Giảm nghèo thông tin cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi:

Cần những "cú hích" đủ mạnh - Bài 1: Khó chồng khó

  • 14:32 | Thứ Tư, 27/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, thông tin, tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), miền núi, công tác giảm nghèo về thông tin vẫn đang gặp không ít vướng mắc, trở ngại. Do đó, những giải pháp cụ thể, thiết thực để giảm nghèo thông tin (GNTT) cho đồng bào cần tiếp tục được đẩy mạnh để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo.
 
Giao thông đi lại khó khăn, cách trở, trình độ dân trí thấp, nhận thức của người dân còn hạn chế, hệ thống cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn… là những rào cản trong việc triển khai công tác GNTT vùng ĐBDTTS, miền núi. Những rào cản ấy đang khiến lộ trình giảm nghèo bền vững ở các địa phương này gặp nhiều thách thức.
 
Liên lạc bằng thư tay
 
Ngày nay, khi các phương tiện thông tin liên lạc ngày càng phát triển, chuyện viết thư tay tưởng chừng là câu chuyện của mươi, mười lăm năm về trước, của “thời lạc hậu”, thì tại bản Đoòng, xã Tân Trạch (Bố Trạch) đó vẫn đang là câu chuyện của “thì hiện tại tiếp diễn”. Nguyên nhân xuất phát từ sự cách trở trong giao thông đi lại và từ những thiếu thốn của đồng bào nơi đây.
A.
Thiếu hụt thông tin, hạn chế trong tiếp cận thông tin là những rào cản trên lộ trình giảm nghèo bền vững tại các địa phương vùng ĐBDTTS, miền núi.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Văn Đại cho biết: Hiện nay, 11 hộ dân với 54 nhân khẩu bản Đoòng vẫn sống trong cảnh “5 không”: Không điện, không trạm, không chợ, không sóng truyền hình, không sóng điện thoại. Đồng bào nơi đây sống biệt lập giữa trùng điệp núi rừng Trường Sơn hiểm trở. Các phương tiện giao thông không thể vào đến bản nên muốn vào đây chỉ còn cách đi bộ hơn 2 giờ đồng hồ. Điều đáng nói, trong khi người dân bản 39 lân cận đã có nguồn điện nối về tận khu dân cư thì tại bản Đoòng, đó vẫn đang là… mơ ước.
 
“Trước đây, bản Đoòng cũng có hệ thống điện chạy bằng năng lượng mặt trời, nhưng hệ thống này phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và đã bị xuống cấp nên hiệu năng hoạt động rất kém. Để có nguồn điện, một số hộ dân ở đây đã chịu khó đầu tư mua máy nổ, nhưng quá trình sử dụng tiêu tốn khá nhiều kinh phí mua xăng nên họ dùng rất dè xẻn. Bản cũng đã được hỗ trợ lắp đặt cột thu phát sóng của Viettel chạy bằng năng lượng mặt trời, nhưng sau hơn 3 năm sử dụng, đã xuống cấp, chất lượng thu phát sóng rất kém, lúc có, lúc không. Những lúc có việc cần bàn bạc với cán bộ bản, không liên lạc được bằng điện thoại, chúng tôi phải đi bộ vào tận nơi để tìm gặp hoặc là viết thư tay gửi nhờ cán bộ kiểm lâm mang vào. Những lá thư tay cứ thế dày thêm theo thời gian”, anh Đại chia sẻ.
 
Không điện, không sóng điện thoại, giao thông cách trở, việc kết nối với người dân địa phương khó khăn nên công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến các chủ trương, chính sách quan trọng đến với bà con gặp rất nhiều bất lợi. Và khi tuyên truyền, vận động bị hạn chế thì việc thay đổi nhận thức, tư duy cho đồng bào cũng vô cùng gian nan. Cái nghèo, cái khổ cũng vì thế đeo bám cuộc sống người dân từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Cả bản có 11 hộ nhưng có đến 6 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, còn lại đều hoàn cảnh khó khăn”, anh Đại cho hay.
 
Từ nghèo vật chất… đến “nghèo” nhận thức
 
Sau hơn 8 năm tách hộ khẩu, chuyển ra sống riêng, 4 nhân khẩu trong gia đình chị Hồ Thị Dung, anh Hồ Tân (cùng sinh năm 1998) ở bản Hang Chuồn-Nà Lâm, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) vẫn ngày ngày chen chúc trong căn nhà tạm bợ, dột nát, mà thoạt nhìn nếu không được giới thiệu trước, nhiều người sẽ nghĩ đó chỉ là một chiếc lán tạm. Phương tiện liên lạc của họ là chiếc điện thoại di động cũ hai vợ chồng dùng chung, những lúc đi làm anh Tân mang theo.
 
