.

Mùa thu biên giới

Thứ Sáu, 18/09/2020, 06:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Tháng chín, trời biên giới trong xanh. Những miền đất từng rất xa xôi trong ký ức như Cha Lo, Cà Roòng, Tân-Thượng Trạch, nay xe ô tô chạy chỉ vài tiếng đã có thể được ngắm đất trời biên cương. Nếu Cà Roòng, Tân-Thượng Trạch vẫn lặng lẽ dưới tán rừng nguyên sinh tịch mịch, thì Cha Lo đã thấp thoáng bóng hình đô thị. Mùa thu biên giới vừa bình yên vừa hứa hẹn bao điều điều mới mẻ!

Tháng chín, trời biên giới trong xanh. Những miền đất từng rất xa xôi trong ký ức như Cha Lo, Cà Roòng, Tân-Thượng Trạch, nay xe ô tô chạy chỉ vài tiếng đã có thể được ngắm đất trời biên cương. Nếu Cà Roòng, Tân-Thượng Trạch vẫn lặng lẽ dưới tán rừng nguyên sinh tịch mịch, thì Cha Lo đã thấp thoáng bóng hình đô thị. Mùa thu biên giới vừa bình yên vừa hứa hẹn bao điều điều mới mẻ!

Hơn hai mươi năm trước, lần đầu tiên tôi cùng các đồng nghiệp lên Cha Lo với hành trình gần hai ngày đêm đầy gian khó. Cha Lo ngày ấy chỉ có đồn biên phòng và trạm hải quan đơn sơ nằm kề con suối dưới chân dãy Giăng Màn. Cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu biên giới đầy nhọc nhằn, vất vả…

 

Mùa thu này, Cha Lo đã mang một diện mạo mới. Trong nắng sớm, cột mốc 528 uy nghi và kiêu hãnh khẳng định chủ quyền đất nước. Dãy Giăng Màn vẫn xanh màu rừng nguyên sinh, tựa như bức tường thành vững chãi của Tổ quốc. Sau gần 20 năm được thành lập, Khu Kinh tế cửa khẩu Cha Lo đang dần trở thành trung tâm kinh tế phía tây của tỉnh. Trong định hướng đến năm 2030, nơi đây sẽ là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của tỉnh Quảng Bình với nước bạn Lào và các tỉnh đông bắc Thái Lan. Nhiều công trình mới đã mọc lên, Cha Lo không còn tịch mịch, khiêm nhường mà sôi động những âm thanh ngày mới.

 

Cuối tháng 8-2020, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã có chuyến thăm và kiểm tra tình hình tại Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo. Chia sẻ với những khó khăn của cán bộ, chiến sĩ nơi đây và chúc mừng những thành quả quan trọng mà các đơn vị đã đạt được, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã lắng nghe và có những ý kiến chỉ đạo cụ thể để thời gian tới, Khu Kinh tế cửa khẩu Cha Lo sẽ phát triển mạnh mẽ, phù hợp và gắn kết chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. 

 

Năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, các lực lượng đóng quân nơi đây phải đối mặt với nhiều khó khăn mới. Khoảnh đất nhỏ hẹp bên dòng suối hiền hòa dưới chân dãy Giăng Màn hay sườn núi cạnh tuyến đường xuyên qua rừng trở thành điểm chốt của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo.

 

Kiểm soát người vượt biên giới trái phép để ngăn chặn, phòng ngừa dịch Covid-19 xâm nhập là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn và gian khổ nên hành trang của những người lính vô cùng đơn sơ. Lều bạt, tăng võng, đèn pin, đài, nhu yếu phẩm, dụng cụ nấu ăn… được sắp xếp gọn ghẽ để bất cứ lúc nào họ cũng sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ hay giản đơn là để tránh những cơn mưa rừng chỉ trong chốc lát có thể biến dòng suối hiền hòa  trở nên hung dữ.

 

Có những điểm chốt tựa lưng vào núi, ban ngày nắng nóng, đêm sương giăng và giá lạnh. Mỗi tuần, cán bộ, chiến sĩ luân phiên nhau trở về đơn vị để xạc điện thoại, bổ sung nhu yếu phẩm. Nhưng xác định đây là một cuộc chiến lâu dài, ở những chốt gác đã kịp mọc lên những vườn rau nho nhỏ có thể cung cấp đủ rau xanh cho mọi người. Ngoài thời gian canh gác, họ chăm sóc vườn rau, nghe tin tức qua đài, giặt giũ quân trang, nấu cơm...,khung cảnh nơi tuyến đầu mang dáng vẻ bình yên hơn bao giờ!

Với con số gần 7500 người về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo trong thời điểm dịch Covid-19, các lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP), y tế, hải quan, công an đã căng mình phòng chống dịch. Ngày nơi đây trở nên dài hơn, giấc ngủ của họ ngắn lại, đôi khi chỉ là khoảnh khắc chợp mắt vội vàng, tất cả vì sự bình yên của nhân dân và ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh. Không chỉ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, họ đồng thời  phải nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng của dịch bệnh. 

