.

"Phải có ước mơ và tình yêu đủ lớn!"

Thứ Tư, 22/06/2022, 12:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2016, vợ chồng anh Lê Đình Quả (SN 1981) và chị Lê Thị Thanh Thủy (SN 1984) đã quyết định từ bỏ công việc ổn định với nhiều cơ hội thăng tiến ở Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ (Quy Nhơn, Bình Định) để trở về quê vợ trồng rau sạch theo nguyên lý 5 không: Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không sử dụng thuốc trừ cỏ; không sử dụng chất kích thích sinh trưởng; không dư lượng kim loại nặng và không sử dụng giống biến đổi gen.   Tròn 6 năm "quăng quật" cùng đất, vợ chồng anh Lê Đình Quả nay đã xây dựng được trang trại rau sạch An Nông Farm thành một hệ sinh thái đa dạng trên miền đất "khắc nghiệt" Quảng Bình và sản phẩm An Nông đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng. 

 

NĂM 2016, VỢ CHỒNG ANH LÊ ĐÌNH QUẢ (SN 1981) VÀ CHỊ LÊ THỊ THANH THỦY (SN 1984) ĐÃ QUYẾT ĐỊNH TỪ BỎ CÔNG VIỆC ỔN ĐỊNH VỚI NHIỀU CƠ HỘI THĂNG TIẾN Ở VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP (KHKTNN) DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘ (QUY NHƠN, BÌNH ĐỊNH) ĐỂ TRỞ VỀ QUÊ VỢ TRỒNG RAU SẠCH THEO NGUYÊN LÝ 5 KHÔNG: KHÔNG SỬ DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT; KHÔNG SỬ DỤNG THUỐC TRỪ CỎ; KHÔNG SỬ DỤNG CHẤT KÍCH THÍCH SINH TRƯỞNG; KHÔNG DƯ LƯỢNG KIM LOẠI NẶNG VÀ KHÔNG SỬ DỤNG GIỐNG BIẾN ĐỔI GEN.

 

TRÒN 6 NĂM “QUĂNG QUẬT” CÙNG ĐẤT, VỢ CHỒNG ANH LÊ ĐÌNH QUẢ NAY ĐÃ XÂY DỰNG ĐƯỢC TRANG TRẠI RAU SẠCH AN NÔNG FARM THÀNH MỘT HỆ SINH THÁI ĐA DẠNG TRÊN MIỀN ĐẤT “KHẮC NGHIỆT” QUẢNG BÌNH VÀ SẢN PHẨM AN NÔNG ĐÃ KHẲNG ĐỊNH ĐƯỢC CHỖ ĐỨNG VỮNG CHẮC TRONG LÒNG NGƯỜI TIÊU DÙNG. 

 

Chúng tôi đến thăm An Nông Farm của vợ chồng anh Lê Đình Quả vào một ngày hè giữa tháng 6. Mới 7 giờ sáng, cái nắng chói chang, không khí oi bức đã bao trùm khắp nơi. Nhưng thật lạ, khi đặt chân đến An Nông Farm ở thôn Kéc, xã Hòa Trạch (Bố Trạch), đi giữa một hệ sinh thái đa dạng với hàng trăm loài thực vật, có nhiều loài đang nở hoa, khoe sắc và nghe những câu chuyện thú vị về những ngày đầu “khởi nghiệp” trồng rau sạch đầy gian nan nhưng cũng đầy ắp thành quả ngọt ngào của vợ chồng anh Quả, cảm giác nóng bức của những ngày hè đã dần bị xua tan….

 

 

- Tôi thấy tâm lý chung của người Việt, khi con cái học hành tài giỏi, nhất là được làm trong một cơ quan Nhà nước và có cơ hội được đi học thạc sĩ (tiến sĩ) như anh không chỉ là niềm tự hào của gia đình, bố mẹ mà còn cả dòng họ. Thế nhưng, đùng cái anh lại bỏ ngang, về quê vợ để trồng rau sạch. Quyết định này của vợ chồng anh ngày đó chắc hẳn đã làm gia đình 2 bên sốc và phản đối kịch liệt? 

 

Hai vợ chồng tôi đang ở trong biên chế của Viện KHKTNN duyên hải Nam Trung Bộ là mơ ước của nhiều người nên việc bỏ ngang về trồng rau thực sự là cú sốc lớn đối với gia đình. Đặc biệt, thời điểm đó, tôi vừa nhận bằng thạc sĩ được đúng 1 tháng.

 

Khi tôi trình bày dự định của mình, mẹ tôi (bố anh Quả đã mất-PV) đã nói với tôi rằng: “Mẹ cho mày ăn học học đến nơi đến chốn rồi mày lại về úp mặt vào đống phân à con”. Còn bên nhà vợ thì cho rằng tôi bị tâm thần và bị ma ám. Nhiều người thân còn khuyên gia đình đi mời thầy cúng về “giải vong” cho tôi. Tuy nhiên, khi mọi sự đã rồi thì gia đình cũng đã đồng lòng hỗ trợ và giúp đỡ về mọi mặt, đặc biệt là mẹ tôi đã chấp nhận rời quê ở Hà Tây (Hà Nội) để vào Quảng Bình giúp chúng tôi trong 3 năm đầu khởi nghiệp.

 

 

- Gặp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình hai bên như vậy, đặc biệt là mẹ anh, một người như anh từng chia sẻ là cả đời tần tảo để nuôi anh ăn học và mong anh thành đạt trên con đường công danh, tại sao anh dễ dàng quyết định từ bỏ tất cả để trồng rau và trở thành một nông dân thực thụ?

 

Tôi sinh ra và lớn trong một gia đình thuần nông, bố mẹ chúng tôi mong muốn tôi đi học để thoát khỏi cảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", đó cũng là tâm lý chung của tất cả những người làm bố, làm mẹ. Không những vậy, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp tôi đã có 10 năm làm nghiên cứu và triển khai các mô hình về nông nghiệp cùng với bà con nông dân nên chúng tôi thấu hiểu được những vất vả và khó khăn của nghề nông. 

 

Chính vì vậy, nghỉ việc về trồng rau là một quyết định đầy khó khăn của 2 vợ chồng. Bởi ngoài khó khăn của việc làm nông nghiệp đó còn là quyết định ngã rẽ cuộc đời cho cả gia đình 4 người chứ không phải là ngã rẽ cuộc đời của một mình tôi. Nhưng có lẽ vì ước mơ, đam mê và mong muốn được thử sức mình với nông nghiệp hữu cơ đủ lớn đã giúp tôi có quyết định táo bạo đến vậy.

 

- Những ngày đầu khởi nghiệp hay những lúc đứng trước khó khăn nhất, có khi nào anh ân hận với quyết định của mình?

 

Những ngày đầu về Quảng Bình có những lúc thực sự khó khăn và bế tắc, có giai đoạn, vợ tôi đêm nào cũng trùm chăn khóc thầm một mình vì quá vất vả. Cô ấy là một người con của vùng biển, không quen đến việc làm nông, giờ lại phải cùng chồng cuốc đất, trồng rau. 

 

Nhưng đó chưa phải là những lúc khó khăn nhất. Vợ chồng tôi bán căn nhà ở Quy Nhơn được 600 triệu, về đây chúng tôi phải vay thêm mới đủ tiền mua mảnh đất này. Thế nên, nhiều lần “tiền hết, gạo vơi”, cả đêm tôi mang điện thoại ra để dò danh bạ xem ai là người có khả năng để mượn tiền, nhưng dò đi, dò lại, những người có thể cho mình mượn thì trước đó họ đã cho mượn rồi…

 

 

Vậy nhưng, nói thật lòng với anh, vợ chồng tôi chưa lúc nào ân hận với quyết định của mình. Bản thân tôi có một niềm tin vững chắc vào quyết định trồng rau hữu cơ và tương lai của nó. Có được niềm tin này là nhờ vào xuất thân của tôi là con nhà nông, đã thực sự thấu hiểu vất vả của nghề nông khi còn nhỏ và kinh nghiệm 10 năm khi làm việc ở Viện KHKTNN duyên hải Nam Trung Bộ, gắn bó với những người nông dân đã giúp tôi chuẩn bị một tâm lý luôn sẵn sàng đối mặt với khó khăn. Đặc biệt, 2 vợ chồng tôi có quyết tâm và ước mơ đủ lớn về việc trồng rau sạch theo hướng hữu cơ để vượt qua tất cả. 

 

Nhưng có 2 điều thực sự làm tôi nhiều lần trăn trở và nghĩ ngợi. Một là, quyết định của chúng tôi khiến mẹ già phải dời quê vào Quảng Bình để hỗ trợ gia đình mà đáng lẽ, ở cái tuổi đó, mẹ phải được nghỉ ngơi, vui thú tuổi già cùng bạn bè. Hai là, cuộc sống của 2 đứa con bị đảo lộn hoàn toàn. Từ việc đang quen sống ở thành phố có điều kiện đầy đủ, nhiều bạn và nhiều thứ để vui chơi, giờ phải sống ở một nơi vắng vẻ, không có nhiều trò giải trí, hơn nữa, hai vợ chồng bận rộn "tối mắt" nên cũng không có thời gian quan tâm nhiều đến con…

 

- Sau 6 năm “khởi nghiệp”, đến nay có thể nói, An Nông Farm đã định hình rõ nét với một hệ sinh thái đa dạng, riêng biệt trên miền đất “khắc nghiệt” Quảng Bình. Sản phẩm của An Nông Farm cũng đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng của tỉnh. Anh có thể kể về những cái "được" và "chưa được" của An Nông Farm?

 

Đến thời điểm này, tôi khẳng định An Nông Farm đã thành công với mô hình trồng rau sạch trên đất gò đồi. Ở An Nông Farm, chúng tôi có thể trồng rau sạch quanh năm mà không sợ chịu tác động nhiều của thời tiết. Như các anh nhìn thấy đó, đang giữa mùa hè, mùa gió Lào thổi ràn rạt nhưng những luống rau cải, dền, ngót, mồng tơi… của An Nông Farm vẫn xanh mướt. 

 

 

Để có được điều này, trong suốt 6 năm qua, không đơn thuần chỉ trồng rau, chúng tôi đã bỏ công sức, tiền của để xây dựng được một hệ sinh thái đa dạng với hàng trăm loài thực vật cho An Nông Farm.

 

Ở An Nông Farm hiện có trên 30% diện tích là cây lâm nghiệp được trồng thành hệ thống vành đai chắn gió đa cấp, giúp giảm tác hại của gió Lào, gió mùa Đông Bắc và kiến tạo được một vùng tiểu khí hậu thuận lợi cho cây rau sinh trưởng tốt. Nhờ vậy, năng suất, sản lượng rau ổn định, bảo đảm được hiệu quả kinh tế trong sản xuất.

 

 

Đặc biệt, rau sạch ở An Nông Farm được sản xuất theo nguyên lý 5 không (Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không sử dụng thuốc trừ cỏ; không sử dụng chất kích thích sinh trưởng; không dư lượng kim loại nặng và không sử dụng giống biến đổi gen) đã góp phần tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng và có được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. 

 

Tuy nhiên, đến nay, An Nông Farm chưa trồng được nhiều loại rau, củ, quả giá trị kinh tế cao như ở Đà Lạt, Mộc Châu... Số lượng người học làm theo mô hình còn ít, đây là trăn trở lớn nhất của An Nông Farm đến thời điểm hiện tại. Vì vậy, An Nông Farm mong muốn các cấp chính quyền và cơ quan truyền thông quan tâm để nhiều người dân có thể tiếp cận, học hỏi nhân rộng mô hình. 

 

- Đến nay, thu nhập từ An Nông Farm đã có thể nuôi sống gia đình anh chưa?                                                                                                                                                                                          

Sau khi khởi nghiệp, phải mất 3 năm, An Nông Farm mới ổn định vận hành sản xuất. Để sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ ở dải đất miền Trung nắng cháy, gió Lào và bão lụt như Quảng Bình quả thật là khó khăn. 

 

Trong thời gian đó, để bảo đảm cuộc sống gia đình và có vốn đầu tư dài hơi cho An Nông Farm, vợ tôi phải vay vốn, đầu tư mở cửa hàng thực phẩm sạch An Nông. Cũng quan điểm là cung cấp đến khách hàng những thực phẩm sạch, chất lượng, An Nông đã liên kết với nhiều trang trại có uy tín trên toàn quốc để nhập hàng về bán. 

 

Cùng với sản phẩm rau sạch từ An Nông Farm, những sản phẩm từ cửa hàng An Nông đã chiếm được lòng tin của khách hàng. Nói thật với anh, thu nhập hiện tại đã có thể nuôi sống gia đình tôi. Tuy vậy, vợ chồng tôi vẫn thường nói với nhau, việc bỏ việc nhà nước để về trồng rau, không chỉ để kiếm đủ ăn mà chúng tôi phải khẳng định được hiệu quả kinh tế và nhiều giá trị khác.

 

 

- Nói như vậy, ở An Nông Farm, không chỉ có rau sạch mà còn nhiều giá trị khác?

 

Đúng vậy, như các anh thấy, ở An Nông Farm chúng tôi không trồng một mình rau mà trồng rất nhiều loại thực vật, đặc biệt có đến 30% cây lâm nghiệp. Điều này, như tôi đã nói ở trên là sẽ tạo ra được một tiểu khí hậu riêng biệt, không chỉ có lợi cho cây rau mà sâu xa hơn đó là môi trường sống của con người. 

 

Ở An Nông Farm, hàng năm, chúng tôi được đón hàng chục đoàn khách là các em học sinh và nhiều gia đình bạn trẻ yêu nông nghiệp sạch, thuận tự nhiên. Đến với An Nông Farm, mùa nào thức ấy, các bạn không chỉ được chia sẻ quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch của hàng chục loại rau xanh mà còn được chiêm ngưỡng hàng trăm loài hoa khoe sắc, cùng bầu không khí mát mẻ, trong lành. Từ thực tế ở đây, giúp các bạn trẻ và đặc biệt là các em học sinh nâng cao nhận thức về nông nghiệp bền vững với môi trường sống…

 

 

- Nhiều ý kiến cho rằng, giữa phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp  hữu cơ và nông nghiệp 4.0 có sự đối ngược nhau. Quan điểm của anh về vấn đề này thế nào? Thời gian tới, anh sẽ dự định phát triển An Nông Farm theo hướng nào?

 

Hiện tại có rất nhiều quan điểm và trường phái về sản xuất nông nghiệp, như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thuận tự nhiên, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp vườn rừng, nông nghiệp du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp 4.0. Tuy nhiên, theo tôi, quan điểm hay trường phái nông nghiệp nào cũng có ưu điểm và nhược điểm của riêng nó.

 

Muốn làm nông nghiệp sạch mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế thì phải biết vận dụng kết hợp và khai thác được ưu điểm của mỗi trường phái khác nhau vào trong sản xuất. Chứ không có chuyện nông nghiệp hữu cơ hay sinh thái đối ngược với nông nghiệp 4.0, các loại hình nông nghiệp này hoàn toàn có thể hỗ trợ nhau phát triển. 

 

Ví dụ, nông nghiệp hữu cơ có ưu điểm không dùng hóa chất bảo vệ thực vật... nhưng nông nghiệp 4.0 giúp chúng ta tiếp cận thị trường tốt hơn, sử dụng máy móc vào sản xuất giúp tiết kiệm nhân công, tiết kiệm nước tưới nếu áp dung các công nghệ tưới tiết kiệm.

 

 

Ở An Nông Farm, các anh có thể thấy, chúng tôi đã vận dụng được ưu điểm của nhiều trường phái. An Nông Farm có nông nghiệp sinh thái đó chính là sự đa dạng sinh học tạo hệ sinh thái cân bằng, qua đó giảm sâu bệnh; có nông nghiệp vườn rừng là hệ thống cây lâm nghiệp, cây dài ngày giúp che chắn gió và kiến tạo các tiểu khí hậu trong vườn; có nông nghiệp hữu cơ là không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, chất kích thích sinh trưởng để tạo ra sản phẩm chất lượng; có nông nghiệp du lịch trải nghiệm để có thêm nguồn thu nhập và giúp quảng bá sản phẩm; có nông nghiệp công nghệ cao như hệ thống tưới tiết kiệm, có ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc tiếp cận thị trường và quảng bá sản phẩm. Đó là sự kết hợp tối ưu các ưu điểm của mỗi loại hình nông nghiệp để có được mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế mà vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm và bảo vệ tốt môi trường sống. 

 

Vì vậy, quan điểm và hướng phát triển của An Nông vẫn theo hướng hiện tại vì đó là lựa chọn duy nhất cho việc phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả. Ngoài ra, An Nông có định hướng mở rộng mô hình của mình cho nhiều người ở Quảng Bình áp dụng để kiến tạo cộng đồng sản xuất nông nghiệp bền vững của địa phương và mang lại lợi ích cho chính người sản xuất và người tiêu dùng.

 

- Anh có lời khuyên nào đối với các bạn trẻ có ý định và đang khởi nghiệp từ nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ?

 

Tôi chia sẻ rất chân thành: Khởi nghiệp nông nghiệp là lĩnh vực cực kỳ khó. Các bạn trẻ đừng nên khởi nghiệp bằng nông nghiệp nếu chưa có ước mơ và tình yêu đủ lớn để vượt qua những khó khăn đang chờ bạn ở phía trước. Nếu đam mê, nhiệt huyết chưa đủ lớn, các bạn cần phải cân nhắc việc khởi nghiệp của mình. Bởi vì, nông nghiệp sẽ thử thách bạn ít nhất 3-5 năm để xem bạn có đủ sức để đeo bám nó hay không, bạn đủ sức để cầm cự hay không? 

 

 

Các bạn nên đầu tư có kế hoạch, không đầu tư ồ ạt, vì nhiều người nghĩ đổ tiền vào thì sẽ ra tiền ngay. Đối với các ngành khác đầu tư có thể sinh ra tiền ngay, nhưng đối với nông nghiệp, nhiều khi đầu tư 3-5 năm sau lúc đó mới có thu. Vì vậy, nhiều bạn trẻ cảm thấy hụt hẫng vì đầu tư tiền nhiều mà không có thu và cuối cùng là bỏ giữa chừng.

 

 

Khi quyết định khởi nghiệp, các bạn nên đi thăm thực tế các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp đã thành công và mô hình thất bại để thấy thực tế những khó khăn, đồng thời học hỏi và rút kinh nghiệm từ các mô hình. Ngay bản thân chúng tôi là những người xuất thân từ nông nghiệp, đã học nông nghiệp 4 năm ở trường, làm nghiên cứu nông nghiệp 10 năm nhưng khi về làm thực tế, chúng tôi đã đi thăm thực tế không biết bao nhiêu mô hình để học hỏi và rút kinh nghiệm.

 

Đối với những bạn khởi nghiệp ở khu vực miền Trung cần phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với thiên tai. Đặc biệt, việc chọn vùng đất xây dựng mô hình cần phải khảo sát kỹ để tránh vùng bị ngập lụt; vận dụng ưu điểm của tất cả các trường phái nông nghiệp khác nhau vào trong mô hình của mình để đạt được chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao nhất. Cùng với đó, khi làm phải gắn liền với xây dựng thương hiệu để sản phẩm tiếp cận khách hàng thuận lợi nhất…

 

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

Nội dung: PHAN PHƯƠNG

Ảnh, Thiết kế & Đồ họa: XUÂN HOÀNG      

 

12:48, Thứ Tư, 22/06/2022 (GMT+7)