Đa phương tiện-sức sống mới của báo chí hiện đại

  • 07:24 | Chủ Nhật, 24/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong hành trình 61 năm (27/3/1963-27/3/2024) của Báo Quảng Bình, ngoài sự nỗ lực của tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, thì sự đồng hành của đội ngũ cộng tác viên là sức mạnh góp phần xây dựng báo ngày càng phát triển, uy tín và gần gũi với công chúng.
 
Cùng nhập cuộc phát triển báo chí hiện đại
 
Tôi công tác tại Đài Truyền thanh-Truyền hình Tuyên Hóa (nay là Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thông huyện Tuyên Hóa) đến nay là  tròn 20 năm. Trong thời gian đó, điều vinh dự là tôi đã được cộng tác với Báo Quảng Bình. Nhờ cộng tác với quý báo, tôi ngày thêm chững chạc và hoàn thiện hơn trong hoạt động nghề nghiệp. Tôi còn nhớ, trước đây, Báo Quảng Bình ra mỗi tuần 3 số, rồi đến 5 số và lên 7 số. Mỗi lần gửi tin, bài đi là những lần chờ đợi hồi hộp để thấy sản phẩm của mình được đăng trên báo.
 
Năm 2012, Báo Quảng Bình điện tử ra đời, không chỉ đọc giả mà đội ngũ cộng tác viên (CTV) vô cùng phấn khởi. Tin, bài được đăng tải kịp thời, hình ảnh nhiều và đẹp hơn. Quan trọng nhất là sự tương tác, truy cập vào các nội dung tờ báo được nhanh nhạy, thuận tiện. Sau đó, Báo Quảng Bình điện tử bắt đầu phát triển thêm mảng truyền hình càng làm cho nội dung phong phú, hấp dẫn. Từ khi ra đời đến nay, với sự phát triển của internet, mạng xã hội, Báo Quảng Bình điện tử đã tiếp cận với bạn đọc trên nhiều nền tảng số, giúp khoảng cách giữa độc giả với tờ báo càng gần hơn.
Cộng tác viên phải tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng công nghệ để có thể tác nghiệp một cách hiệu quả nhất.
Cộng tác viên phải tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng công nghệ để có thể tác nghiệp một cách hiệu quả nhất.

Nói như thế để thấy rằng, xu hướng số hóa là không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển hiện nay của thế giới và báo chí, truyền thông đương nhiên không thể ra ngoài quỹ đạo của sự phát triển này. Trong đó, Báo Quảng Bình đang có những bước tiến đáng kể trong quá trình số hóa. Vậy thì CTV chúng tôi phải làm gì, làm như thế nào để đáp ứng yêu cầu đổi mới, số hóa của tòa soạn?

Gần đây, chúng ta thường nghe các cụm từ quen thuộc, như: Báo chí đa phương tiện, đa nền tảng. Vậy đa phương tiện là gì? Đa nền tảng là gì? Đó cũng là nội dung mà CTV cần tìm hiểu để tiếp tục học hỏi, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ và sử dụng các thiết bị điện tử, nền tảng mạng xã hội trong quá trình tác nghiệp, xử lý thông tin, hình ảnh cũng như tương tác với tòa soạn.

Cá nhân tôi và một số CTV của Báo Quảng Bình đang công tác trong lĩnh vực phát thanh-truyền hình ở địa phương, các cơ quan, đơn vị có một chút lợi thế trong hoạt động báo chí theo xu thế đa phương tiện, đa nền tảng. Đó là việc sử dụng các thiết bị trong quá trình tác nghiệp, khả năng quay phim, dựng phim, chụp ảnh. Hiện nay, các đơn vị truyền thông ở cơ sở cũng đang tích cực lộ trình số hóa.
 
Vì vậy, việc triển khai công tác thông tin tuyên truyền trên nhiều nền tảng khác nhau đã tạo cho đội ngũ cán bộ làm truyền thông có một sự nhập cuộc và tiếp cận với công nghệ số tốt hơn. Tôi nghĩ, đây là những CTV chiến lược mà tòa soạn Báo Quảng Bình cần tiếp tục có sự quan tâm, định hướng, đặc biệt là tạo điều kiện để CTV được cộng tác ở mảng truyền hình.
 
Cùng đó, CTV cũng phải tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng công nghệ để có thể tác nghiệp một cách hiệu quả nhất. Tin, bài, hình ảnh phải phục vụ tối đa cho mọi nền tảng công nghệ của tòa soạn, từ báo giấy, báo điện tử, video cho truyền hình và cả audio cho phát thanh nếu tòa soạn sử dụng.
 
Để khuyến khích đội ngũ CTV sáng tạo, đổi mới nội dung, hình thức thể hiện tin, bài trên các ấn phẩm và trên nền tảng số, tòa soạn Báo Quảng Bình cũng cần có sự định hướng, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ CTV. Ban biên tập, các phòng chuyên môn chủ động kết nối, tương tác, tiếp nhận trao đổi thông tin với đội ngũ CTV; quan tâm CTV ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa; có cơ chế đãi ngộ, khen thưởng phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để CTV tác nghiệp, tạo nên những tác phẩm báo chí ngày càng chất lượng, góp phần phát triển báo chí đa phương tiện, đa nền tảng trong kỷ nguyên số.
Văn Tư
 
Đổi mới, phát triển đề tài báo chí văn hóa, văn nghệ 
 
Trong khoảng ba năm trở lại đây, Báo Quảng Bình Chủ nhật luôn “ưu tiên” dành trang 4, 5 và in màu rất đẹp dành cho những bài viết của văn nghệ sĩ trong tỉnh và toàn quốc. Đó là những bài ký, tản văn, thơ, vừa đậm chất văn chương, lại khai thác đầy đủ các lĩnh vực, đề tài về thiên nhiên, địa lý, lịch sử, văn hóa truyền thống, văn học, nghệ thuật hiện đại và lao động sản xuất.
 
Không chỉ trên Quảng Bình Chủ nhật, những số báo ngày thường cũng đăng tải một số lượng bài về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ không nhỏ. Đặc biệt, Báo Quảng Bình điện tử cũng có chuyên mục “Văn hóa” xuất hiện các tin, bài hàng ngày, giúp những bạn đọc chưa tiếp cận được với báo giấy, dễ dàng có “món ăn” tinh thần.
ưa
Văn nghệ sĩ rất cần thêm "sân chơi" để tác phẩm tiếp cận với bạn đọc.
Xung quanh việc xây dựng và phát triển các đề tài báo chí trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ của Báo Quảng Bình, tôi nhận thấy có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Người cho rằng, báo chí là phải tin tức, phóng sự thời sự. Báo chí không nên “lấn sân” mảng văn hóa, văn nghệ của các tạp chí chuyên môn. Điều này sẽ làm mờ nhạt đi vai trò đúng nghĩa của báo chí. Thứ nữa, vì báo chí thiếu chuyên môn, nên nếu đăng những bài không bảo đảm chất lượng nghệ thuật, làm sáo mòn sáng tạo.
 
Tuy nhiên, qua tìm hiểu trong giới văn nghệ sĩ mà tôi quen biết, họ lại nghĩ khác. Họ cho rằng, số lượng văn nghệ sĩ say mê sáng tạo tác phẩm trong tỉnh rất đông. Trong khi chỉ có Tạp chí Nhật Lệ với mỗi tháng một số là không thể đáp ứng đăng tải. Với lại, Tạp chí Nhật Lệ chỉ dành cho giới chuyên môn, đến không được nhiều với công chúng yêu văn học, nghệ thuật. Việc Báo Quảng Bình phát triển mạnh lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đã và đang tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ có thêm “sân chơi” và công chúng yêu văn học, nghệ thuật dễ dàng tiếp cận mảng đề tài này.
 
Trong một tiếp xúc khác với bạn đọc Báo Quảng Bình, điều khiến tôi bất ngờ là, đa số người cầm tờ báo lên đều lật ngay trang 4 và 5, hoặc báo có chuyên mục “Văn hóa-Văn nghệ” rồi chăm chú đọc. Anh Trương Văn Toan ở xã Quảng Hợp (Quảng Trạch), khi gặp tôi ở nhà người quen đã hồ hởi khoe: “Tui đọc các bài văn, bài thơ của chú, tui thích lắm nhà văn ạ!”. Tôi hỏi, anh đọc ở đâu? “Thì đọc Báo Quảng Bình chơ mô nữa chú, báo phát về tận chi bộ, tui mượn về đọc. Tui đọc báo giấy quen rồi, không thích đọc trên điện thoại, cầm tờ báo đọc mới sướng”, anh Trương Văn Toan trả lời.
 
Tôi luôn cho rằng, báo chí cũng phải cần đa dạng. Việc xây dựng và phát triển các đề tài báo chí trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ của Báo Quảng Bình là một việc làm sáng tạo và cần kíp. Tuy nhiên, nên chăng cần cộng tác với những người có chuyên môn sâu để làm biên tập viên cho mảng đề tài này như báo Đảng của các tỉnh bạn? Việc này chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng các tác phẩm đăng tải, giúp người đọc đỡ “cắn” những hạt sạn.
 
Đỗ Thành Đồng
 
Sớm xây dựng thành công “Tòa soạn hội tụ”
 
Trong giai đoạn phát triển của công nghệ thông tin, báo chí đứng trước sự cạnh tranh, thách thức không nhỏ, bởi việc lựa chọn thông tin của bạn đọc.
 
Ngày nay, bạn đọc có nhiều kênh để tiếp cận thông tin, tuy nhiên để kịp thời thông tin đến độc giả, nhất là các vấn đề trên lĩnh vực an ninh trật tự, chúng tôi luôn xác định cần phải đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, cách thể hiện tác phẩm báo chí nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của báo chí đa phương tiện.
 
Là một cộng tác viên lâu năm của Báo Quảng Bình, hàng tháng thực hiện xây dựng chuyên trang “An ninh xã hội” trên báo, vì thế chúng tôi luôn nhận được sự phối hợp, hỗ trợ, trao đổi thông tin của tòa soạn để mỗi chuyên trang trở thành một câu chuyện về những chủ đề tuyên truyền trong tháng của lực lượng Công an toàn tỉnh. Nhờ đó, chuyên trang mới có những bài viết phản ánh đầy đủ, sinh động các chiến công, thành tích của lực lượng Công an trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
d
Cộng tác viên phải đổi mới cách tác nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của báo chí đa phương tiện.
Ngoài chuyên trang trên Báo Quảng Bình, chúng tôi thường xuyên thực hiện các chuyên mục truyền hình “An ninh Quảng Bình”, chương trình phát thanh “Vì An ninh Tổ quốc” để phát trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình; đồng thời, xây dựng tin, bài để đăng tải trên cổng thông tin điện tử Công an tỉnh, qua đó kịp thời thông tin, định hướng những vấn đề mà dư luận quan tâm…
 
Với đặc thù công việc như vậy, nên cùng một sự kiện, sự việc chúng tôi luôn trăn trở để xử lý thông tin làm sao phù hợp với các loại hình báo chí. Những sản phẩm chúng tôi cộng tác với Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình phải đáp ứng được các tiêu chí của các loại hình sản phẩm: Báo in, báo hình, báo nói và báo điện tử. Chính vì thế, ngay từ khi tiếp xúc vấn đề, sự kiện, sự việc, chúng tôi phải trang bị cho mình đầy đủ các loại phương tiện tác nghiệp, như: Máy quay phim, máy ảnh, máy ghi âm… và sử dụng thành thạo các phần mềm dựng phim, xử lý hình ảnh, âm thanh... để sản phẩm cuối cùng phải phản ánh được sự kiện một cách chân thực, sinh động và chính xác nhất.
 
Sau thời gian dài cộng tác, chúng tôi mong muốn Báo Quảng Bình có sự phát triển lớn mạnh hơn nữa, nhất là Tòa soạn Báo Quảng Bình sớm xây dựng thành công mô hình “Tòa soạn hội tụ”, tích hợp các loại hình báo chí, như: Báo in, báo hình, báo điện tử, báo phát thanh với nhiều phương tiện ứng dụng công nghệ và thể hiện được trên các thiết bị máy tính, di động, thiết bị thông minh... Đặc biệt, là sự hội tụ về thông tin, các sản phẩm có sự tương tác cao với độc giả nhằm tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn với người đọc, người nghe, người xem… 
Ngô Quang Văn

tin liên quan

Chủ động phòng, chống bệnh dại trên động vật

(QBĐT) - Tình hình bệnh dại ở động vật trên cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng đang diễn biến phức tạp. Hiện, tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dại (PCBD) ở động vật, trong đó tập trung đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho chó, mèo.

Buôn bán vậy khó bền lâu!

(QBĐT) - Đi chợ gặp nhau, bà T. liền kéo bà H. lại kể chuyện.
 

Lệ Thủy: Nhân rộng mô hình "gia đình 5 có, 3 sạch"

(QBĐT) - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Lệ Thủy Lê Thị Trà Giang cho biết, mô hình "gia đình 5 có, 3 sạch" được các cơ sở Hội LHPN trên địa bàn triển khai thời gian qua là cách làm sáng tạo, thiết thực nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của hội viên, cán bộ hội các cấp trong thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".