 

Thăm các chốt gác của BĐBP, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chia sẻ khó khăn và động viên cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, nỗ lực vượt qua gian khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã tin cậy giao phó. Nơi hậu phương, tỉnh và các ban ngành chức năng sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ và lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu.

 

Chỉ mới vài năm chưa trở lại hai xã miền núi Tân-Thượng Trạch, tôi đã ngỡ ngàng bởi sự đổi thay của vùng đất này. Đặc biệt, những cán bộ trẻ năm nào như Đinh Cu, Y Quyết, nay đang giữ những cương vị công tác mới. Đinh Cu, anh cán bộ tư pháp luôn tất bật ngược xuôi đến tận từng bản, từng nhà để hỗ trợ bà con làm giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm, hộ khẩu… , nay đã là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Y Quyết vẫn nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và đầy nhiệt huyết như cô cán bộ phụ nữ năm nào.

 

Báo cáo với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng và đoàn công tác về những thuận lợi và khó khăn của địa phương, họ đã mạnh dạn đề xuất những hướng đi và thể hiện quyết tâm đưa quê hương xóa đói giảm nghèo. Vẫn biết đây là một hành trình đầy gian khó, nhưng tin rằng, Đinh Cu, Y Quyết và những cán bộ vùng cao trưởng thành từ trong gian khó sẽ cùng người dân nơi đây mở ra những con đường mới cho quê hương. Và trên con đường ấy, Trung ương, tỉnh, huyện và sở, ban, ngành sẽ đồng hành cùng địa phương, như quyết tâm mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã khẳng định: “Không thể sống trong lòng Di sản mà vẫn đói nghèo!”

Với đặc điểm địa hình và xuất phát điểm của địa phương, xây dựng nông thôn mới ở Tân Trạch là hành trình dài, đầy gian khó nhưng cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây vẫn kiên trì từng bước, từng bước đặt nền móng và đã đạt 6/19 tiêu chí. 4.000 ha rừng đặc dụng cũng được bà con chung tay bảo vệ, góp phần đưa Quảng Bình trở thành một trong những địa phương nằm trong tốp những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất toàn quốc. Tại Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, đã có 8/11 đồng chí trong Ban Chấp hành là người dân tộc thiểu số. Điều này càng khẳng định sự nỗ lực, tiến bộ của đồng bào trên hành trình xây dựng quê hương.

 

Xã Tân Trạch hiện có gần 400 nhân khẩu, thì đã có 76 đảng viên. Đây là con số mà ít địa phương đạt được. Cũng như Thượng Trạch, dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tỷ lệ đảng viên của xã đã nói lên nhiều điều, mà rõ nét nhất chính là niềm tin của người dân nơi đây đối với Đảng. Và niềm tin là khởi nguồn quan trọng cho những kỳ vọng về tương lai.

 

Những đổi thay to lớn trên miền biên giới đều ghi dấu ấn đậm nét của những người lính biên phòng. Câu nói “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”đã trở nên thân thuộc với người dân bởi sự hiện diện mỗi ngày của bộ đội biên phòng trong đời sống. BĐBP cắm bản, dạy bà con trồng lúa, trồng rau, nuôi lợn, nuôi bò, nâng bước em đến trường, mang ánh sáng về tận những bản làng xa xôi… 

Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chia sẻ: Lính biên phòng quen với những cung đường biên giới như đường về nhà mình. Đó là những con đường uốn lượn quanh co rất đẹp đến tận trung tâm các xã; đường tuần tra len lỏi dưới tán rừng, nơi rất ít dấu chân người đặt đến hay đường về bản làng xa ngái qua đèo, qua suối… Đi mãi thành quen, lâu không đi lại thấy nhớ!

 

Nhiệm vụ của những người lính canh giữ biên cương vẫn vô cùng gian nan, vất vả. Dẫu thế, mỗi ngày họ vẫn dành thời gian để trồng hoa, trồng rau. Nên cuối hè, chớm thu, khi thời tiết vẫn còn khắc nghiệt, vườn rau BĐBP vẫn tươi xanh và rất nhiều hoa khoe sắc rực rỡ…

 

Mùa thu biên giới, chợt nhớ những ca từ của bài hát cũ “Nếu em lên biên giới/Em sẽ gặp bạt ngàn hoa…”. Những người lính biên phòng, không chỉ cầm chắc tay súng bảo vệ biên cương, mà còn mang bao “sắc hoa” tô điểm cho cuộc sống nơi biên giới thêm rực rỡ!

 

Nội dung & Ảnh: DIỆP ĐỒNG - XUÂN HOÀNG

Thiết kế & Đồ họa: XUÂN HOÀNG

06:12, Thứ Sáu, 18/09/2020 (GMT+7)