.

Cho biển thêm xanh

Thứ Năm, 10/06/2021, 09:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Với chiều dài bờ biển trên 116km, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ trọng tâm mà Quảng Bình đã xác định và thực hiện hiệu quả. Đầu tháng 6-2021, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng dẫn đầu đã có chuyến kiểm tra các đảo và vùng biển ven bờ. 

 

VỚI CHIỀU DÀI BỜ BIỂN TRÊN 116KM, PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN GẮN VỚI BẢO VỆ VỮNG CHẮC CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO LÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM MÀ QUẢNG BÌNH ĐÃ XÁC ĐỊNH VÀ THỰC HIỆN HIỆU QUẢ. ĐẦU THÁNG 6-2021, ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA TỈNH DO ĐỒNG CHÍ BÍ THƯ TỈNH ỦY VŨ ĐẠI THẮNG DẪN ĐẦU ĐÃ CÓ CHUYẾN KIỂM TRA CÁC ĐẢO VÀ VÙNG BIỂN VEN BỜ. ĐÃ CÓ NHỮNG HƯỚNG ĐI MỚI ĐƯỢC GỢI MỞ NHẰM PHÁT HUY TỐI ĐA TIỀM NĂNG BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG, GÓP PHẦN TẠO NỀN TẢNG VỮNG CHẮC ĐỂ THỰC HIỆN HIỆU QUẢ NGHỊ QUYẾT 36-NQ/TW, NGÀY 22-10-2018 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA XII) VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN (PTBV KTB) VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045.

Xuất phát từ Hải đội 2 trên ca nô tuần tra của bộ đội biên phòng (BĐBP), chúng tôi thẳng hướng Hòn Gió (còn gọi là đảo Chim). Biển Quảng Bình hiện ra trong tầm mắt đẹp như bức tranh khoáng đạt và lãng mạn. Ra đảo vào ngày trời trở gió, nhưng tất cả thành viên đều yên tâm và háo hức khi trên bầu trời, chim hải âu, loài chim báo điềm lành và sự bình yên chao liệng hòa cùng vũ khúc tươi vui của từng đàn cá chuồn bay trên ngọn sóng. Thi thoảng đoàn lại gặp những cái vẫy tay và nụ cười hồ hởi của ngư dân trên những con tàu đang ngược xuôi đánh bắt cá tôm, biển quê hương ngày trở gió vẫn bình yên lạ kỳ!

 

Nằm cách bờ biển xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) khoảng hơn 7 hải lý, Hòn Gió là nơi cư ngụ của nhiều loài chim nên có lẽ vì thế mà thêm tên gọi nữa là đảo Chim. Cùng với các đảo trong khu vực, Hòn Gió đã góp phần tạo nên một vùng biển lặng để tàu thuyền ngư dân đánh bắt và neo đậu. Cũng theo kinh nghiệm của ngư dân, đây là vùng biển có nhiều loài hải sản quý, có giá trị kinh tế cao.

 

Đặt chân lên đảo đúng vào thời điểm trời đổ mưa và sóng khá lớn, nhưng với kinh nghiệm của những người lính biên phòng, đoàn công tác đã cập bến an toàn và nhanh chóng. Bám theo những vách đá cheo leo và dừng chân ở vị trí đã được khảo sát, lựa chọn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng cùng các thành viên đã đặt viên đá chủ quyền và cắm cờ Tổ quốc lên đảo Hòn Gió. Từ vị trí này có thể nhìn ngắm bao quát cả một vùng biển quê hương rộng lớn đẹp như tranh.

 

Chúng tôi rời Hòn Gió khi trời xế trưa và lần lượt cập bến đảo Yến, kiểm tra các đảo trong khu vực vịnh Hòn La gồm: đảo La, Mũi Ông, Hòn Cỏ. Cùng với sự ưu đãi của thiên nhiên, những năm qua, các dự án đường và đê biển nối Mũi Ông-Hòn Cỏ-đảo La hoàn thành, đã mang lại diện mạo mới và tiềm năng to lớn cho vùng biển này. Không chỉ nuôi cá lồng bè, ốc hương, đây còn là tổ ấm của loài chim yến do con người thuần dưỡng. Nếu đảo Yến mang màu xanh trù phú, tươi mát thì đảo Hòn La là “chiếc tổ” bình yên, hiện đại để những con tàu khổng lồ neo đậu, bốc dỡ hàng hóa, kết nối Quảng Bình với các tỉnh, các quốc gia trong khu vực.