Khi được hỏi có thường xuyên theo dõi tin tức, các thông tin trên tivi, báo chí, mạng xã hội không, anh chị đều lắc đầu. “Nhà không có tivi, điện thoại chỉ sử dụng để nghe gọi lúc cần thiết, còn muốn lên mạng đọc báo, xem tin tức thì phải đăng ký 4G, hàng tháng mất một khoản tiền không ít nên chúng tôi không đăng ký. Có điện thoại liên lạc là tốt lắm rồi!”, chị Dung chia sẻ.
 
Cũng như vợ chồng chị Dung, anh Tân, đa phần người dân bản Hang Chuồn-Nà Lâm đã quen với cuộc sống không tivi, không internet. Cuộc sống của họ chỉ quẩn quanh nơi bản nhỏ. Theo Trưởng bản Hồ Văn Mên, bản có 68 hộ, 227 khẩu, trong đó có đến 40 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo và cả bản chỉ có 4-5 hộ có tivi, chưa đến 1/3 dân số có điện thoại thông minh.
 
Đặc biệt, ở cụm dân cư Nà Lâm giao thông đi lại vẫn rất khó khăn, chưa có điện, nên nhiều hộ dân ở đây đã chuyển ra cụm Hang Chuồn sống tạm để thuận tiện cho con em đi học, còn khoảng 3 hộ với 8 nhân khẩu vẫn bám trụ. “Đường sá xa xôi, lại thêm những thiếu thốn về cơ sở vật chất nên công tác thông tin, truyền thông ở đây gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của bà con cũng hạn chế. Nhiều người mặc dù có tivi, điện thoại thông minh nhưng họ không dùng để xem tin tức, thời sự hay tiếp cận những thông tin cần thiết, bổ ích đâu!”, anh Mên cho biết.
 
Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Hoàng Thanh Hiến cho biết: GNTT là 1 trong 6 mục tiêu giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 (bao gồm việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin). Trong đó, sự thiếu hụt thông tin với ĐBDTTS, người sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… được xét trên 2 tiêu chí: Sử dụng dịch vụ viễn thông (hộ gia đình không có thành viên nào sử dụng dịch vụ internet) và tài sản phục vụ tiếp cận thông tin (hộ gia đình không có phương tiện nào trong số các phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin: Phương tiện dùng chung gồm tivi, radio, máy tính để bàn, điện thoại; phương tiện cá nhân gồm máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh).
Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Võ Thành Đồng, đa số người dân ở bản Hang Chuồn-Nà Lâm vẫn mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
 
Mặc dù nhận được sự quan tâm, hỗ trợ như nhau, nhưng trong khi người dân các bản khác biết đổi mới tư duy, tận dụng nguồn lực hỗ trợ mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi để nâng cao chất lượng cuộc sống thì đồng bào ở bản Hang Chuồn-Nà Lâm vẫn có tư tưởng an phận, thiếu ý chí vươn lên. Điều này lý giải vì sao, toàn xã (5 thôn, 4 bản) có 140 hộ nghèo thì riêng bản Hang Chuồn-Nà Lâm chiếm tới 40 hộ.
 
Thiếu hụt thông tin, hạn chế trong tiếp cận thông tin là những rào cản đáng ngại trên lộ trình giảm nghèo bền vững tại các địa phương vùng ĐBDTTS, miền núi mà bản Hang Chuồn-Nà Lâm (xã Trường Xuân) và bản Đoòng (xã Tân Trạch) chỉ là 2 đơn cử mà chúng tôi đưa ra. Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách để phát triển kinh tế vùng ĐBDTTS, miền núi, song khả năng tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản của đồng bào vẫn còn hạn chế và GNTT cho các vùng khó khăn này vẫn đang là “bài toán khó”.
 
Tâm An
>>> Bài 2: Đi tìm lời giải cho “bài toán khó”

tin liên quan

Phối hợp cung ứng, giới thiệu lao động Việt Nam cho Liên doanh ILsung-RCC

(QBĐT) - Sở Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có thông báo về việc phối hợp cung ứng, giới thiệu lao động Việt Nam cho Liên doanh ILsung-RCC. 

Làng biển trong "vòng xoáy" của đất - Bài 1: Vì đâu nên nỗi?

(QBĐT) - Sau khi Tập đoàn FLC khởi công quần thể nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình (dự án FLC Quảng Bình), giá đất trên địa bàn xã biển bãi ngang Hải Ninh (Quảng Ninh) không ngừng "leo thang". Điều đáng nói, có rất nhiều người dân nơi đây bị cuốn vào "vòng xoáy" lướt sóng thị trường đất, để giờ đây trở thành "con nợ", với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

 
 

Khánh thành công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê"

(QBĐT) - Ngày 26/3, tại xã Hóa Sơn (Minh Hóa), Ban Thường vụ Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh tổ chức lễ khánh thành và bàn giao công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê".