Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Rau bún chua, món ăn dân dã của người Minh Hóa

  • 10:26 | Thứ Năm, 21/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhắc đến những món ăn của người Minh Hóa, nhiều người thường nghĩ ngay đến bồi, ốc, tằm, trứng kiến nấu canh chua... những món ăn dân dã, đậm đà đã tạo nên nét đặc trưng ẩm thực riêng có của người dân huyện miền núi. Và bún chua, một món ăn bình dân của người dân nơi đây mà ai đã ăn một lần cũng nhớ mãi.
 
Bún chua được chế biến từ đọt cây bún mọc trên rừng. Cây bún này cùng tên, nhưng khác với cây hoa bún ở huyện Lệ Thủy. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, cây bún mọc tự nhiên trên rừng sâu nên rất sạch. Cây phát triển xanh non, sum suê vào khoảng tháng 1-3 âm lịch.
 
Vào thời gian này, đọt, nhánh cây bún xanh non, người hái rau sẽ ngắt những đọt non để về chế biến thành món bún chua ăn xổi hoặc cất ăn dần. Khi hái đọt bún, kinh nghiệm của người hái thường ngắt đọt gần nửa bàn tay, nếu hái đọt quá dài rau sẽ dai.
 
Muối đọt bún chua cũng gần giống như muối rau cải hay một số rau, củ khác. Khi hái về, đọt bún được rửa sạch, phơi ráo nước cho hơi héo, sau đó để vào ngâm với nước muối đã đun sôi để nguội khoảng 40 độ và ủ kín trong hộp, vại... Nếu nước nóng hơn rau sẽ bị úng, không được giòn.
Ảnh minh họa.
Rau bún chua xào tỏi.
Khác với rau, củ có thể muối chua bằng nước mắm thì người dân nơi đây chỉ muối đọt bún với nước muối (rất nhạt hoặc bỏ một chút đường). Rau bún muối chua thành công thì sau 3-4 ngày đã thơm, chua, giòn, không còn vị chát và lúc này là ăn được.
 
Người dân Minh Hóa chế biến món đọt bún chua theo hai cách là xào hoặc nấu canh chua. Với món xào, thường phải vắt nước cho ráo, phi tỏi thơm rồi cho rau vào xào với thịt ba chỉ hay tôm, tép... Rau bún xào có vị thơm, béo, chua thanh, giòn, ăn rất lạ miệng, ngon khó cưỡng. Với người thích ăn chua thì đó là món khoái khẩu và hấp dẫn.
 
Với món rau bún nấu canh, người dân nơi đây thường chỉ lấy lá (lá rau bún rất nhỏ) hoặc cắt nhỏ cả lá và đọt. Rau bún muối đã chua nên phải chọn lượng vừa đủ để tạo vị thanh nhẹ và ngon nhất khi nấu với cá khe loại nhỏ (cá răn, cá nặc nùn, cá còm...). Vị chua chua của rau, ngọt của cá tạo nên sự hòa quyện, đậm đà và món ngon này ăn mùa nào cũng hợp. Ngoài nấu với cá khe, người dân còn chế biến rau bún chua nấu với các loại cá nục, hay với tôm, tép... cũng đều ngon.
 
Nhiều người dân Minh Hóa chia sẻ, nhiều món ăn từ rừng, như: Canh lóng rừng (cây chuối rừng non hái trên lèn cao), búp măng, búp, đọt lá bún... một thời là món ăn của nhà nghèo đã nuôi lớn bao thế hệ người Minh Hóa. Bây giờ, cuộc sống khá giả hơn, nhưng bà con vẫn “chung thủy” với những món ăn này và chế biến ngày càng phong phú, đậm đà và kết hợp sáng tạo hơn.
 
Đến với Minh Hóa vào thời gian này, món đãi khách của nhiều nhà chắc chắn sẽ không thiếu món rau bún chua. Và dù người chế biến xào hay nấu canh cũng đều ngon miệng. Nhất là vào dịp hội rằm tháng ba, ngoài ốc, bồi, rau dớn, trứng  kiến nấu canh chua... thì rau bún chua cũng là món ăn dân dã nhưng mang hương vị riêng, hấp dẫn đối với những ai đặt chân đến miền quê sơn cước này...
Minh Tuyết

tin liên quan

Người Mày cúng thần Cu lôông Cờ tôốc

(QBĐT) - Một ngày đầu xuân 2024, chúng tôi ngược ngàn đến với dãy Giăng Màn để được chứng kiến đồng bào người Mày (dân tộc Chứt) bản K-Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa) tổ chức lễ cúng thần Cu lôông Cờ tôốc.

Mùa lễ hội bên bờ sông Gianh

(QBĐT) - Ba Đồn-địa danh gắn liền với sông Gianh lịch sử cùng nhiều trầm tích bể dâu và bề dày văn hóa truyền thống. 

Khắc ghi lời dạy của Đại tướng

Mùa xuân năm 1973, khi đang là giáo viên chiến thuật Trường Bồi dưỡng Trung cao, tôi nhận lệnh của lãnh đạo nhà trường và Văn phòng Bộ Quốc phòng lên báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trận đánh thắng chiến thuật "Trâu rừng" của tướng Mỹ Williams Abrams.