 

Trước chuyến công tác, đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và đồng đội đã tổ chức khảo sát vị trí để đặt bia đá chủ quyền và cắm cờ Tổ quốc. Đó là vách núi cheo leo với địa thế đẹp với tầm quan sát thuận lợi vùng biển trong khu vực, từ nơi này có thể ngắm nhìn bao quát cả một vùng biển rộng lớn.

 

Có lẽ, nỗi niềm đau đáu với biển đảo quê hương của người lính biên phòng đã giúp đại tá Trịnh Thanh Bình và đồng đội luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không chỉ giữ vững chủ quyền biển đảo, ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, họ đã và đang là lực lượng quan trọng trong việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản, tuyên truyền để ngư dân tuân thủ các quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Họ cũng là lực lượng cứu hộ cứu nạn trực tiếp và hiệu quả đối với ngư dân và tàu cá, nhất là trong mùa mưa bão.

 

 

Cùng với lực lượng Quân sự, BĐBP đã góp phần quan trọng trong sự phát triển mạnh mẽ của khu kinh tế Hòn La, trong đó có cảng Hòn La, các đảo ven bờ và hoạt động của ngư dân trong khu vực. 6 tháng đầu năm 2021, BĐBP tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển đảo và an ninh trật tự trong khu vực; tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền cho ngư dân; trao tặng gần 1.800 cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ để động viên ngư dân bám ngư trường sản xuất, chung tay giữ vững chủ quyền biển đảo.

 

Màu áo những người lính biên phòng đã trở nên quen thuộc đối với ngư dân, mang lại niềm tin và hy vọng, nhất là trong những thời khắc nguy nan. “Với 5 đồn và 1 hải đội đóng quân dọc 116km bờ biển, chúng tôi luôn sẵn sàng xuất kích bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo được phân công!”, đại tá Trịnh Thanh Bình chia sẻ.

 

 


Là một trong những địa phương sở hữu đội tàu cá thuộc tốp lớn nhất cả nước, Quảng Bình hiện có khoảng 6.000 tàu cá, trong đó có trên 1.200 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đang tham gia đánh bắt tại các ngư trường xa. Ngư dân Quảng Bình không chỉ tham gia khai thác hải sản hiệu quả, nâng cao đời sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, mà còn là lực lượng quan trọng tham gia giữ gìn chủ quyền biển đảo, đặc biệt là đội tàu đánh bắt ở ngư trường xa như Trường Sa, Hoàng Sa.

 

Cùng với hoạt động đánh bắt, với khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ dốc của vùng thềm lục địa cao nên nguồn nước mặn xâm lấn vào gần bờ, biển Quảng Bình thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản trong nước biển. 5 cửa sông lớn, bãi triều rộng, diện tích ngập nước lớn, tính đa dạng sinh học cao (1.650 loài), trong đó có nhiều loại thủy sản quý, có giá trị kinh tế cao… là những điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản.

 

Đồng chí Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn cho biết: “Thời gian vừa qua, một số hộ dân sinh sống ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, bằng kinh nghiệm và sự am hiểu về điều kiện tự nhiên như sóng, gió, dòng chảy… đã học hỏi kỹ thuật và đầu tư kinh phí để nuôi ốc hương trên biển. Mặc dù mới triển khai nuôi thử nghiệm nhưng kết quả rất tích cực. Đây là hướng đi mới cho hoạt động nuôi biển, có thể nuôi nhiều loài hải sản biển có giá trị kinh tế cao, như: tôm hùm, cá mú, cá hồng mỹ, cá giò, cá chim… nhằm nâng cao kinh tế hộ gia đình và tạo được các sản phẩm hải sản biển mang thương hiệu của tỉnh, góp phần phát triển ngành du lịch, dịch vụ tại địa phương!”.

 

Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược PTBV KTB Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định quan điểm và nhiệm vụ PTBV KTB trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi và duy trì các hệ sinh thái biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng-an ninh và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Quảng Bình cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện Chiến lược PTBV KTB và xây dựng các kế hoạch về chuyển đổi khai thác hải sản truyền thống sang khai thác công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, giảm khai thác hải sản gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ để phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái; hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển…

Bài: DIỆP ĐỒNG

Ảnh: DIỆP ĐỒNG - VĨNH QUÝ

Thiết kế & Đồ họa: XUÂN HOÀNG

 

 

 

 

 

 

 

09:34, Thứ Năm, 10/06/2021 (GMT+7)