấy hôm nay ốc nhỏ quá, sàng sảy xong không còn được bao nhiêu”. Cách đó không xa, người phụ nữ với chất giọng miền biển chợt cất tiếng: “Chắc mai phải ra Quảng Trạch”.
Nước lên cao. Biển đã vãn người. Những người đàn ông bước lên bờ, vội vàng thu lưới. Từng bao ốc được chất lên xe, bắt đầu một hành trình khác. Chiếc xe máy lao vút đi trên con đường rộn rã xe cộ. Dáng đôi vợ chồng già lọt thỏm giữa những bao ốc ruốc xếp chồng lên nhau, buộc chặt vào thành xe. “Sau khi ốc được chở vào nhà sẽ lại ngâm nước tiếp để thật sạch cát. Mỗi người bắt đầu một công việc. Người chuẩn bị nguyên liệu để luộc ốc, người kia đưa ra chợ bán. Hết mẻ này lại mang tiếp mẻ khác ra”, bà Toan kể.
10 năm nay, món ốc ruốc tự tay vợ chồng ông chế biến trở nên đắt khách. Với giá thành 10.000 đồng/lon, có ngày ông bà thu về gần 3 triệu đồng. Đó thực sự là một khoản thu nhập lý tưởng, bù đắp những khó nhọc của nghề. Nhà cửa, con cái học hành cũng cậy nhờ vào ngón nghề đặc biệt này.
Nếu như những người dân cào ốc ruốc ở Hải Phú chủ yếu nấu rồi chuyển vào Nam thì vợ chồng ông Nghị, bà Toan lại bán ngay các chợ ở TP. Đồng Hới. Ông Nghị bảo, ốc ruốc muốn ngon phải được ngâm rửa thật sạch cát. Sau đó sẽ đưa đi luộc chừng 20 phút rồi mới trộn gia vị. Ngoài muối, ớt, đường, bột ngọt, muốn ốc thơm và béo thì phải thêm chút gừng, sả và lá chanh. Dĩa ốc ruốc nóng hổi có đủ đầy hương vị, sặc sỡ sắc màu trở nên hấp dẫn, béo ngậy.
Với nhiều người, ốc ruốc không chỉ là món ăn ngon, bắt miệng mà đó còn là ký ức, gợi nhắc về những kỷ niệm tuổi thơ thật đẹp đẽ. Với những làng biển, ốc ruốc còn là một phần của văn hóa, làm nên hồn cốt sâu xa. Nên 10 năm nay, cứ đến mùa cào ốc, chưa khi nào, ông Nghị dừng ra biển cũng như bà Toan chưa từng một ngày vắng mặt ở chợ. Đôi vợ chồng già cứ cần mẫn, chắt bóp từ từng mẻ ốc ruốc bé xíu như thế, mặc vất vả, mặc gió mưa. “Chỉ cần có thu nhập thì cực mấy cũng làm vì cả đời đã quen với cái cực, cái khổ rồi”, ông Nghị phân trần, đôi tay vẫn thoăn thoắt trộn gia vị vào từng nồi ốc nóng hổi.
Từ căn bếp này, ốc ruốc sẽ theo tay các bà, các mẹ ở chợ tản mát về các gia đình, hòa vào những bữa ăn sum họp. Bên trong những con ốc có đậm đà vị biển và mặn mòi mồ hôi của những người dân ngày lại ngày vẫn cần mẫn mưu sinh bên chân sóng.
Nội dung: DIỆU HƯƠNG
Thiết kế & Đồ họa: XUÂN HOÀNG