.

Dộ-Tà Vờng, ngôi làng "tiên cảnh"

Thứ Năm, 08/10/2020, 10:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm lọt thỏm giữa thung lũng dưới chân núi Cha Cáp, bản Dộ-Tà Vờng đẹp như một bức tranh thủy mặc và mang trong mình những huyền tích văn hóa đậm chất sử thi của người Mày. Với những gì đang có, Dộ-Tà Vờng đang được huyện Minh Hóa chọn xây dựng bản nông thôn mới và kỳ vọng trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách trong tương lai gần.

 

Nằm lọt thỏm giữa thung lũng dưới chân núi Cha Cáp, bản Dộ-Tà Vờng đẹp như một bức tranh thủy mặc và mang trong mình những huyền tích văn hóa đậm chất sử thi của người Mày. Với những gì đang có, Dộ-Tà Vờng đang được huyện Minh Hóa chọn xây dựng bản nông thôn mới và kỳ vọng trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách trong tương lai gần.

Dộ-Tà Vờng là một trong hai bản thuộc vùng Lòm của xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, sát biên giới Việt-Lào. Đến với Dộ-Tà Vờng sau chặng đường đầy gian nan, phần thưởng thích đáng cho du khách là được chứng kiến mây trắng bồng bềnh ôm lấy bản làng, vờn quanh núi rừng, khe suối như chốn bồng lai tiên cảnh. 

 

Từ trên cao nhìn xuống, những nếp nhà sàn xinh xắn hệt như những nốt nhạc được viết lên “khung nhạc” của núi rừng. Giữa màu xanh thẫm của rừng già, xanh non của lúa rẫy là lớp sương mù bện chặt, cùng bầu không khí trong lành, Dộ-Tà Vờng trở thành một bức tranh tươi đẹp. 

 

Cư dân của bản Dộ-Tà Vờng là người Mày, thuộc dân tộc Chứt. “Mày” - theo tiếng của tộc người anh em này có nghĩa là đầu nguồn con nước. Theo truyền thuyết của người Mày, họ nhận là anh cả của các tộc người khác, thậm chí cả người Kinh ở dưới xuôi.

Chuyện kể rằng: Ngày xưa trời làm lũ lụt, núi non ngập hết, chỉ duy nhất ngọn núi khổng lồ của thần Cu Lôông (người của trời) là không bị ngập. Nước lũ cuốn trôi nhà cửa, cây cối, con người và mọi vật đều chết hết. Trong cơn đại hồng thủy ấy, có hai anh em (một trai, một gái) nhờ lấy cây ó làm bè, trôi dạt đến núi Cu Lôông mà sống sót. 

 

Nước rút, hai anh em ở lại núi Cu Lôông làm ăn sinh sống. Có ông Bụt hiện lên khuyên hai anh em lấy nhau để nối dõi loài người nhưng họ không chịu. Một buổi sáng, người em đang quét nhà, người anh ngồi ăn trầu, vô tình vứt bã trầu vào bắp vế em gái. Chỗ bã trầu dính sinh ra một cái trứng, sinh ra ba người con: anh cả là người Mày, em kế là người Nguồn và em út là người Kinh ngày nay.

 

“Người Mày của miềng (mình) tin rằng, sự kỳ diệu của miếng bã trầu là nhờ vào tài ba thần núi Cu Lôông. Thần núi Cu Lôông đã sinh tổ tiên người Mày, người Nguồn và cả người Kinh. Và theo sự phân công của thần Cu Lôông, người Mày là anh cả nên phải sống ở miền biên viễn, đầu nguồn nước để bảo vệ lãnh thổ, cũng như bảo vệ nguồn nước - nơi khởi nguồn của sự sống muôn loài”, già làng Hồ Khiên ở bản Dộ-Tà Vờng kể.

Ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết, trước đây, có 25 hộ người Mày ở bản Tà Dong ở sâu trong núi, bên kia con suối Tà Leng.  Do địa hình dốc, mùa mưa lũ bị xói lở, gây nguy hiểm cho bà con nên năm 2012 chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng đã vận động dân bản di chuyển, định cư tại bản mới Tà Vờng. Đến năm 2019, bản Tà Vờng được sáp nhập với bản Dộ trở thành bản Dộ-Tà Vờng. 

 

Hiện bản Dộ-Tà Vờng có 71 hộ người Mày sống quần tụ và còn giữ nguyên  nếp sống, phong tục tập quán cổ truyền, chưa bị lai hóa với thế giới hiện đại. Những lễ hội đặc sắc của người Mày như lễ cúng giang sơn, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ cúng cơm mới... vẫn được đồng bào duy trì. Cứ đến mùa lễ hội, trai gái trong bản lại ăn mặc đẹp, chuẩn bị chu đáo rượu, thịt để già làng làm lễ tế Giàng, trời đất, thần Cu Lôông, thần rừng.

 

Đồng bào người Mày ở bản Dộ-Tà Vờng hiện vẫn còn sở hữu những món ăn độc đáo, riêng có như: Canh măng nấu cá suối; canh gà nấu củ sắn; cá mát nướng; cơm bồi; nếp rẫy….

Theo ông Bắc, năm 2013, Dự án Bảo tồn thiên nhiên và quản lý bền vững nguồn tài nguyên Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã  có ý định chọn Dộ-Tà Vờng để phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay, dự án này đã không thực hiện được. Tuy vậy, từ đó đến nay, đồng bào người Mày nơi đây vẫn giữ được tâm thế sẵn sàng để phục vụ khách du lịch khi có điều kiện.

 

Đặc biệt, từ năm 2019, bản Dộ-Tà Vờng đã được huyện Minh Hóa chọn để xây dựng thành bản nông thôn mới và nay đã được quy hoạch đẹp đẽ, ngăn nắp. Nếp nhà này nối với nhà kia theo từng cụm, khắp lối đi trong bản là những vườn cây, hoa trái với sắc xanh dịu mát.

 

Người dân ở đây luôn tâm niệm, thiên nhiên đã ưu ái ban tặng vẻ đẹp cho bản làng của họ, nếu không ngăn nắp, sạch sẽ thì thật có lỗi với trời đất. Vì thế, cứ hàng tuần, người dân trong bản lại tổ chức làm vệ sinh, nhắc nhở nhau làm sạch đẹp thêm cho bản làng.

Trước đây, người Mày ở bản Dộ-Tà Vờng chỉ biết sống phụ thuộc vào rừng và trồng lúa rẫy theo kiểu nhờ trời. Nay, với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, họ đã biết trồng rừng, cây ăn quả, chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà…để có cuộc sống ổn định hơn. 

 

Đặc biệt, mới đây với sự giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ xã, ông Hồ Khiên, Chi hội trưởng Nông dân bản Dộ-Tà Vờng đã gieo cấy thử nghiệm thành công mô hình lúa nước trên ruộng bậc thang, mở ra một hướng sản xuất mới cho đồng bào nơi đây. Không chỉ giúp bảo đảm nguồn lương thực, xóa đói giảm nghèo nhờ tận dụng được những thửa đất hoang ven suối, trồng lúa nước trên ruộng bậc thang còn tạo ra cảnh quan đẹp để phục vụ phát triển du lịch khi có điều kiện.

Cho đến hôm nay Dộ-Tà Vờng vẫn là một bản nghèo, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Đối với đồng bào người Mày nơi đây, khái niệm làm du lịch cũng vẫn còn rất xa lạ. Du khách đến thăm, họ chỉ biết lấy tấm lòng chân thật và những bản sắc văn hóa riêng có của mình ra để đối đãi. Nhưng tin rằng, với những gì đang có và nếu nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của những nhà đầu tư du lịch chuyên nghiệp, chắc chắn trong tương lai không xa, Dộ-Tà Vờng thành một điểm du lịch đặc sắc, là nét chấm phá khó quên trong hành trình khám phá Quảng Bình của du khách.

 

 

Nội dung & Ảnh: PHAN PHƯƠNG

Thiết kế & Đồ họa: XUÂN HOÀNG

10:34, Thứ Năm, 08/10/2020 (GMT+7)